02/10/2017 09:47 GMT+7

Bài thi Bản sắc Việt: Đến Phong Nha ngắm rừng bách xanh

HẢI THANH
HẢI THANH

TTO - Nhắc tới Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) , du khách thường biết đến các hang động như Sơn Đoòng, Phong Nha và Thiên Đường… mà ít người biết về rừng cây bách xanh quý hiếm rộng hàng ngàn hecta ở vùng núi đá vôi cằn cỗi ngay giữa lõi rừng.

Bài thi Bản sắc Việt: Đến Phong Nha ngắm rừng bách xanh - Ảnh 1.

Những dãy núi đá vôi trùng điệp ở PN-KB là sinh cảnh của cây bách xanh

Tại thời điểm công bố phát hiện quần thể lớn cây bách xanh ở PN-KB năm 2008, các nhà khoa học chỉ biết đến bách xanh trên núi đất, hoặc một vài cá thể bách xanh núi đá mà chưa ghi nhận cả một quần thể bách xanh núi đá lên đến hàng ngàn hecta ở PN-KB. 

Bất cứ du khách nào đặt chân đến đây đều cảm nhận được phần nào sự hấp dẫn của rừng cây bách xanh này. Có thể nói, khu rừng này hứa hẹn sẽ là một tuyến du lịch mới hấp dẫn nhiều du khách.

Rừng trên núi đá cao 800m

Từ ngã tư giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh (nhánh tây) với đường 20 Quyết Thắng ở khu vực cầu Trạ Ang, chúng tôi theo đường 20 Quyết Thắng đi lên phía xã Tân Trạch của huyện Bố Trạch nằm giữa vùng lõi của Vườn quốc gia PN-KB ở khu vực biên giới Việt - Lào.

Đây cũng chính là một đoạn đường vào với Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới trong Vườn quốc gia PN-KB. Đến km37, đoàn bắt đầu rẽ ngang, cắt núi đá vôi lên vùng cây bách xanh. Những đoạn dốc dựng đứng toàn nền đá tai mèo lởm chởm. Nhiều đoạn người đi sau luôn đụng đầu vào gót chân người leo trước.

Sau chừng 45 phút leo dốc, chúng tôi đặt chân đến một dãy núi đá vôi. Máy đo độ cao báo 750m. Đây chính là điểm đầu nơi có rừng cây bách xanh. Từ đây trải rộng ngút ngàn là một màu xanh trùng điệp, nhìn đến ngát mắt với những thân cây lạ trông giống như loài tùng cao 18-20m.

Một cán bộ Vườn quốc gia PN-KB cho biết đó là cây bách xanh của rừng PN-KB. Cây bách xanh không vươn cao thân mà cao tầm hơn 10m là phân cành, toàn thân không nhiều cành lá sum sê như các loài cây bản địa khác xung quanh nhưng nhiều cây có gốc to đến hai người ôm.

Dưới tán rừng, nép giữa những thân cây bách xanh cổ là các cây lan hài. Nhìn qua, loài cây này như được sinh ra từ đá. Quan sát kỹ thì thấy trong những hốc đá vôi có chứa mùn hoai của cây bách xanh, chính là thức ăn của loài lan hài quý hiếm, độc đáo và thanh tao.

Một số cây quá lâu năm đã chết rũ, thân trải trên nền đá vôi. Một vài đoạn gỗ chưa hoai mục, dùng đá ghè vào liền bốc lên mùi thơm dễ chịu như mùi dầu de. Ngửi một hơi thật sâu hương vị của cây bách xanh, của núi đá vôi giữa thẳm sâu của rừng nguyên sinh PN-KB thật khó tả.

Bài thi Bản sắc Việt: Đến Phong Nha ngắm rừng bách xanh - Ảnh 2.

Một đoạn thân cây bách xanh - Ảnh: LAM GIANG

Giá trị toàn cầu về khoa học

Cây bách xanh có lá nhỏ, cây trông tựa như cây tùng. Rễ cây len lỏi qua từng thớ nứt, lằn hở của đá vôi rồi bấu sâu vào nền đá và chen chúc với đá để lớn lên mãnh liệt trong gió ngàn ù ù thổi. Những cây bách xanh cổ thụ, xù xì nhiều vết hằn thời gian trên lớp vỏ như đang nắm giữ trọng trách làm mát và điểm trang màu xanh bát ngát cho những dãy núi đá vôi trùng điệp, khô cằn.

Theo ông Nguyễn Tấn Hiệp - nguyên giám đốc Vườn quốc gia PN-KB, cây này từng được nhìn thấy từ năm 2004. Trong một chuyến điều tra về sự đa dạng của loài hoa lan, đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu khoa học - cứu hộ động vật hoang dã của vườn đã tình cờ nhìn thấy một loại cây lạ mắt, nhưng lúc đó không ai biết chính là loài cây bách xanh quý hiếm sống trên núi đá vôi như bây giờ.

Khi thông tin này đến với giáo sư Leonid Averyanov (Viện thực vật Khamarop, Nga) và giáo sư Phan Kế Lộc (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh học VN), đang tham gia một đợt nghiên cứu khoa học ở Vườn quốc gia PN-KB, một chuyến khảo sát về loài cây lạ đã được thực hiện.

Sau chuyến đi đó trở về, đoàn đưa ra kết luận đã phát hiện thêm một (trong bốn) loài bách xanh trên thế giới ở PN-KB là loài bách xanh trên núi đá vôi (Calocedrus rupestris Aver). Giáo sư Leonid Averyanov cũng khẳng định đây là vùng rừng cổ sơ, độc đáo của VN, và cây bách xanh ở đây là loài đặc hữu có ý nghĩa toàn cầu, độ tuổi từ 500-600 năm.

Các đợt khảo sát tiếp theo trên diện rộng của Vườn quốc gia PN-KB cho thấy rừng cây bách xanh trên núi đá ở PN-KB được phân bố trên một diện tích rộng đến 5.500ha, tập trung nhiều nhất tại vùng phía đông đường 20 Quyết Thắng từ km27 đến km40, trong đó 2.400ha có mật độ cây dày đặc với khoảng 600 cây/ha. Với rừng cây bách xanh và hang động Sơn Đoòng, PN-KB quả là một vùng rừng núi chứa đựng nhiều bí ẩn của tạo hóa trên Trái đất.

* Ông LÊ THANH TỊNH (giám đốc Vườn quốc gia PN-KB):

Sẽ có tour khám phá rừng bách xanh

Trong chương trình phát triển du lịch của Vườn quốc gia PN-KB, ngoài tiềm năng lớn là hệ thống hang động, thời gian tới đây vùng cây bách xanh trên núi đá vôi cũng sẽ được đưa vào khai thác.

Theo đó, sẽ có tour du lịch riêng khám phá cây bách xanh, hoặc kết hợp khám phá rừng cây bách xanh và du lịch mạo hiểm trên núi đá vôi cho du khách, đặc biệt là với du khách nước ngoài nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch cho du khách khi đến với PN-KB.

Bài thi Bản sắc Việt: Đến Phong Nha ngắm rừng bách xanh - Ảnh 4.

HẢI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp