Một cây pơmu cổ thụ ở khu rừng kỳ bí - Ảnh: TRẦN MAI |
“Người dân bao đời sống nhờ rừng, nếu như tàn phá rừng thì nguồn sống lấy từ đâu. Phải mất hàng nghìn năm mới có được một cánh rừng. Phá đi thì bao giờ có lại rừng cho con cháu |
Ông B’ríu Liếc (bí thư Huyện ủy Tây Giang) |
Rừng pơmu ở xã A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam như một báu vật giữa đại ngàn.
Chinh phục rừng già
Từ trung tâm huyện Tây Giang, chiếc xe U oát đưa chúng tôi vượt gần 40km về hướng biên giới Lào. Vượt qua cung đường vòng quanh những quả đồi mà hai phía là bạt ngàn rừng nguyên sinh, anh lái xe tên Hương không giấu được tự hào về việc quê mình giữ được cả vùng núi rừng một màu xanh nguyên vẹn.
“Chỉ có hai bên đường phá đi chừng 100m rừng già để người dân trồng keo làm hành lang. Còn lại là rừng nguyên sinh hết” - anh Hương nói.
Khi còn đang say sưa chụp ảnh qua cửa kính, xe đã đến lối vào rừng pơmu. Dù đường quá xấu và khá xa nhưng hơn một giờ ngồi trên xe bỗng trở nên quá ngắn ngủi.
Dừng xe nghỉ lại bên đường, trước khi chiếc U oát “bơi” vào con đường nhầy nhụa mà chính quyền huyện Tây Giang mở ra để phát triển du lịch. Hai bên đường, chẳng ai thấy gì ngoài tiếng gió vi vu và các thân cây to lớn vươn mình đón ánh nắng chỉ có trên ngọn cây.
Chúng tôi tiếp tục hành trình mà anh Hương báo trước có thể sẽ phải đi bộ nếu đường sạt lở. Nâng cầu, chiếc U oát bắt đầu chui vào rừng.
Dù đã đi rất nhiều cánh rừng khắp Tổ quốc, nhưng Nguyễn Hiếu Cường - chàng thực tập sinh của Viện Sinh thái học miền Nam - cũng đã thốt lên “ôi đẹp quá mấy anh ơi” khi chiếc xe vượt qua hai khúc cua cùi chỏ, trước mặt là bốn thân pơmu to lớn lừng lững ngay bên đường.
“Chào các bạn đến với vương quốc của pơmu. Từ từ mà thưởng thức, quanh con đường này các loại cây như lim, quế rừng, cẩm... nhiều lắm. Nhưng vẫn ít hơn pơmu” - anh Hương giới thiệu.
Chiếc xe tiếp tục tiến sâu vào rừng, cái lạnh mỗi lúc một buốt dù ánh nắng ở ngay phía trên tầng lá. Những con suối nước trong veo chảy ngang đường đổ ào xuống sườn đồi phía dưới. Tiếng kêu lạ lẫm của chim rừng và muông thú chen nhau như một khúc nhạc hòa âm lôi cuốn.
Hôm nay đường đẹp, chúng tôi trở thành những vị khách may mắn khi không phải cuốc bộ như những đoàn du khách từng ghé thăm “báu vật” của đại ngàn.
Chiếc xe chậm rãi xuống một con dốc, chúng tôi đến ngôi làng du lịch ngay cạnh suối Zi Liêng, 10 ngôi nhà sàn vừa được chính quyền huyện Tây Giang hoàn thành để phục vụ du khách tham quan rừng.
Tập kết dụng cụ, anh Hương vội quay xe hướng ra khỏi rừng bởi sẽ bị kẹt lại nếu mưa đổ xuống bất ngờ. Từ đây, chàng kiểm lâm viên A Lăng Nhú và ông Hôi Mia, bí thư chi bộ thôn Ga Nil, sẽ là hướng dẫn viên đưa chúng tôi khám phá vương quốc pơmu.
Khu làng nhà sàn được làm ngay vùng lõi để làm nơi lưu trú cho du khách - Ảnh: TRẦN MAI |
Khám phá khu rừng bí ẩn
Sau khi nghỉ ngơi, cả nhóm trang bị dụng cụ đi rừng, xịt thuốc diệt côn trùng, bắt đầu theo chân ông Mia và anh Nhú tiến vào rừng. Vừa đi anh Nhú vừa giới thiệu pơmu ở đây đều được đánh số để bảo tồn. Hai người dẫn đường cũng nhắc đi nhắc lại một nguyên tắc bất di bất dịch là “không hút thuốc, không bật hộp quẹt và không mang bất kỳ thứ gì ra khỏi rừng”.
Đứng từ xa, cứ ngỡ như cây sẽ giăng kín lối đi nhưng không, rừng rất thoáng, những con đường nhỏ rẽ về nhiều hướng ngay dưới các cây cổ thụ.
Thật choáng ngợp khi nhìn thấy khu rừng mà người Cơ Tu xem là linh thiêng, kỳ bí này. Những thân pơmu to lớn, dài cả trăm mét bị sét đánh trúng nằm khắp nơi được giữ lại nguyên vẹn, mùi hương thơm của nhựa pơmu xộc vào mũi khi ai đó lấy dao gọt nhẹ lớp vỏ.
Anh Mia cho biết năm 2014 có một đoàn nghiên cứu khoa học vào khoan cây đo tuổi để hoàn thành hồ sơ bảo tồn quần thể pơmu này và đã xác định có cây già nhất tuổi đã hơn 1.000 năm, còn đa số tuổi 300-700 năm.
Những bước chân của chúng tôi trở nên nặng nề khi leo các con dốc dựng ngược, nhất là khi lớp mùn dày cả mét cứ nhún nhún như một tấm đệm khổng lồ ngay dưới chân. Việc di chuyển cũng hết sức cẩn thận, bởi nếu trúng phải lớp mùn rỗng là du khách sẽ “sập bẫy” của thiên nhiên.
Ở độ cao 1.350m, một cây pơmu to ngoài sức tưởng tượng. Sáu người tụm lại ôm vẫn không hết thân cây. Anh Nhú bảo đây là cây khủng long. Qua hàng trăm năm, phần rễ đồ sộ lộ ra, tạo thành hình thù trông như một chú khủng long đang chồm mình về phía trước.
Khám phá rừng pơmu có một “đặc sản” không thể thiếu là những loài bướm bay khắp rừng, mùi hương của nhựa pơmu đã thu hút chúng đến đây. Loài sinh vật nhỏ bé này vào mùa hè tung cánh bay tràn cả đỉnh Zi Liêng. Chỉ cần một động tác rung cây nhẹ là gần như khiến cả đàn bướm dáo dác bay về phía suối nhỏ giữa những quả đồi, nơi các cây tầng thấp đang mùa ra hoa.
Suối ở đây lúc nào cũng đầy nước và ổn định quanh năm bất kể mùa nắng hay mưa. Lớp mùn của rừng già và những tán pơmu to lớn đã góp phần điều hòa cho những dòng suối.
Dù rất mệt vì chưa quen việc leo núi cả ngày nhưng sức hút của rừng pơmu kỳ bí này khiến đôi chân du khách không thể dừng lại được.
Chinh phục độ cao 1.500m cái mệt được xua tan, khi “thành quả” của chúng tôi là một cây pơmu lớn, tán lá rộng đến cả mấy chục mét như một ông bố che chắn cho những cây pơmu nhỏ hơn quanh đó.
Đây là cây pơmu được đặt tên voi. Tên gọi ấy đúng cả về kích thước lẫn hình thù được tạo hóa ban cho. Du khách có thể thấy rõ hình một chú voi với vòi, ngà và chân.
Chiều đổ xuống, tiếng thiên nhiên rền vang báo hiệu một trận mưa rừng sắp đến. Anh Nhú dẫn mọi người băng qua một lối khác dọc bờ suối, nơi cũng có hàng trăm cây pơmu đứng đó tự bao giờ. Du khách như lạc đến cảnh thần tiên khi bước vào khu rừng pơmu nhỏ tuổi nhất quần thể này dù có tuổi đời hơn 100 năm. Khác hẳn với những quả đồi pơmu cạnh đó có nhiều tuổi khác nhau.
Ông Mia gọi là cánh rừng cổ tích mà chính ông mỗi lần vào cũng không muốn bước ra “Người Cơ Tu chúng tôi gọi pơmu là khu rừng kỳ bí, mà đã kỳ bí thì khó lý giải lắm. Ngay cả những già làng cũng không trả lời được vì sao ở đây chỉ có cây bằng tuổi” - ông Mia nói.
Trở về khu làng nhà sàn khi trời nhá nhem tối, tiếng những loài động vật sống về đêm bắt đầu âm vang. Chúng tôi lục ảnh lại xem mà cứ ngỡ như mình vừa trải qua một giấc mơ quá đẹp.
Quyết giữ rừng bằng mọi giá Huyện Tây Giang và Nam Giang trước kia cùng một huyện Hiên, nhưng sau khi tách ra, rừng pơmu ở Nam Giang bị tàn phá nghiêm trọng, mới đây nhất 66 cây pơmu trăm tuổi bị đốn hạ khiến cả nước phẫn nộ. Ông B’ríu Liếc, bí thư Huyện ủy Tây Giang, cũng tiếc nuối khi hay tin này. Với ông, giữ rừng là giữ lại vốn quý nhất của núi rừng để bà con có cuộc sống ấm no. Chính vì thế, các câu khẩu hiệu dọc các tuyến đường chỉ vỏn vẹn “Rừng còn Tây Giang phát triển, Rừng mất Tây Giang suy vong”. Cũng theo ông Liếc, cây còn sống hay cây đã chết, muốn sử dụng phải có đơn gửi kiểm lâm, chính quyền xã xác nhận rồi gửi lên huyện xem xét. Nếu thấy nhu cầu chính đáng sẽ cho khai thác với số lượng đủ dùng. Những người Cơ Tu sống ở đây bao đời cũng ý thức việc giữ rừng. Chỉ cần phát hiện ai vào rừng là lập tức báo chính quyền. Và trong thực tế khi làm con đường vào vương quốc pơmu, huyện đã chỉ đạo không đụng đến bất kỳ cây pơmu nào. “Tây Giang là huyện miền núi, muốn phát triển phải dựa vào núi rừng. Có thể bỏ bất kỳ thứ gì nhưng một tấc rừng cũng không được xâm phạm. Huyện chúng tôi vẫn còn nguyên những quần thể rừng đặc chủng như rừng hồi, lim, thông, pơmu..., đó là thế mạnh lớn để phát triển du lịch” - ông Liếc khẳng định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận