04/07/2015 16:40 GMT+7

Hawaii ký sự: ​Trên đảo núi lửa Big Islands

THỦY TRẦN
THỦY TRẦN

TTO - Một người bạn của tôi nói Big Islands quá rộng lớn và buồn tẻ, nhưng sau hành trình chúng tôi đều chắc chắn với nhau rằng đây mới là nơi khác biệt và đáng để khám phá nhất ở Hawaii.

Con đường xuyên qua sa mạc nham thạch tiến về phía biển - Ảnh: Thủy Trần

Với nhiều người, Big Islands mới chính là Hawaii thực thụ, nơi vẫn còn giữ được những dấu ấn nguyên sơ của người bản xứ, chưa bị xâm lấn bởi những tòa nhà chọc trời, kẹt xe và ô nhiễm.

Có quá nhiều thứ để có thể khám phá ở đây như chèo thuyền dọc theo bờ biển Kona, lặn biển và bơi lội cùng cá đuối, cưỡi ngựa ở trang trại Waimea, hay dạo bước trên bãi biển cát đen hoặc cát xanh thần thánh.

Và một trong những khám phá đặc biệt nhất, ấn tượng nhất, thú vị nhất là tự mình chạy xe trên con đường trải dài băng qua công viên núi lửa đang hoạt động, chứng kiến tận mắt quá trình hình thành - hủy diệt và hình thành của nơi này rồi cuối cùng bị cuốn theo dòng mắc ma trôi thẳng ra biển.

Một trải nghiệm không thể nào quên.

Big Islands được gọi là đảo Hawaii lớn, là một đảo núi lửa nằm về phía cực đông và cực nam trong chuỗi quần đảo Hawaii (bang Hawaii, Mỹ) rộng trên 10.000km2, lớn hơn tất cả các hòn đảo khác của Hawaii cộng lại.

Đảo lớn gây ấn tượng với không gian và khoảng cách, có cảnh quan đa dạng hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới với sa mạc nham thạch, trang trại, đồng cỏ, rừng núi, bãi biển ấm áp, cao nguyên mát mẻ, núi lửa đang nhả khói, dung nham chảy trôi, những đỉnh núi cao ngất trời và những vực sâu không đáy, dấu vết của người Polynesia từng ở nơi này từ ngàn năm trước.

Sa mạc nham thạch bên bờ Thái Bình Dương - Ảnh: Thủy Trần
Nơi gặp gỡ của mắc ma và biển - Ảnh: Thủy Trần
Một tác phẩm của tạo hóa trên vành đai mắc ma bên bờ biển - Ảnh: Thủy Trần

 

Công viên núi lửa quốc gia

Công viên núi lửa quốc gia Hawaii nằm cách Hilo chừng 45 phút chạy xe và cách Kona hơn ba giờ.

Chúng tôi xuất phát từ phía Kona nên khi đến được trung tâm Kilauea thì đã quá trưa. Trời mưa nhỏ, mây đen ầng ậc như muốn kéo sụp cả bầu trời. Sau khi đóng lệ phí tham quan, chúng tôi được phát một bản đồ để tự di chuyển trong khu vực công viên rộng lớn.

Việc xem xét bản đồ rất quan trọng bởi bạn đang có mặt tại nơi có ngọn núi lửa hoạt động mạnh mẽ nhất trên thế giới, do đó cần phải chắc chắn rằng bạn sẽ ở xa một cách an toàn dòng nham thạch vẫn đang phun trào trong công viên.

Công viên có tới hơn 240 đường mòn đi vòng quanh các miệng núi lửa, vùng sa mạc nóng bỏng, rừng nhiệt đới, một ống dung nham kỳ diệu và hai ngọn núi lửa đang hoạt động. Maunaloa - phun trào lần cuối cùng vào năm 1984 và Kilauea - đang hoạt động trở lại từ ngày 3-1-1983.

Với sự đa dạng tự nhiên phi thường của mình, công viên núi lửa Hawaii đã được công nhận là di sản thế giới vào năm 1987.

Công viên núi lửa rộng lớn và gây ấn tượng choáng ngợp với nhiều du khách - Ảnh: Thủy Trần
Miệng núi lửa vẫn đang tỏa khói trong một ngày mưa xầm xì - Ảnh: Thủy Trần

Mỗi ngày núi lửa Kilauea phun trào từ 250.000 - 650.000m3 nham thạch, đủ để trải kín 32km đường hai làn. Tính đến nay hàng trăm ngàn hecta đất mới đã được sinh ra trên đảo Hawaii lớn.

Đợt phun trào này có thể kéo dài hàng trăm năm nữa, cũng có thể kết thúc ngay vào ngày mai, điều này phụ thuộc vào nữ thần núi lửa Pele theo quan niệm của người bản xứ về vùng đất linh thiêng này.

Cơ hội để tận mắt chứng kiến dòng nham thạch phun trào đỏ rực đổ xuống biển thật tuyệt diệu nhưng cơ hội đó không dành cho những người cưỡi ôtô xem mắc ma.

Cracter Rim Drive dài khoảng 17km là đường lớn trong công viên núi lửa, đưa du khách đi qua các điểm tham quan chính trong công viên như Bảo tàng Jaggar, điểm quan sát núi lửa Kilauea, miệng núi lửa Halemaumau, những lối mòn dung nham và ống dung nham Thurston Lava Tube.

Con đường xuyên qua sa mạc nham thạch - Ảnh: Thủy Trần
Sự sống rồi sẽ hồi sinh mãnh liệt ở nơi núi lửa từng hoạt động - Ảnh: Thủy Trần

Chúng tôi dừng xe trên đường khi bất kể trời mưa, xung quanh khoảng rừng thấp và khô cằn có vô số các điểm đang tỏa khói. Một số điểm nằm sát lề đường được bao lại bằng hàng rào sắt, hơi nóng tỏa ra từ dưới miệng hố ấm áp, thậm chí nóng rực khi lại gần.

Một cảnh tượng thật sự kích thích những tâm hồn mạo hiểm.

Bảo tàng Jaggar với rất nhiều thông tin và video lý thú, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh và sơ bộ về quá trình lịch sử hoạt động và tác động của núi lửa tới cảnh quan trong vùng.

Máy móc đo đạc chấn động và cường độ hoạt động của núi lửa chính xác tới từng giây được cập nhật liên tục, khiến nhiều người chỉ nhìn xem thôi cũng tự nhiên bị căng thẳng và hồi hộp.

Ngay bên ngoài bảo tàng, một miệng núi lửa khổng lồ, đáy vực đang nhả khói. Nơi đây thậm chí vào buổi tối người ta còn có thể quan sát rất rõ sự phun trào đỏ rực và nóng rẫy của nham thạch.

Và hẳn khi bước chân trong lòng Thurston Lava Tube, bạn sẽ tự vấn mình rằng khi dòng nham thạch nóng bỏng chảy ngầm xuyên qua lòng núi 500 năm trước đây, bằng cách nào đã tạo thành một cái ống hang độc đáo nằm giữa một khu rừng nhiệt đới xanh mát thay vì cuốn phăng mọi thứ trên đường đi?

Du khách tò mò đến gần một miệng ống đang bốc khói nghi ngút do sự hoạt động của núi lửa ở sâu bên dưới, trong lòng đất - Ảnh: Thủy Trần
Trong lòng ống nham thạch - Ảnh: Thủy Trần
Du khách chăm chú xem những bức ảnh tuyệt đẹp về quá trình hoạt động của núi lửa đã được các nhiếp ảnh gia dày công ghi lại - Ảnh: Thủy Trần 

Cuốn theo dòng mắc ma

Chúng tôi tiếp tục hành trình trên cung đường nham thạch. Con đường chạy giữa những khối đá mắc ma khổng lồ với vẻ đẹp mà ở đó chúng tôi cảm nhận được sự hủy diệt.

Có rất nhiều các lối đi, hướng đi dành cho dân trekker với các biển báo, cảnh báo về khu vực hạn chế. Sức mạnh vĩ đại của thiên nhiên, nằm ngoài sự tưởng tượng và ngoài sự hiểu biết, hôm nay đang hiện ra dưới mắt chúng tôi mồn một với cảm xúc choáng ngợp khó lòng mô tả.

Dòng nham thạch hàng trăm năm tuổi nào đã trào ra từ trong lòng đất, vượt qua miệng núi lửa, cuốn phăng mọi thứ trên đường đi và nhao ra biển?

Một dòng nham thạch khổng lồ, dữ dội hay vô vàn dòng nham thạch như thế từng chảy qua vùng đất này, để rồi điểm cuối của con đường là hòa vào dòng nước biển xanh ngắt của Thái Bình Dương? 

Cận cảnh một hình ảnh kỳ dị của nham thạch - Ảnh: Thủy Trần
Hình chụp lại một tấm ảnh ghi khoảnh khắc kỳ diệu khi mắc ma trào ra biển Thái Bình Dương - Ảnh: Thủy Trần chụp lại
Những tấm ảnh tuyệt đẹp về núi lửa ở Big Islands khi mắc ma phun trào - Ảnh: Thủy Trần chụp lại

Đứng lặng người trên tấm thảm đá mắc ma khổng lồ, đen tuyền, lấp lánh ánh mặt trời, bên bờ biển xanh biếc đến tận cùng, tôi biết mình đã có một trải nghiệm chỉ có thể tìm thấy ở Hawaii.

>> Kỳ cuối: Kuaai - bay trên những tầng mây

THỦY TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp