Người dân Matxcơva tuần hành ngày 25-11 với biểu ngữ kêu gọi "Không du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ" - Ảnh: AFP |
Theo RIA, trong cuộc họp báo với Tổng thống Pháp François Hollande ở điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ đứng sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay Nga. Ông khẳng định Matxcơva đã cung cấp thông tin về chuyến bay này cho Washington từ trước. “Phía Mỹ biết rõ địa điểm cùng thời gian chuyến bay của chúng tôi, và máy bay chúng tôi bị bắn ngay vị trí đó và ngay thời điểm đó” - ông Putin nhấn mạnh.
Sau đó, ông Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẩu chiến qua lại dữ dội. Ông Putin bác bỏ tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ rằng không biết máy bay bị bắn hạ là chiến đấu cơ Nga và đòi ông Erdogan phải xin lỗi.
Từ Ankara, ông Erdogan phản pháo: “Nếu có bên nào phải xin lỗi thì đó không phải là chúng tôi. Những kẻ xâm phạm không phận của chúng tôi mới phải xin lỗi”. Ông tố ông Putin không nghe điện thoại của ông ngay sau vụ máy bay bị bắn rơi. Ông cảnh báo nếu máy bay Nga tiếp tục xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ thì “chúng tôi sẽ phản ứng tương tự”.
Ông Erdogan cũng bác bỏ cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). “Thật đáng xấu hổ. Những kẻ đưa ra cáo buộc này hãy chứng minh đi, nếu không các người chỉ là lũ vu khống - ông Erdogan chỉ trích - Nếu các người muốn tìm nguồn gốc vũ khí và sức mạnh tài chính của IS thì nên nhìn vào chế độ Assad và các nước đồng minh đầu tiên”.
AFP dẫn lời nhà phân tích Anthony Skinner thuộc Hãng tư vấn Verisk Maplecroft nhận định sức ép dư luận hai nước buộc cả ông Putin và ông Erdogan phải tỏ thái độ cứng rắn, dẫn tới nguy cơ khủng hoảng song phương leo thang.
Trên thực tế Nga đã bắt đầu trả đũa. Hiện hàng trăm xe tải chở trái cây, rau củ và nông sản Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chặn lại ở biên giới Gruzia - Nga. Các quan chức Nga tuyên bố có “mối đe dọa khủng bố” từ hàng hóa này.
Tại vùng Krasnodar, 39 doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ dự một cuộc triển lãm bị bắt giữ vì dùng thị thực du lịch thay vì thị thực doanh nghiệp và bị trục xuất. Phần lớn công ty du lịch Nga đã dừng bán tour sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo một cuộc chiến tranh thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây thiệt hại nặng nề cho cả hai nước. Theo Russia-Direct, trong vài năm qua thương mại song phương luôn đạt 31 - 34 tỉ USD/năm. Matxcơva và Ankara đặt mục tiêu nâng con số này lên 100 tỉ USD vào năm 2023. Năm 2014, Nga xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ 25 tỉ USD hàng hóa, chủ yếu là khí đốt, kim loại và hàng nông sản.
Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga chỉ đạt 7 tỉ USD. Nga mua của Thổ Nhĩ Kỳ những mặt hàng rất cần thiết để phát triển kinh tế như máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng, hàng may mặc, thực phẩm... Hơn 8.000 nhà đầu tư Nga mua địa ốc ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đầu tư của Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức 10 tỉ USD. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư khoảng 10 tỉ USD vào Nga, tạo ra hàng chục nghìn công ăn việc làm và hàng trăm triệu rúp tiền thuế cho chính quyền Matxcơva.
Năm 2014, khoảng 4,5 triệu người Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ du lịch. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lao đao nếu mất lượng du khách này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sẽ rơi vào khủng hoảng năng lượng nếu Nga ngừng các dự án năng lượng trọng yếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế ước tính thiệt hại đối với Nga có thể sẽ lên tới 30 tỉ USD. Một số ngành của nền kinh tế Nga như năng lượng và máy móc sẽ lao đao.
Nga chuyển hướng du lịch sang Việt Nam sau khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ Các đại biểu Quốc hội Nga muốn chuyển khách du lịch trong nước đến Việt Nam, Cuba và Trung Quốc trong bối cảnh vụ khủng bố máy bay ở Ai Cập và căng thẳng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Phó chủ tịch Hạ viện Nga Ivan Melnikov cho biết sắp tới Quốc hội Nga sẽ gặp đại điện các hãng lữ hành, hãng hàng không và đại sứ một số nước với mục đích nghĩ ra phương án giảm giá tour cho phù hợp với số đông người dân, đặc biệt vào mùa đông. “Các thủ đô của châu Âu bây giờ luôn trong tình trạng báo động. Việc cấm bay đến Ai Cập là có cơ sở, riêng Thổ Nhĩ Kỳ chúng ta hoàn toàn có lý do đóng cửa tuyến này. Các khu nghỉ dưỡng trong nước của Nga không đủ để đáp ứng nhu cầu người dân” - ông Melnikov nêu ra lý do cần phải chuyển hướng khách du lịch. Cũng theo ông, đảo Phú Quốc của Việt Nam, khu nghỉ mát Varadero của Cuba... nếu có giá cả hợp lý sẽ được rất nhiều người ưa thích nhờ cảnh quan thiên nhiên đẹp, an ninh bảo đảm và người dân bản xứ thân thiện. “Tôi tin rằng trong điều kiện hiện tại chúng ta có khả năng tìm ra giải pháp kinh tế biến những địa điểm độc đáo này dễ tiếp cận hơn nhờ một lượng đông du khách” - ông Melnikov kết luận. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Hoàng Thị Phong Thu, chủ tịch Công ty du lịch Pegas Misr Travel Vietnam chuyên đón khách Nga, cho biết nhiều công ty du lịch Nga đang tìm cách chuyển điểm đến cho khách vì đang là mùa cao điểm đi nghỉ tránh đông. Các công ty du lịch đã thu tiền trước của khách nên với tình hình biến động bất ngờ về điểm đến của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, họ phải tìm cách thay thế điểm đến cho khách hàng. Theo bà Phong Thu, lượng khách Nga bắt đầu tăng dần, hiện nay trung bình mỗi ngày có 3 - 4 chuyến charter (máy bay thuê chuyến) từ Nga đến Cam Ranh, mỗi máy bay chở 390 khách, trong khi đó trong chín tháng đầu năm trung bình chỉ có 1 - 1,5 chuyến charter/ngày. Theo một công ty du lịch khác chuyên kinh doanh khách Nga, giá tour bán cho khách Nga tại VN đang khá rẻ: giá một ngày nghỉ tại khu nghỉ mát ở Mũi Né có ăn ba buổi chỉ 40 USD. “Họ đang chấp nhận lỗ để giữ thị trường” - nguồn tin cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận