06/11/2016 08:49 GMT+7

Lần đầu cò ốc làm tổ ở Tràm Chim

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - “Gắn bó với vườn gần 30 năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy cò ốc làm tổ, đẻ trứng. Vậy là cò về định cư luôn ở đây rồi. Nông dân ở đây mừng như trúng mùa vậy”. 

Một quần thể cò ốc tại Tràm Chim - Ảnh V.T.
Một quần thể cò ốc tại Tràm Chim - Ảnh V.T.

Ông Nguyễn Văn Hùng (nguyên giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim) nói như reo.

Tôi vác balô về Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) tìm hiểu vì sao cò ốc làm tổ, đẻ trứng mà người ta vui như vậy. Mưa dầm suốt mấy ngày liền tưởng chừng thúi cả đất.

Tôi không thể vào rừng mà cò cũng không thèm bay ra đồng tìm thức ăn.

“Người xưa nói “đất lành chim đậu”. Tôi nghĩ rằng Vườn quốc gia Tràm Chim đã được bảo vệ tốt, tình trạng săn bắt chim, cò trái phép cũng giảm nhiều nên cò ốc mới yên tâm định cư ở đây

Ông Nguyễn Văn Hùng

Những hình ảnh cực hiếm

Sáng hôm nay bầu trời xám xịt nhưng chưa mưa. Tôi quyết định xuống xuồng bơi vào rừng tràm khu A2 để tìm cò ốc - loài chim thuộc diện nguy cấp có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Anh Dương Văn Nghĩa (nhân viên bảo vệ rừng) đưa tôi len lỏi giữa rừng tràm đang ngập trong nước lũ. Càng vào sâu bên trong, không gian tĩnh lặng đặc trưng của rừng càng rõ. Chỉ có tiếng chim kêu, tiếng mái chèo khua nước.

Thi thoảng lại thấy mấy con cò trắng, chim bói cá đang rình mồi đâu đó nghe tiếng động vụt bay đi. Anh Nghĩa làm việc ở khu rừng này đã 11 năm. Anh thuộc lòng từng chỗ sâu, chỗ cạn; từng chỗ ngủ các loài chim khác nhau.

Chừng nửa tiếng thì gặp một đài quan sát cao hơn ngọn cây tràm. Anh Nghĩa nói Vườn quốc gia Tràm Chim dựng đài này cho du khách leo lên ngắm cảnh. Đi thêm chừng vài trăm mét nữa sẽ tới khu vực cò ốc chọn làm tổ, định cư.

“Chim, cò làm tổ, đẻ trứng là chuyện bình thường. Vì sao cò ốc đẻ trứng thì mọi người quan tâm nhiều như vậy?” - tôi hỏi. Anh Nghĩa nói hồi trước giờ cò ốc đâu có làm tổ, đẻ trứng ở vườn này. Chúng về rồi lại đi. Lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy nó làm tổ. Chuyện này lạ mà!”.

Rừng tràm gần khu “nhà” của cò ốc rất dày không thể bơi xuồng vào được. Phía trên đầu, cò ốc lũ lượt bay đi, rồi những con khác ngậm nhánh cây bay về làm tổ. Có một điều rất lạ là dù đang có hàng ngàn con cò ốc nhưng không gian rất yên tĩnh.

Có vẻ như chúng rất lười kêu la như các loài chim khác. Vài con chĩa cặp mỏ thẳng lên trời rồi bung hết cỡ để... ngáp. Những con khác thoải mái rỉa lông, đan nhánh cây làm tổ hay nằm im ấp trứng. Mỗi tổ có một cặp vợ chồng cò. Chúng làm tổ rất gần nhau nhưng không thấy tranh giành địa bàn.

Đang mải mê ngắm vô số tổ cò trên ngọn cây tràm thì nghe tiếng anh Nghĩa: “Kìa, hai con cò ốc chuẩn bị giao phối kìa”. Nhìn theo tay anh chỉ, tôi thấy con trống đang đập cánh liên hồi, co chân phóng lên lưng con mái.

Từ lúc chân con trống chưa chạm lưng con mái thì cả hai đã làm động tác chạm mỏ với nhau khá mạnh. Chúng tôi ngồi dưới xuồng cách đó hơn 20m vẫn nghe rõ tiếng lạch cạch. Khi con mái nằm xuống tổ để bắt đầu giao phối thì chúng không quẹt mỏ nhau nữa mà chuyển sang... ngậm mỏ của nhau.

Ông Hùng nói tôi rất may mắn khi nhìn thấy và chụp được ảnh chúng giao phối. Ông từng đi săn ảnh sếu, giang sen, cò ốc... hơn chục năm nhưng chưa từng chụp được cảnh này. Anh Nghĩa nói hôm nay tôi “trúng số” vì anh tiếp xúc với cò ốc hơn chục năm nhưng chỉ bắt gặp cảnh đó vài ba lần.

Anh nói thêm: “Quá trình con trống ve vãn con mái và giao phối của cò ốc giống y chang nhau như lập trình vậy. Đầu tiên con mái đưa mỏ lên phía trên quẹt mỏ con trống. Khi giao phối thì chúng ngậm mỏ nhau. Bơi xuồng bên dưới mà nghe tiếng mỏ va chạm nhau liên tục là biết chắc là vợ chồng cò đang giao phối”.

Cuối buổi sáng, anh Trần Văn Quý (nhân viên phòng nghiên cứu khoa học) lội bì bõm từ trong rừng ra. Anh bảo đang đếm, định vị và ghi chép thông tin về tổ cò ốc.

“Tổ cò ốc to hơn, dày hơn tổ chim cồng cộc do dùng nhiều nhánh cây. Đứng bên dưới nhìn lên sẽ không thấy trứng hay cò con trong tổ. Nếu như con điên điển làm tổ ở nách cây thì cò ốc chọn cháng ba ở ngọn cây để làm tổ.

Nhờ vậy mà tổ cò ốc khá vững chãi, mặc dù cách thức làm tổ của chúng rất sơ sài, nếu không muốn nói là lười biếng” - anh Quý giải thích.

Một đôi cò ốc giao phối với nhau - Ảnh: V.T.
Một đôi cò ốc giao phối với nhau - Ảnh: V.T.

Bạn của nông dân

Chiều 3-11, Vườn quốc gia Tràm Chim họp dân xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông để tuyên truyền, vận động họ tham gia bảo vệ tài nguyên của vườn.

Chị Nguyễn Thị Nga (Trung tâm bảo tồn, phát triển sinh vật) thông tin hiện nay cò ốc về vườn với số lượng lớn, trên 10.000 con. Lần đầu tiên chúng làm tổ đẻ trứng, đếm sơ bộ cũng được vài ngàn tổ.

Nghe tới đây ông Nguyễn Văn Hiệp (ở ấp Cà Dăm) nói:

“Nghe tin cò ốc về đẻ trứng tui mừng lắm. Mấy năm trước cò đi mất, ốc bươu vàng hoành hành. Mỗi vụ tui phải tốn cả triệu đồng mua thuốc diệt ốc. Vụ rồi cò ăn ốc sạch bách, khỏi tốn tiền mua thuốc. Tui nghĩ bà con mình không nên săn bắt, không đuổi cò đi để nó diệt ốc bươu vàng giúp mình”.

Bên cạnh những tiếng đồng ý lao xao thì có một người càm ràm: “Cò ốc bự chảng, nó đi tới đâu đạp gãy lúa tới đó. Thấy là tui đuổi đi liền”. Một cuộc tranh luận nổ ra.

Anh Hiệp giải thích: “Cò lội ruộng bắt ốc nếu có đạp gãy lúa cũng không thiệt hại nhiều bằng để ốc cắn phá. Cây lúa bị gãy có thể phục hồi được, còn khi bị ốc ăn thì coi như mất trắng”.

Cuối cùng đa số ý kiến quyết định cho cò lội ruộng thoải mái để diệt ốc bươu vàng. Một nông dân hơn 50 tuổi trước khi ra về còn tuyên bố: “Tui mà thấy ai đi săn cò ốc thì tui báo kiểm lâm bắt liền”.

Chị Nga kể trước năm 2000 thi thoảng mới thấy một con cò ốc bay về. Thậm chí nhiều người nghĩ rằng cò ốc đã bị tuyệt chủng rồi. Số lượng cò ốc về vườn hằng năm còn ít hơn cả sếu đầu đỏ.

Trước tình trạng nguy cấp này, năm 2007 cò ốc được đưa vào Sách đỏ Việt Nam để bảo vệ nghiêm ngặt. Thường thì cò ốc về vườn từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau.

Lúc này rừng tràm và ruộng đồng bên ngoài ngập lũ, cò có nhiều thức ăn và cũng ít gặp nguy hiểm. Đến mùa khô chúng di cư đến nơi khác, có thể là ở Campuchia.

Năm nào cũng vậy, khi lũ về thì mọi người đều ngóng chờ cò ốc. Chị Nga hay mang cá vào rừng tràm thả bổ sung nguồn thức ăn cho chim cồng cộc, điên điển. Mỗi lần vào đây chị cố tìm cò ốc nhưng đều thất vọng.

Bỗng nhiên mùa lũ năm 2012 cò ốc dắt díu nhau bay về vườn rất nhiều. Chưa kịp mừng thì nông dân bên ngoài vườn tìm cách xua đuổi không cho cò lội ruộng tìm mồi. Tình trạng đặt bẫy săn bắt cò ốc cũng bùng phát.

Anh Trương Thanh Hải (Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Tràm Chim) kể cò ốc thường bay ra khỏi vườn 10-20km tìm thức ăn. Chúng đi theo đàn vài trăm hoặc vài ngàn con.

“Năm trước chúng tôi bắt quả tang một vụ đặt bẫy chụp bắt một lúc cả trăm con cò ốc. Người ta cột chân vài con cò ốc rồi giật giật cho nó bay lên (cò mồi). Đàn cò ốc đang bay đi tìm mồi nhìn thấy liền sà xuống và dính bẫy.

Khi chúng tôi đến thì cò đã bị trói chân, vắt chéo cánh như con gà luộc. May mà vẫn còn giải cứu kịp để thả chúng trở lại rừng. Nếu chậm một chút có thể 100 con cò ốc này sẽ trở thành mồi nhậu rồi. Nghe nói người ta bán được 100.000 đồng/con như vậy” - anh Hải kể.

Các cuộc tuyên truyền, vận động bảo vệ cò ốc và các loài chim hoang dã được Vườn quốc gia Tràm Chim tổ chức liên tục.

Dần dần người dân thay đổi suy nghĩ, không còn quy tội cho cò ốc là kẻ phá lúa nữa. Đa số người dân ở huyện Tam Nông mà tôi gặp đều nói cò ốc là bạn của nông dân. Họ không còn đuổi cò mà ngược lại còn rượt đánh những người đặt bẫy.

Cò thuộc họ hạc

Cò ốc thuộc họ hạc nên kích thước khá lớn, đôi chân màu đỏ rất dài. Sải cánh của cò ốc rộng gần 1,5m. Trọng lượng trung bình hơn 1kg/con. Cặp mỏ của chúng dài hơn một gang tay, rất cứng.

Ngay cả khi chúng ngậm mỏ lại vẫn còn một khe hở khá rộng. Nếu đặt con cò ốc đứng cạnh cò trắng thì chẳng khác gì người khổng lồ và chàng tí hon. Tổng thể cò ốc có màu trắng, từ nửa sau lưng đến đuôi là màu đen.

Có một chi tiết rất độc đáo là mặt trên đôi cánh có màu trắng, nhưng 2/3 mặt dưới là màu đen. Đuôi cũng có cấu trúc y như vậy. Khi chúng sải hết cánh để lượn trên bầu trời thì rất dễ phân biệt cò ốc với các loài chim khác bởi hai màu lông cánh đen - trắng đặc trưng và chiếc mỏ dài chỉa thẳng về phía trước như một chiếc tiêm kích.

Người ta gọi cò ốc là vì thức ăn chính của chúng là ốc. Nhìn thấy cặp mỏ có vẻ thô kệch nhưng chúng bắt ốc, khui nắp để lấy thịt ốc rất tài tình. Cò ốc không bao giờ tranh giành cá tôm với chim cồng cộc, điên điển nên chúng có thể sống chung với các loài này một cách hòa bình, tạo thành một quần thể chim hoang dã độc đáo. Dáng bay, cách đáp của cò ốc y hệt sếu đầu đỏ, rất đẹp.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp