23/10/2016 10:10 GMT+7

Khám phá “nóc nhà” Hạ Long

 ĐỨC HIẾU
ĐỨC HIẾU

TTO - Chuyến hành trình khám phá mang đến những cung bậc cảm xúc thăng hoa nhất tại Hạ Long có lẽ là trải nghiệm leo núi Bài Thơ - được xem là “nóc nhà” của Hạ Long.

Du khách nhìn VỊnh Hạ Long từ trên cao - Ảnh: Đ.H.
Du khách nhìn VỊnh Hạ Long từ trên cao - Ảnh: Đ.H.

Núi Bài Thơ nằm giữa TP Hạ Long mang một dáng vẻ vừa kỳ bí vừa thu hút du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Từ những góc độ khác nhau, núi lúc có dáng như hổ phục, lúc có dáng như sư tử vờn mồi, lúc có dáng như con rồng sắp cất cánh.

Từ đỉnh núi Bài Thơ cao 168m - một trong những ngọn núi cao nhất tại Hạ Long, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn bao quát hầu hết các trục đường chính của TP Hạ Long - thủ phủ tỉnh Quảng Ninh cũng như di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, một người bạn địa phương tên Quang chia sẻ: “Chưa leo núi Bài Thơ thì chưa thể gọi là đã đến Hạ Long.

Để cảm nhận trọn vẹn nhất vẻ đẹp vùng biển đông bắc Tổ quốc phải nhìn từ hai điểm, từ biển và từ núi Bài Thơ, các bạn sẽ có một góc nhìn thật đặc biệt và khác lạ”.

Chúng tôi đã quyết định thực hiện một chuyến khám phá núi Bài Thơ để cảm nhận được toàn cảnh vẻ đẹp của Hạ Long như lời Quang giới thiệu.

Đường lên núi Bài Thơ là một lối đi nhỏ len giữa những căn nhà của người dân tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long. Phải mất ít phút hỏi đường, nhóm chúng tôi mới có thể tìm được lối vào.

Dù đã được làm những bậc thềm đá bằng ximăng để thuận tiện đi lại, đường lên núi vẫn có một số đoạn dốc dựng đứng, lởm chởm đá nhọn, hoặc du khách phải chui qua những khóm trúc, bám vào thân cây leo lên phía trên.

Chuyến hành trình leo núi với nhiều người là một thử thách không hề đơn giản, nếu không nói là phải có sức khỏe rèn luyện tốt mới chinh phục được.

Trong một ngày nắng nóng và mang theo balô hành lý khá nặng, nhóm chúng tôi phải mất gần một giờ với ba chặng nghỉ chân mới đến được đỉnh núi.

Những chiếc áo loang lổ, ướt đẫm mồ hôi, đã có lúc những đôi chân mỏi chậm lại, tưởng như đã kết thúc chuyến hành trình.

Nhưng khi đỉnh núi đã gần lại, TP Hạ Long đã dần nhỏ đi dưới những bước chân, chúng tôi càng quyết tâm chinh phục ngọn núi này hơn. Và khi đỉnh núi hiện ra, những người bạn trẻ ôm nhau hò hét trong sung sướng.

“Thật tuyệt vời, chúng tôi đã chinh phục thành công” - La Quang Duy (du khách đến từ Hà Nội), thành viên trong nhóm, hét lên. Rồi làm động tác giơ tay chào, Duy trang nghiêm nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên cột phát sóng đặt tại đỉnh núi.

Từ đỉnh Bài Thơ, vịnh Hạ Long nằm gọn trong tầm mắt với hàng trăm ngọn núi đá vôi muôn hình muôn vẻ, dưới bàn tay sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa. Con đường dọc bờ biển như một dải lụa nhỏ ôm trọn TP với những cầu Bãi Cháy, bến Đoan, cột Đồng Hồ... thu nhỏ bên trong.

Ngoài vịnh, những con thuyền đánh cá len lỏi giữa những ngọn núi đá vôi hùng vĩ. Tất cả hiện lên như một bức tranh vẽ tuyệt đẹp của TP biển ven bờ di sản, khiến du khách ngẩn ngơ trước sự tráng lệ không tưởng.

TP Hạ Long nhìn từ đỉnh núi Bài Thơ - Ảnh: Đ.HIẾU
TP Hạ Long nhìn từ đỉnh núi Bài Thơ - Ảnh: Đ.HIẾU

Hôm đó chúng tôi còn gặp Justin và bạn gái, hai người mới từ Úc sang Việt Nam du lịch, vịnh Hạ Long là điểm đến thứ hai của Justin nhưng không phải đi tàu tham quan vịnh, mà núi Bài Thơ mới là điểm đến đầu tiên.

Và cũng như đoàn của Duy, Justin và bạn gái cho biết đã quyết định khám phá đỉnh núi này theo lời giới thiệu của những du khách nước ngoài trước đó. “I love Việt Nam” - Justin cười sảng khoái khi nói với chúng tôi ngay trên đỉnh “nóc nhà” Hạ Long.

Về tên gọi núi Bài Thơ

Theo lời anh Quang, núi Bài Thơ trước đây có tên là núi Rọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng Sơn. Tương truyền rằng ngày xưa, lính gác trên núi hễ có giặc giã đến thì đốt lửa báo về kinh thành. Từ đó xuất hiện tên núi Truyền Đăng.

Mùa xuân năm 1468, vua Lê Thánh Tông đưa quân đi tuần ở vùng biển đông bắc có dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng. Xúc động trước cảnh đẹp nơi đây, nhà thơ - nhà vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá.

Đến năm 1729, chúa An Đô Vương Trịnh Cương, một nhà thơ có tiếng thời Lê - Trịnh, đi tuần qua đây đọc bài thơ của vua Lê Thánh Tông, bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú, cũng được khắc ở vách đá nơi đây. Có lẽ vì thế nên núi có tên là núi Bài Thơ.

ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp