Một góc khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Người Mạ, những cư dân địa phương gọi nơi đây là khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, thuộc địa phận xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Đảo xanh giữa hồ
Từ thị xã Gia Nghĩa tới khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng chỉ khoảng 50km, nhưng đoạn đường này là một thử thách thực sự với bất cứ người nào muốn chinh phục bởi những khúc cua tay áo, dốc nối dốc. Một bên là vực sâu, bên là đồi núi trùng điệp. Không khó để nhận ra trụ sở khu bảo tồn với tấm bảng giới thiệu nằm bên quốc lộ 28, đối diện trụ sở UBND xã Đắk Som.
Vừa thấy khách, anh Khương Thanh Long - phó giám đốc phụ trách khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng - hồ hởi tiếp đón và giới thiệu về cảnh quan. Theo anh Long, khu bảo tồn được thành lập từ năm 2003 nhưng bảy năm sau, khi các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai ngăn dòng, tích nước thì những đồi núi xung quanh xã Đắk Som mới trở thành những hòn đảo nổi giữa mênh mông biển nước. Khách du lịch cũng kéo nhau lên khám phá Tà Đùng từ ấy.
Dẫn chúng tôi men theo rẫy cà phê nở trắng muốt, tỏa hương thơm ngào ngạt, anh Long chỉ cho chúng tôi những địa điểm lý tưởng để ngắm cảnh và chụp hình. Đứng từ rẫy cà phê, phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh Tà Đùng lẫn trong sương mù, những hòn đảo xanh dễ liên tưởng đến nhiều hình thù độc đáo như hình con thuyền, con rồng, bản đồ...
“Tà Đùng theo tiếng của người đồng bào là cây mía lớn. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết tình yêu lãng mạn giữa nàng H’Bung xinh đẹp sống trên đỉnh Tà Đùng với chàng K’Jang khỏe mạnh ở dãy núi Nâm Nung” - anh Long kể.
Vừa bước xuống bến thuyền chuẩn bị du ngoạn trên lòng hồ, anh Nguyễn Viết Ngọc, cán bộ khu bảo tồn, cho biết Tà Đùng giống như một thung lũng lòng chảo với bốn phía là núi non. Thuyền chúng tôi lần lượt rẽ nước ngang qua những hòn đảo nằm soi bóng xuống mặt hồ trong xanh, tĩnh lặng. Trên thuyền có thể nhìn rõ những thảm thực vật mọc quanh đảo như rừng le, lồ ô, tre trúc, cây bụi và cả những tán điều do người dân trồng xen kẽ...
Chỉ tay về phía dãy núi mờ ảo trong sương, anh Ngọc cho biết: “Kia là đỉnh Tà Đùng với độ cao 1.982m, cũng là ngọn núi cao nhất tỉnh Đắk Nông”. Định vị bằng bản đồ, Tà Đùng nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng). Chính vì thế, nơi đây còn là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực nam Tây nguyên với Đông Nam bộ, có giá trị vô cùng quan trọng trong bảo tồn các loài gen đặc hữu và phòng hộ môi trường sinh thái.
Nàng tiên chưa thức giấc
Chúng tôi đi dọc những buôn làng của người Mạ nằm dưới chân núi Tà Đùng vẫn thấy những dấu tích của tục cà răng, căng tai. Tục này không chỉ có ý nghĩa làm đẹp cho cá nhân mà còn chứng tỏ lòng dũng cảm, sự trưởng thành của các thành viên trong cộng đồng. Nhờ đó, người con trai được lấy vợ, người con gái được lấy chồng.
Già K’Cà Ràng ở thôn 1, xã Đắk Som là người hiếm hoi ở cái tuổi 80 mà chúng tôi tình cờ gặp. Già K’Cà Ràng khoe: “Ngày xưa để có đôi tai đẹp như bây giờ, già phải xỏ bằng ngà voi đấy”. Anh Khương Thanh Long thừa nhận những mái nhà gỗ đặc trưng của người Mạ, người K’Ho, về những tập tục cà răng, căng tai đã mai một.
“Tôi chỉ mong trong tương lai những giá trị văn hóa truyền thống từ mái nhà đến văn hóa cồng chiêng của người đồng bào nơi đây sớm được khôi phục” - anh Long bày tỏ. Một thành viên trong đoàn chúng tôi là dân chuyên đi phượt cho rằng “với vịnh Hạ Long trên Tây nguyên” này, việc tổ chức một tour du lịch trải nghiệm thiên nhiên, khám phá những tập tục văn hóa độc đáo của người Mạ, người K’Ho sẽ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến khám phá.
Tuy nhiên, theo một cán bộ khu bảo tồn, dịch vụ du lịch tại khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng còn hết sức thiếu thốn. “Do thiếu chỗ ăn uống, nghỉ ngơi và dịch vụ tiện ích nên thỉnh thoảng mới có những nhóm phượt tới đây khám phá rồi dựng lều ngủ qua đêm” - vị này nói. Cũng theo vị này, vào năm 2014 UBND tỉnh Đắk Nông đã có định hướng quy hoạch Tà Đùng thành khu du lịch sinh thái - văn hóa nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia.
Một người dân sống ven hồ kể với chúng tôi ngày mới ra đời “vịnh Hạ Long trên Tây nguyên”, cứ cuối tuần du khách bốn phương lại kéo đến, thuê thuyền đi dạo hồ, mua cá của các nhà bè rồi lên đảo ăn uống đàn hát xôm tụ. “Hồi đó một tuần tôi chạy được mấy chuyến thuyền chở khách. Nhưng rồi khách ít dần, chắc tại ngắm cảnh hoài cũng chán” - một người dân kể.
Đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng có tổng diện tích 20.338,8ha với hơn 47 hòn đảo lớn nhỏ. Trên các đảo chủ yếu là rừng le, lồ ô và rừng hỗn giao tre nứa - gỗ. Tà Đùng có lớp thảm thực vật rừng rộng lớn, tỉ lệ che phủ tới 85% diện tích vùng lõi của khu bảo tồn, bao gồm rừng nguyên sinh (chiếm 48%), rừng thứ sinh các loại (36%). Theo kết quả điều tra của Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển - Viện Sinh học nhiệt đới năm 2011 và Trường đại học Lâm nghiệp Việt Nam năm 2012, tại khu bảo tồn có khoảng 1.406 loài thực vật và 574 loài động vật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận