Chiếc cổng chính của đền đã ngả màu thời gian - Ảnh: Hải Dương |
Trên hành trình hơn 100km ngồi xe máy, ôtô từ Hà Nội, cảm giác mệt mỏi bắt đầu xuất hiện nên tìm một điểm dừng chân nghỉ ngơi, dạo bộ là điều bất cứ du khách nào cũng muốn. Đền Đuổm lại có một vị trí vô cùng thuận lợi khi nằm sát quốc lộ 3 mà các tour đi Ba Bể, Bản Giốc… đều phải qua.
Nhưng không chỉ vì những lý do hiển nhiên ấy để du khách dừng chân. Bởi nếu ai lỡ bỏ qua khu đền này sẽ cảm thấy hối tiếc khi xem lại những bức ảnh và ý nghĩa của một nhân vật lịch sử.
1. Ở Việt Nam chỉ một số nhân vật lịch sử vĩ đại mới được nhân dân phong thánh. Trong số đó có một người anh hùng thời Lý tên Dương Tự Minh (tức Cao Sơn Quý Minh). Ông đã được nhân dân xưng tụng là Đức thánh Đuổm.
Nhân vật lịch sử này cũng là một người hiếm hoi thuộc các dân tộc thiểu số (Tày) được phong thánh.
Trong các tài liệu lịch sử cùng những câu truyện truyền miệng hay thần phả của vùng đất Phú Lương, Thái Nguyên có nhiều huyền tích về Đức thánh Đuổm. Nhưng tựu trung lại trong 30 năm cai quản phủ Phú Lương xưa, Cao Sơn Quý Minh đã đưa vùng đất này trở nên trù phú, bình yên.
Ông cũng là người có công lớn trong cuộc chiến chống quân Tống bảo vệ, giữ yên bờ cõi phía Bắc của nước Đại Việt.
Ngày nay có nhiều đền thờ Cao Sơn Quý Minh ở vùng Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang..., nhưng Đền Đuổm vẫn giữ vị trí độc tôn với phong cảnh đẹp cùng nghi thức trang nghiêm nhất.
Gác chuông - Ảnh: Hải Dương |
Thủy Đình cổ kính - Ảnh: Hải Dương |
Để tham quan và bái lễ các điểm chính, du khách phải leo những bậc gạch - Ảnh: Hải Dương |
2. Toàn bộ đền Đuổm với nhiều công trình kiến trúc cổ tựa lưng vào núi Đuổm, nơi có phong cảnh hùng vĩ. Ngay khi dừng xe, nhìn sang bên phải đường sẽ bắt gặp khu Thủy Đình cổ kính giữa khung cảnh bình yên của xóm làng.
Mới sáng sớm, sương núi còn chưa tan hết nhưng đã thấy nhiều ôtô và các tốp xe máy của du khách, phượt thủ dừng chân bên Thủy Đình.
Cách Thủy Đình không xa, cổng chính của đền với ba ô rêu phong ngả màu thời gian chờ đón du khách.
Nếu tính từ cổng chính lên tới đỉnh núi, đền Đuổm có bốn công trình kiến trúc đặc sắc là gác Chuông, đền Trung, đền Thượng và đền Chúa Mẫu Thượng Ngàn. Trong đó đền Trung - nơi thờ tự Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh - luôn được các du khách tham quan, bái lễ.
Bước chân qua cổng đền mọi âm thanh bên ngoài dường như tan biến. Mọi người lặng lẽ, thong thả dạo bộ bái lễ rồi thăm ngắm cảnh quan. Không gian bây giờ dường như chỉ còn dành cho sự trang nghiêm, lòng ngưỡng vọng.
Đền Trung - nơi thờ Đức thánh Đuổm - Ảnh: Hải Dương |
Đền Thượng được xây bằng đá sát vách núi - Ảnh: Hải Dương |
Đền Mẫu Thượng Ngàn nằm trên đỉnh núi Đuổm, nơi có phong cảnh hùng vĩ - Ảnh: Hải Dương |
3. Theo đoàn người lặng lẽ, chúng tôi bước chậm rãi lên từng bậc gạch đã ngả màu năm tháng. Càng lên cao, vẻ thâm u của vùng núi rừng càng hiện hữu. Bao quanh đền Thượng, rồi đền Chúa Mẫu Thượng Ngàn là những hàng cây cổ thụ cùng các khối đá khổng lồ.
Có những loại cây mọc ra từ đá, ôm ấp lấy đá mà vẫn xanh tươi lạ kỳ. Ở quanh khu đền Chúa Mẫu Thượng Ngàn, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những khối đá lớn đứng chơi vơi như tách rời khỏi mỏm núi. Thế nhưng nó vẫn kiên cường ở đó ngàn đời nay như con người và cuộc đời Đức thánh Đuổm.
Đứng trên đỉnh mỏm núi Đuổm sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh một vùng quê thanh bình xứ chè Thái Nguyên. Du khách chỉ mất khoảng một giờ để leo và bái lễ hết các khu vực tại đền Đuổm. Đó là quãng thời gian rất hợp lý để mọi người thư giãn rồi lại tiếp tục lên xe.
Dù ngắn ngủi nhưng ai từng ghé thăm đền sẽ còn vang vọng câu chuyện về người anh hùng dân tộc Tày thời Lý trong suốt hành trình của mình.
Đường lên đền Mẫu Thượng Ngàn - Ảnh: Hải Dương |
Có những loài cây mọc ra và bám vào tảng đá vẫn sống xanh tươi - Ảnh: Hải Dương |
Tuy là một nhân vật lịch sử có thật thời Lý với những chiến công hiển hách, nhưng không có tài liệu nào ghi năm sinh - mất của Đức thánh Đuổm. Chỉ biết ông sống vào khoảng cuối thế kỷ 11 - nửa đầu thế kỷ 12. Lễ hội đền Đuổm được người dân tổ chức từ ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng giêng hằng năm. Nếu lên đúng dịp lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến nhiều nét văn hóa, phong tục, trang phục độc đáo của người Tày. Đặc biệt trong mâm lễ vật dâng lên Thánh Đuổm có các món bánh như bánh dày, bánh khảo, bánh mật, bánh bỏng được xem như đặc sản của người Tày ở Thái Nguyên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận