Di tích đình Đồng Lạc vừa được gắn biển đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch - Ảnh: KHANH VŨ |
Kể từ 4-1, ngôi đình Đồng Lạc - một không gian lắng dịu nằm giữa khu phố cổ ồn ào - trở thành nơi tổ chức trưng bày, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những sản phẩm thủ công cao cấp của nghệ nhân đến từ các làng nghề truyền thống của Việt Nam như sơn mài, lãnh Mỹ A, giấy dó, đồ thêu tay…
Cũng từ nay, đình Đồng Lạc trở thành một địa điểm hội tụ, giao lưu văn hóa của những người yêu di sản, nghệ thuật.
Đại diện của BTC Không gian văn hóa Hanoia cho biết các chương trình, sự kiện văn hóa diễn ra tại đây định kỳ hằng tháng với các hoạt động gồm: tọa đàm về văn hóa và phong cách sống, giao lưu và trò chuyện nghệ thuật, trưng bày và triển lãm nghệ thuật.
Không gian của Ngôi nhà di sản – 38 Hàng Đào - Ảnh: KHANH VŨ |
Riêng những chương trình của quý 1-2017 diễn ra tại đình mang đậm không khí tết truyền thống, tất cả đều mở cửa đón khách tham dự miễn phí.
Cụ thể ngày 13-1, họa sĩ, nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Mạnh Đức trò chuyện về nhu cầu giao hòa, gắn kết giữa thế giới hữu hình và thế giới tâm linh của người Việt qua chủ đề “Bàn thờ ngày tết và những bài khấn gia tiên”.
Ngày 9-2, PGS.TS Bùi Quang Thắng (chuyên gia nghiên cứu và phục dựng các lễ hội dân gian) sẽ trò chuyện về cách chơi hội ngày xuân, đi những lễ hội cầu danh, cầu lộc, cầu tài, cầu tình… trong cuộc sống hiện đại thế nào cho đúng và ý nghĩa.
Ngày 9-3, chủ đề "Sơn mài Việt từ truyền thống đến hiện đại" diễn ra với sự chủ trì của họa sĩ Bùi Hữu Hừng và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt.
Trong năm 2007, chuỗi chương trình Không gian văn hóa Hanoia dự kiến diễn ra định kỳ vào chiều thứ sáu của tuần thứ hai trong mỗi tháng tại Ngôi nhà di sản số 38 Hàng Đào.
Bên trong Ngôi nhà di sản 38 Hàng Đào - Ảnh: KHANH VŨ |
Đình Đồng Lạc vốn là nơi thờ vọng thần Cao Sơn, Linh Lang, Bạch Mã. Đình từng là nơi bán các sản phẩm yếm lụa từ thời Lê - thế kỷ thứ 17. Trải qua nhiều biến động, ngôi đình bị tàn phá nặng nề. Từ năm 1941, đình được xây dựng lại với quy mô hai tầng, dùng để bán hàng, nhà ở, thành cửa hàng cách hóa. Năm 2000, thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp) chọn ngôi đình này để trùng tu, bảo tồn. Dấu vết còn lại của đình là hai đầu dư mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và tấm bia đá dựng năm Tự Đức - Bính Thìn (1856). Năm 2004, đình Đồng Lạc được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di sản cấp quốc gia, nơi giới thiệu kỹ thuật xây dựng truyền thống, kết hợp kỹ thuật tôn tạo hiện đại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận