Cảnh sắc núi rừng dưới chân Dốc Trắng - Ảnh: Băng Giang |
Đây là một điểm dừng chân tự phát bên đường gần Dốc Trắng (Dốc Trắng là tên gọi của đoạn đèo này vì sau khi mở đường giữa hai vách đá vôi trắng toát, một loạt đất đá vôi tiếp tục sạt xuống trắng xóa cả một vách núi, đi từ xa đã thấy, kể cả trong ngày sương mù bao phủ Thung Khe).
1. Trong nhiều hành trình ngược xuôi quốc lộ 6, tôi luôn có cảm giác trông đợi đến được chợ đèo trên Dốc Trắng, nhất là khi trời tối, nhất là khi mùa đông.
Được ngồi quây quần bên bếp củi, nhâm nhi cốc nước ngô nóng bỏng, ăn vài cái ngô luộc hay ngô nướng cho ấm bụng, nhẩn nha vài miếng cơm lam chấm muối vừng, chuyện đông chuyện tây với mấy mệ, mấy chị người Mường, thấy thật thư giãn và ấm áp cả cõi lòng.
Lại an tâm vững tay lái trên đường đèo trong lộ trình kế tiếp.
Buổi ban đầu, chợ đèo Thung Khe chỉ có vài chiếc lán xơ xác, bán ngô luộc là chủ yếu. Sau này khách du lịch đi ngang dừng chân ngắm cảnh, thưởng thức chút quà quê dân dã đông dần lên, bà con thấy có thể làm kinh tế nên sản vật cũng vì thế mà trở nên phong phú.
Phần lớn người bán hàng ở chợ đèo là bà con ở bản Tằm xã Phú Cường huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Họ bẻ ngô mới, bán sống cho khách mua làm quà, bán rau rừng, măng rừng, bán ngô luộc, ngô nướng, cơm lam cho khách ăn tại chỗ, bán phong lan rừng, thỉnh thoảng có chút thịt tươi, có ốc đá bắt về từ trên núi...
Bất kể thứ gì bà con có thể kiếm được từ nhà, từ rừng đều được “dọn hàng”, khách dừng chân thấy lạ, thấy hấp dẫn thì mua làm quà, đôi khi đơn giản chỉ là mua ủng hộ cho bà con.
Du khách nước ngoài thích thú khám phá “chợ đèo” - Ảnh: Đức Hùng |
Một cô gái Mường với lán hàng - điểm dừng chân cho du khách trên đèo Thung Khe - Ảnh: Đức Hùng |
2. Mùa đông, khi những con gió lạnh buốt ào xuống từ trên núi, đám sương mù Thung Khe trở thành cơn ác mộng cho nhiều tài xế thì điểm dừng chân chợ đèo sẽ trở nên đông khách. Lúc này sẽ có thêm nhiều món ăn nướng được chuẩn bị để đãi khách như trứng nướng, thịt nướng, mía nướng.
Tạt xe vào lề đường, hít hà hơi ấm của bếp củi, mùi khói củi xộc lên cay mũi, cay cả mắt. Hỏi đồ ăn không cần kiểm tra giá hay mặc cả, bà con không nói thách và cũng không bán đắt bao giờ.
Thường khách sẽ tự lấy ngô trong nồi ra, ăn hết bao nhiêu đến lúc trả tiền tự báo lại với người bán. Tự chọn cho mình một bắp đều tăm tắp, nóng hổi, mềm non hay rắn già là do ý thích mỗi người.
Ăn ngô trên chợ đèo có cái hay là rất vui miệng, có khi ở nhà chẳng bao giờ ăn tới cái bắp thứ hai, ấy nhưng mà ở đây, loáng cái đã thấy mình lột vỏ tới cái thứ ba, thứ bốn.
Vì là ngô nếp, lại mới bẻ nên rất ngọt, thơm ngon, lại vui câu chuyện với bạn đồng hành và mấy chị, mấy cô bán hàng hiền lành, chân chất. Thỉnh thoảng họ lại trao đổi với nhau bằng hệ ngôn ngữ riêng của mình, tiếng nói líu lo ríu rít như chim.
Tôi tò mò lắng nghe cuộc trao đổi rồi hỏi, các chị có nói xấu gì em không đấy? Hay lại đang nói xấu gì khách thế? Một cô cười tủm tỉm trả lời "Ồ, không phải như thế đâu", trong khi tay vẫn thoăn thoắt xếp ngô lên rổ. Nhìn ánh mắt và nụ cười của họ, tôi tin, họ nói rất thật lòng.
Bếp ngô luộc trên lưng chừng núi - Ảnh: Đức Hùng |
Cơm lam Thung Khe - Ảnh: Đức Hùng |
Ốc đá bắt về từ trên núi - một sản vật của chợ đèo - Ảnh: Đức Hùng |
3. Quan sát mấy thanh cơm lam xếp trên ghế gỗ, tôi trông hơi lạ, khác với cơm lam Mai Châu hay Pù Luông mà mỗi khi có dịp lên đường lại được thưởng thức.
Hỏi ra mới biết, cơm lam Dốc Trắng không làm từ ống giang mà làm từ ống tre non. Gạo được ngâm từ 8g tối hôm trước rồi nhồi vào ống tre, dùng chính áo ngô để bịt ống, 4g sáng cho lên bếp nướng từ từ cho tới chín.
Người Mường ở bản Tằm không phải dùng lá chuối để bọc quanh ống cơm trước khi nhồi gạo vào mà với cách nấu truyền thống này, họ giải thích - một lớp màng tre mỏng bên trong ống tre non sẽ trở thành phần vỏ bọc giữ nước, giữ nhiệt để làm chín hạt gạo sau quá trình nướng.
Sau đó phần vỏ tre bên ngoài bị cháy đen sẽ được róc đi cho sạch sẽ và đem bán, 10.000 đồng/ống cơm lam. 5.000 đồng/quả ngô. Và bạn có những niềm vui giản dị đến bất ngờ.
Đằng sau dãy lán trại được dựng lên sơ sài và thông thống gió, là một sườn núi nghiêng nghiêng, bên dưới nữa là thung lũng bản Tằm.
Tôi hỏi một mệ bán hàng, có phải ngày trước làng trồng dâu nuôi tằm hay không, bà bảo phải, nhưng giờ dân bản không làm nghề dệt lụa nữa, lên đây bán hàng cũng có đồng ra đồng vào, ngày ít ngày nhiều, một tháng cũng được 4-5 triệu đồng.
Phần lớn các lán trại không bán hàng suốt đêm, vào mùa đông sẽ có một số hàng bán khuya, nhưng đến quá nửa đêm là nghỉ.
Chợ đèo có vị trí khá đắc địa, là một điểm phù hợp để dừng chân ngắm cảnh núi rừng Hòa Bình. Trong khi quốc lộ 6 mở ra một bên là núi cao, một bên là vực sâu thì ngay đỉnh Dốc Trắng có một khoảnh đất lớn ăn về phía vực đủ để thành nơi họp chợ của dân đi lại quả là điều thú vị.
Ngoài việc dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống, nhiều lần chúng tôi cũng chọn nơi này để chụp ảnh cưới cho bạn bè.
Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng chọn Thung Khe Dốc Trắng làm nơi chụp ảnh cưới cho bạn bè - Ảnh: Băng Giang |
4. Tôi ngồi trên chiếc lán bằng tre cũ kỹ nhìn xuống thung lũng xanh rợp trong ngày nắng. Dưới chân tôi có khá nhiều rác thải bằng nilông, có thể là do du khách vứt xuống, cũng có thể là do đồng bào tiện tay.
Quan sát các gian hàng tôi đều thấy ai cũng có một bao tải để dồn rác thải ở góc lán. Tôi quay sang bà bán hàng người Mường cười cười bảo, khách ghé quán mà lỡ tay xả rác trên núi, cô nhớ thu thêm tiền dọn rác nha. Tới bữa mà ai cũng xả không ai dọn thì chợ đèo lại mất đất làm ăn.
Du lịch góp phần làm phát triển vùng nhưng cũng mang theo nó những mặt trái tiêu cực. Đơn giản như chuyện xả rác thải, nhất là túi nilông trên đèo Thung Khe Dốc Trắng.
Mong rằng các bạn ham xê dịch, sẽ góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ điểm dừng chân Thung Khe từ những hành động nhỏ nhất, không xả rác và nhắc nhở người khác cùng mình góp phần gìn giữ môi trường, cảnh quan.
Để chợ đèo Thung Khe luôn là điểm dừng chân được mong đợi của nhiều lữ khách trên lộ trình ngang qua quốc lộ 6 vùng Tây Bắc Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận