Nhiều du khách nước ngoài sử dụng dịch vụ OTA để đặt phòng trực tuyến ở các khách sạn tại Việt Nam. Trong ảnh: du khách tham gia tour lặn biển ở Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh: T.T.D. |
Loại hình kinh doanh đại lý du lịch trực tuyến (online travel agent, gọi tắt là OTA) đang là xu hướng kinh doanh chính của các khách sạn và đại lý du lịch do có nhiều lợi thế mà loại hình kinh doanh truyền thống không có được.
Có thể giao dịch bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh, giá thấp hơn mua trực tiếp, có thể hủy dịch vụ đến sát ngày đi mà không sợ bị thu phí, thanh toán bằng thẻ tín dụng, chuyển khoản, trả trực tiếp tại nơi nghỉ... loại hình kinh doanh này đã thu hút nhiều nhà đầu tư và du khách.
Chỉ giao dịch với máy tính
“Để chọn được chỗ nghỉ giá vừa phải, gần siêu thị để tiện mua đồ ăn về nấu cho cả người lớn và trẻ em, rồi lại gần trạm tàu điện ngầm ở trung tâm Tokyo Nhật Bản đúng thời gian mùa hoa anh đào nở không dễ tí nào” - chị Tú (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể lại.
Vì cả năm thành viên gia đình ở lại Tokyo hơn một tuần, chị quyết định chọn thuê một căn hộ nhỏ có hai phòng ngủ, bếp nấu ăn, máy giặt... với giá khoảng 42 USD/người/ngày trên website Booking.com.
Những nơi ở khác trong chuyến đi đến cố đô Kyoto rồi hồ Kawaguchi - gần chân núi Phú Sĩ, gia đình chị Tú cũng chọn cách đặt phòng trên các trang web cung cấp dịch vụ trực tuyến OTA.
“Từ khi thuê nhà đến khi trả nhà, tôi chẳng gặp chủ nhà dù cuối ngày vẫn có người đến dọn dẹp, lau nhà. Sau khi chọn xong căn hộ, tôi chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng. Họ cấp cho tôi một bản đồ hướng dẫn cách di chuyển bằng xe buýt hoặc tàu điện ngầm để đến căn hộ mình đã thuê, cấp cho mật mã để vào khu căn hộ, mật mã mở cửa phòng. Tất cả đều giao dịch qua email, máy tính...”.
Ngoài những thông tin cơ bản như thời gian nghỉ, loại phòng, giá tiền, các tiện ích gần đó (trạm xe buýt, tàu điện ngầm, nơi tham quan, nhà hàng...), các OTA đặt phòng giờ đã có đến vài chục ngôn ngữ để du khách thoải mái hơn khi giao tiếp trên máy tính hoặc điện thoại thông minh.
Các OTA này còn chấp nhận cho khách chọn hình thức thanh toán bằng thẻ, tại khách sạn và có thể hủy phòng mà không tính phí trước ngày dự định đến.
OTA cũng cung cấp các nhận xét về dịch vụ, cơ sở hạ tầng, chất lượng phòng... của du khách đã từng ở. Tư vấn cách di chuyển tốt nhất đến các địa danh nổi tiếng, các khảo sát về chất lượng dịch vụ điểm đến... nên rất thuận tiện cho du khách có thói quen đi du lịch hoặc công tác chỉ cần những nhu cầu nghỉ ngơi cơ bản.
Chiếm 40% doanh thu
Với lượng khách mua phòng lên đến vài trăm ngàn phòng/đêm trên toàn thế giới, các OTA đặt phòng như Booking.com, Agoda.com, Tripadvisor.com, expedia.com... đang thật sự là một “thế lực” và cũng là nguồn thu rất đáng kể với các khách sạn.
Tuy nhiên, loại hình này chỉ phù hợp với hình thức du lịch trong nước hoặc những du khách đã có kinh nghiệm đi du lịch ở nước ngoài, có vốn kiến thức ngoại ngữ nhất định chứ không thích hợp với kiểu du lịch thuần túy cung cấp đầy đủ dịch vụ, hướng dẫn viên như các công ty lữ hành đang cung cấp hiện nay.
Ông Tào Văn Nghệ, tổng giám đốc khách sạn Rex tại TP.HCM, cho biết có những thời điểm doanh thu bán phòng qua các OTA của khách sạn ông lên đến 30-40% ngay trong mùa cao điểm.
“Trung bình khoảng 35% doanh thu/tháng, nhưng có những thời điểm doanh thu chiếm đến 37-38% hoặc nhỉnh hơn. Cách kinh doanh này đang là một nguồn thu đáng kể của khách sạn Rex” - ông Nghệ nói.
Theo ông Nghệ, khách mua phòng phần lớn là khách lẻ nhưng cũng có những nhóm khách dưới 10 người dùng phương thức mua phòng trên các mạng này.
Ngoài những tiện lợi mang lại cho du khách, OTA với doanh số bán lớn, ổn định nên thường được các khách sạn, resort... chào bán phòng với mức giá ưu đãi nên du khách sẽ có được giá phòng rẻ nhất.
“Thậm chí phòng họ mua còn rẻ hơn cả những lúc chúng tôi đang bán khuyến mãi” - một tổng giám đốc khách sạn năm sao khác thừa nhận. Các OTA như Booking.com, Agoda.com, Tripadvisor.com... khi ký trực tiếp với các khách sạn đều yêu cầu dành một lượng phòng cố định hằng ngày chỉ để cho OTA bán.
Thậm chí, các OTA này còn bán lại phòng cho các công ty lữ hành trong trường hợp các công ty lữ hành này chưa có đối tác để mua phòng tại khu vực nào đó.
Theo các công ty lữ hành lớn, mỗi OTA đều “cát cứ” ở một khu vực nào đó như Booking.com nắm gần như toàn bộ thị trường châu Âu, Agoda.com là “trùm” ở châu Á...
Tại VN, Agoda.com đã có phiên bản tiếng Việt từ năm 2010 và đang hợp tác với hơn 2.000 khách sạn trong nước. Booking.com, Expedia.com cũng vào VN nhưng vẫn chủ yếu cung cấp dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đến VN (khách inbound).
OTA thuần Việt Đi sau xu hướng kinh doanh OTA, nhưng vài năm gần đây đã xuất hiện một số OTA cung cấp dịch vụ cho du khách người Việt như Chudu24.com, Ivivu.com, Vinabooking.vn, Mytour.vn và mới đây là Gotadi.com với lượng phòng liên kết lên đến 2.000-4.000 phòng khách sạn tại VN và vài chục ngàn phòng trên thế giới. Do xuất hiện sau và chịu cạnh tranh khá khốc liệt với các OTA quốc tế đã có phiên bản tiếng Việt, nên các OTA nội địa đang cố tìm những “ngách” riêng để tồn tại và phát triển. Chẳng hạn, Gotadi.com đang cung cấp loại hình dịch vụ mới như giá vé máy bay rẻ, hỗ trợ việc thiết kế các hành trình di chuyển bằng máy bay bên cạnh cung cấp phòng giá rẻ, tư vấn trực tiếp bằng điện thoại. Ivivu.com có thế mạnh về lượng phòng dưới ba sao ở VN. Mytour.vn chọn phân khúc khách sạn có mức giá dưới 500.000 đồng/đêm bên cạnh tư vấn qua điện thoại... Đại diện một OTA nội địa cho rằng các OTA quốc tế chưa khai thác mạnh thị trường khách sạn VN cũng như du khách Việt nên còn nhiều ngóc ngách cho họ, như phân khúc khách sạn mini, khách sạn 2-3 sao... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận