31/07/2016 10:27 GMT+7

Học tiếng Anh kiểu “hỏi gì cũng được”

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Sau một năm ra đời, đã có cả ngàn học sinh sinh viên tham gia nhóm “Ask Me Anything” (Hãy hỏi tôi bất cứ điều gì). Bởi qua đó các bạn trẻ học ngoại ngữ một cách hiệu quả và góp công lớn cho phát triển du lịch...

Các thành viên trong nhóm Ask Me Anything trò chuyện với du khách nước ngoài tại bờ hồ Hoàn Kiếm chiều 30-7 - Ảnh: NAM TRẦN
Các thành viên trong nhóm Ask Me Anything trò chuyện với du khách nước ngoài tại bờ hồ Hoàn Kiếm chiều 30-7 - Ảnh: NAM TRẦN

Ở Hà Nội có một “lớp” giao tiếp ngoại ngữ ngoài trời (outdoor) rất đặc biệt, trong đó “thầy” dạy ngoại ngữ còn vui vẻ tặng quà hoặc mời “trò” đi ăn uống như một cách để trả ơn. Kiểu học này vô cùng hiệu quả và được khen rất nhiều, từ “thầy” tới “trò”...

“Người thầy” ở đây là hàng triệu du khách nước ngoài đến thủ đô Hà Nội mỗi năm và “học trò” của họ là những bạn trẻ đầy năng động và yêu thích học ngoại ngữ của nhóm “Ask Me Anything” (Hãy hỏi tôi bất cứ điều gì), gọi tắt là AMA, được thành lập từ tháng 4-2015 và nay đã thu hút cả ngàn người tham gia.

AMA là nhóm các bạn trẻ thường tập hợp vào chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần ở tượng đài Lý Thái Tổ, đối diện hồ Hoàn Kiếm, mang đồng phục trắng in dòng chữ Ask Me Anything và một tấm bìa cactông trên đó viết tay bằng tiếng Anh: “Ask Me Anything (for) Free. Direction, Cuisine, Culture, History, Where to go, What to do. We can speak English, Dutch, French, Chinese”.

(Hãy hỏi tôi bất cứ thứ gì như đường đi, ẩm thực, văn hóa, lịch sử, đi đâu, làm gì hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi có thể nói tiếng Anh, Hà Lan, Pháp, và Trung Quốc).

Trong bối cảnh dư luận xã hội đang bàn luận nhiều về việc thiếu hiệu quả trong vấn đề dạy và học tiếng Anh ở nhà trường phổ thông, thì câu chuyện của AMA đem lại nhiều điều đáng để suy ngẫm.

Các thành viên trong nhóm thường tập hợp vào chiều hai ngày cuối tuần ở tượng đài Lý Thái Tổ, mặc đồng phục trắng in dòng chữ Ask Me Anything và một tấm bìa cactông nói rõ hỗ trợ du khách miễn phí - Ảnh: NAM TRẦN
Các thành viên trong nhóm thường tập hợp vào chiều hai ngày cuối tuần ở tượng đài Lý Thái Tổ, mặc đồng phục trắng in dòng chữ Ask Me Anything và một tấm bìa cactông nói rõ hỗ trợ du khách miễn phí - Ảnh: NAM TRẦN

 

Người chắp cánh cho AMA

Với mong muốn tìm hiểu thêm về AMA, chúng tôi tìm gặp sáng lập viên của nhóm là anh Trần Văn Tiến (30 tuổi), chủ quán cà phê The Note đối diện hồ Hoàn Kiếm.

Quán The Note của Tiến là địa chỉ của nhiều du khách, đặc biệt là Tây balô, vì được trang web du lịch nổi tiếng Trip Advisor xếp hạng số 1 về chất lượng dịch vụ ba năm liền.

Tiến cho biết vì làm việc ở ngay bờ hồ nên nhận thấy du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách không đi theo tour, có nhu cầu rất lớn muốn biết những địa điểm ăn uống, danh lam thắng cảnh cũng như những di tích lịch sử ở Hà Nội vì không có nhiều bảng thông tin hướng dẫn bằng nhiều thứ tiếng.

Phía ngược lại, nhiều bạn trẻ yêu thích học ngoại ngữ lại không có môi trường rèn luyện, và học không hiệu quả bởi chương trình khô cứng của nhà trường.

Thế là anh nảy ra ý tưởng thành lập một dự án kết nối hai bên với nhau.

Nguyên tắc của nhóm là không chủ động tìm đến du khách vì không muốn làm phiền đến không gian riêng tư của họ. Thay vào đó, nhóm chỉ đứng tập trung một chỗ để hỗ trợ những du khách nào có nhu cầu.

“Tôi đăng ý tưởng này lên Facebook kêu gọi mọi người tham gia. Lúc đầu chỉ khoảng 5-7 người hưởng ứng. Sau đó, dần dần phong trào này lan rộng, đến nay đã có hơn 1.000 đăng ký làm thành viên. Một số bạn trước khi đi du học nước ngoài cũng hào hứng tham gia” - Tiến khoe.

Tiến cho biết thành viên nhỏ nhất của nhóm mới 10 tuổi và rất thu hút du khách vì những cử chỉ, hướng dẫn đáng yêu của mình. Đó là cậu bé Nguyễn Quang Minh ở quận Thanh Xuân.

Chị Khánh Ly, mẹ của bé Minh, kể: “Lúc đưa cháu đến hồ Hoàn Kiếm chơi thì thấy một nhóm bạn trẻ đang hướng dẫn du khách nước ngoài. Minh hào hứng chạy đến xem và mong muốn tham gia. Tôi thấy đây là một hoạt động bổ ích. Sau một thời gian tham gia, Minh trở nên dạn dĩ và tự tin hơn khi giao tiếp với người nước ngoài”.

Dù bận rộn điều hành công việc kinh doanh nhưng Tiến vẫn quyết tâm duy trì dự án vì không muốn đánh mất một sân chơi bổ ích và thú vị cho việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ của nhiều bạn trẻ, điều mà Tiến từng mơ ước khi còn là học sinh THPT.

Tiến cho biết trước khi may mắn nhận học bổng sang Mỹ du học năm lớp 12, Tiến hầu như không có môi trường rèn luyện kỹ năng nghe nói tiếng Anh vì giáo viên trong trường chỉ chú trọng dạy ngữ pháp để giúp học sinh vượt qua các kỳ thi sát hạch.

“Thời điểm đó, có lần nhìn người nước ngoài nói chuyện với nhau, mình nghe hiểu hết nhưng lại ngại tham gia vì sợ phát âm sai, mọi người cười chê” - Tiến nhớ lại.

Tiến còn nhận xét thêm rằng: “Nhiều bạn đạt điểm cao tiếng Anh ở trường học chưa chắc có thể giao tiếp giỏi. Đó là một trong những điểm bất cập của hệ thống giáo dục trong nhà trường hiện nay”.


“Nhiều bạn đạt điểm cao tiếng Anh ở trường học chưa chắc có thể giao tiếp giỏi. Đó là một trong những điểm bất cập của hệ thống giáo dục trong nhà trường hiện nay
Trần Văn Tiến (sáng lập AMA)

Thay đổi nhờ AMA

Chiều 30-7, chúng tôi bắt gặp hai bạn nữ sinh viên đang tích cực hướng dẫn du khách nước ngoài tham quan phố cổ là bạn Trần Kim Oanh, sinh viên khoa tiếng Anh Trường ĐH Phương Đông và bạn Trần Lan Phương, sinh viên năm cuối khoa sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Oanh từng là thành viên đội tuyển tiếng Anh ở quê nhà Hà Nam, nhờ điểm thi cao chót vót trong các bài kiểm tra. Tuy nhiên, ngay cả hơn hai năm đầu theo học khoa tiếng Anh của Trường ĐH Phương Đông (Hà Nội), Oanh vẫn rất ngại giao tiếp với người nước ngoài vì thiếu tự tin.

“Khi vào ĐH, thấy nhiều bạn đồng trang lứa ở TP (Hà Nội) nói tiếng Anh giỏi quá nên mình cũng phải cố gắng quyết tâm đuổi theo họ bằng cách nghe tiếng Anh trên đài nước ngoài và xem phim nhưng cũng không hiệu quả cho lắm” - Oanh kể.

Sau khi đăng ký tham gia AMA, kết quả là sau một năm hoạt động, Oanh giờ đã trở thành một “tour guide” đầy tự tin, có thể hướng dẫn vanh vách cho du khách nước ngoài những di tích lịch sử, địa điểm ăn uống ở Hà Nội.

Oanh quả quyết AMA là môi trường khiến Oanh phải học hỏi không ngừng vì luôn phải đối diện với những câu hỏi vừa vui vừa hóc búa của du khách như “Hồ Hoàn Kiếm có bao nhiêu cá? Lịch sử hồ Hoàn Kiếm như thế nào? Lý Thái Tổ là ai?...”.

Những câu hỏi chưa trả lời được thì Oanh sẽ tra cứu thêm để trả lời đầy đủ hơn lần sau.

Oanh kể sau mỗi lần giúp đỡ du khách, nhiều người rất cảm kích bằng cách “tip” cho các thành viên trong nhóm, nhưng nhóm nhất quyết không nhận vì đã cam kết ngay từ đầu là hỗ trợ miễn phí. Tuy vậy, trước tình cảm của một số du khách, các bạn cũng vui vẻ nhận những món quà lưu niệm nhỏ từ họ như bút, viết, khăn choàng, tranh ảnh... hoặc nhận lời mời đi ăn.

Cô sinh viên năm cuối Trường ĐH Phương Đông chia sẻ câu chuyện đáng nhớ nhất của mình chính là tình bạn đẹp với một nữ du khách người Pháp.

Oanh kể lúc đầu cô chỉ định hướng dẫn nữ du khách Pháp khoảng vài phút về Hà Nội nhưng sau đó thấy bạn này ham tìm hiểu và yêu thích Hà Nội quá, Oanh dành cả ngày đưa bạn ấy vòng quanh, khám phá thủ đô. Sau này hai người trở nên thân thiết, Oanh dạy tiếng Việt cho bạn ấy và bạn ấy dạy lại tiếng Pháp cho Oanh.

Tương tự, bạn Trần Lan Phương khoe mình đã trở nên dạn dĩ, nói chuyện tiếng Anh lưu loát hơn sau hơn một năm tham gia AMA.

Phương cho biết tham gia nhóm giúp cô có cơ hội nói chuyện với các bạn cùng nhóm, học thêm nhiều ngoại ngữ khác cũng như giúp đỡ các thành viên mới hòa nhập và tự tin giao tiếp với người nước ngoài hơn.

“Cái được lớn nhất khi tham gia AMA là rèn luyện kỹ năng phản xạ và kiến thức xã hội. Thường thì cuộc trò chuyện với người nước ngoài chỉ 5-10 phút. Mạch câu chuyện rất quan trọng. Người nước ngoài thường muốn lắng nghe và hiểu rất sâu nên buộc tôi phải đọc thêm sách báo, tra cứu để trả lời sâu hơn. Sau thời gian nói chuyện thì sự tự tin, kỹ năng phản xạ của tôi tốt hơn nhiều” - Phương chia sẻ.

Và cô cũng cho biết nhờ tham gia AMA, công việc kiếm sống của cô là dạy tiếng Anh cho thiếu nhi cũng hiệu quả hơn hẳn.

Một nhóm sinh viên, học sinh Huế trò chuyện với du khách nước ngoài - Ảnh: AMA Huế
Một nhóm sinh viên, học sinh Huế trò chuyện với du khách nước ngoài - Ảnh: AMA Huế

 

AMA đến Huế

Sau khi thành công ở Hà Nội, AMA đã lan đến Huế và đã chính thức ra mắt tháng 3 năm nay.

Hiện nay “Ask Me Anything Hue” đã quy tụ được hơn 30 thành viên tham gia. Cứ sau 17g những ngày cuối tuần, nhóm bạn trẻ lại tập trung tại bến thuyền du lịch Tòa Khâm (49 Lê Lợi, TP Huế), sau đó chia ra thành từng nhóm nhỏ và đứng dọc tuyến đường đi bộ bên sông Hương. Mỗi nhóm như vậy sẽ có từ 7-8 bạn nói được các tiếng Anh, Pháp, Nhật... để có thể giao tiếp với nhiều lượt khách.

Trung bình mỗi buổi tối có từ 9-10 cuộc trò chuyện, mỗi cuộc trò chuyện thường kéo dài từ 20-40 phút tùy vào nội dung. Ngoài chỉ đường hay giải đáp những thắc mắc, nhiều vị khách vui vẻ còn kể cả về sở thích, văn hóa của đất nước họ cho các thành viên trong nhóm nghe, cuộc nói chuyện cũng từ đó mà rôm rả hơn.

Bạn Phạm Văn Quý - sinh viên Trường ĐH Y dược - ĐH Huế, trưởng nhóm Ask Me Anything Hue - cho biết việc học ngoại ngữ bằng cách bắt chuyện với người nước ngoài đã xuất hiện ở Huế từ khá lâu.

Nhưng thông thường các bạn sinh viên thường đi “săn Tây” - tức là tự tìm đến những người nước ngoài để bắt chuyện, kể cả khi họ không có nhu cầu, rất thiếu lịch sự. Vì vậy nhóm đã đặt các bảng trắng, trên đó có dòng chữ ghi “Ask me anything Hue - Hãy hỏi tôi bất cứ điều gì về Huế” để ai có nhu cầu sẽ đến trò chuyện.

“Ngoài ra thì hầu như học sinh, sinh viên ở Việt Nam có rất ít điều kiện để thực hành, luyện tập tiếng Anh nói chung và các ngôn ngữ khác nói riêng với người bản xứ. Nhiều du khách tỏ ra rất vui vẻ sửa lỗi sai trong phát âm cho chúng mình nữa” - Quý nói.

NHẬT LINH

Cô Thea Louise Mink Hansen (Đan Mạch):

Tôi đã đi du lịch ở Hà Nội vài ngày và cũng rất muốn tìm hiểu TP này nhưng không biết hỏi ai.

Tôi ra bờ hồ Hoàn Kiếm và được biết nhóm bạn trẻ này đang hướng dẫn du khách nên cảm thấy vui. Họ chỉ cho tôi những địa điểm du lịch ở Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, cuộc sống của người dân và sinh viên như thế nào. Những bạn trẻ này giỏi tiếng Anh và rất thân thiện. Họ sẵn lòng giúp đỡ những người khác.

Qua nhiều ngày du lịch ở Việt Nam, tôi nhận thấy sẵn lòng giúp đỡ người khác chính là tính cách đặc trưng của người Việt.

Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những bạn trẻ có hoạt động tình nguyện cung cấp thông tin và hướng dẫn du khách như thế. Ở các quốc gia châu Âu, họ có những quầy cung cấp thông tin du lịch miễn phí nhưng không có sự trao đổi trực tiếp như vậy.

Hai vợ chồng du khách người Anh - ông David Renouf và bà Janet Renouf:

Chúng tôi mới đến du lịch Việt Nam ngày hôm nay và chọn Hà Nội là điểm du lịch đầu tiên.

Nhóm bạn trẻ này mới hướng dẫn đường đi và giới thiệu cho chúng tôi về tượng đài Lý Thái Tổ.

Chúng tôi đã đi du lịch nhiều nước nhưng chưa bao giờ thấy có nhóm nào hướng dẫn miễn phí và nhiệt tình như thế, khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng. Ở một số nước cũng có người hướng dẫn cho chúng tôi nhưng họ lại đòi phí. Tôi nghĩ đất nước các bạn nên tự hào về những người trẻ này.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp