08/11/2023 10:00 GMT+7

Du lịch xứ Thanh - hướng tới điểm đến bốn mùa chào đón du khách

Ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa đã và đang tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trọng tâm là đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu 'Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa', chào đón du khách quanh năm.

Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghẹt du khách vào mùa hè - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghẹt du khách vào mùa hè - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Mùa hè đi biển, mùa đông đi núi, tham quan di sản, di tích

Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) - một trong những bãi biển đẹp nhất cả nước, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ngoài biển Sầm Sơn, xứ Thanh còn có bãi biển đẹp, hoang sơ ở Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa; Tiên Trang ở huyện Quảng Xương; bãi biển Hải Hòa ở thị xã Nghi Sơn. 

Tuy nhiên, thế mạnh của du lịch bãi biển là chỉ thu hút được du khách trong ba tháng mùa hè. Các mùa còn lại, nhất là mùa đông thì bãi biển thưa vắng du khách.

Học sinh huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) tham quan Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Học sinh huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) tham quan Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Để thu hút du khách đến với xứ Thanh quanh năm, ngành du lịch Thanh Hóa đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa", đưa du khách đến với các di tích, di sản văn hóa, khu du lịch sinh thái.

Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc là điểm đến thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng suốt bốn mùa trong năm, nhất là các dịp lễ, tết, với tổng số hàng chục nghìn lượt du khách mỗi năm.

Ông Nguyễn Bá Linh - giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết: Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam và có giá trị, độc đáo nhất còn lại ở Đông Nam Á. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự của nước ta dưới triều Hồ. Thành trì này được xây dựng vào năm 1397, sử dụng khối lượng vật liệu khổng lồ ước tính lên tới trên 25.000m3 đá và trên 100.000m3 đất.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách, trong những năm qua, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã phát triển thêm nhiều sản phẩm, không gian mới phục vụ khách du lịch tham quan như: không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô, không gian trưng bày hiện vật ngoài trời, khai thác không gian trưng bày đá xây thành làm điểm check-in tại cổng phía Nam, trưng bày mô hình súng thần công và những cải cách triều Hồ, tổ chức các chương trình giáo dục di sản cho học sinh.

Hiện nay, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đang phục vụ bốn tour tham quan di sản gồm: nhà trưng bày hiện vật, khu trưng bày ngoài trời, không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô, cổng phía Nam, khu trưng bày đá xây thành, đền Bình Khương, hoàng thành, nhà cổ ông Phạm Ngọc Tùng, chùa Linh Giang, chùa Nhân Lộ, núi Xuân Đài, động Hồ Công, đàn Nam Giao, đền Trần Khát Chân…

Bên cạnh Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, bốn mùa trong năm, du khách có thể đến tham quan Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh ở huyện Thọ Xuân, Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu ở huyện Hậu Lộc, Di tích quốc gia đền Am Tiên ở huyện Triệu Sơn; tham quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch sinh thái Pù Luông.

Xây dựng du lịch Thanh Hóa trở thành trọng điểm du lịch quốc gia

Du khách tham quan Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Du khách tham quan Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Với vị trí địa lý trọng yếu, bề dày lịch sử văn hóa đã đem lại cho Thanh Hóa hệ thống tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng. Những tài nguyên đó là nguồn lực quan trọng có thể đầu tư, khai thác những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa riêng của xứ Thanh.

Các sản phẩm du lịch ở Thanh Hóa ngày càng được hình thành rõ nét. Với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư hạ tầng quy mô, đồng bộ tại một số khu du lịch trọng điểm như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, với việc thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch đặc sắc đã đánh dấu bước đột phá của du lịch biển Thanh Hóa.

Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa, tâm linh ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm như: Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, quần thể di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt… Cùng với các lễ hội truyền thống, quy mô lớn được tổ chức, đã góp phần quảng bá nét văn hóa đặc sắc của đất và người xứ Thanh đến với du khách.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch Thanh Hóa, giai đoạn từ năm 2018-2022, toàn tỉnh đón được gần 40 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn này đạt 9,5%/năm; tổng doanh thu từ du lịch đạt 60.591 tỉ đồng, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục nghìn lao động phục vụ trong ngành du lịch.

Đặc biệt, từ khi du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đến nay, Thanh Hóa là một trong những tỉnh thu hút lượt khách du lịch hàng đầu cả nước, với con số ấn tượng đón trên 11 triệu du khách mỗi năm. Riêng năm 2023, ngành du lịch Thanh Hóa ước đón trên 12 triệu lượt du khách, tăng 12,6% so với năm 2022.

Để hướng tới trở thành trọng điểm du lịch quốc gia, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra một số giải pháp chiến lược mang tính then chốt.

Trong đó, tỉnh này tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện, khai thác tốt hệ thống hạ tầng du lịch gắn với hạ tầng giao thông đồng bộ. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông quan trọng có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối các khu du lịch trọng điểm trong và ngoài tỉnh.

Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch có chất lượng, thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa và khả năng cạnh tranh cao; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mới như: thuyền buồm, lướt ván, mô tô nước, dù lượn, khám phá đại dương, các khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh tại các khu du lịch biển.

Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch có tiềm lực và thương hiệu mạnh; nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong quản lý nhà nước về du lịch.

Nhằm tiếp tục giữ đà tăng trưởng bền vững của ngành du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh bằng chính giá trị văn hóa đặc sắc, hướng tới xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa. Tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trọng tâm là đẩy mạnh quảng bá bộ nhận diện thương hiệu "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa", đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển toàn diện.

Ông Nguyễn Văn Thi - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Với thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, trải dài từ miền núi, trung du đến ven biển và hải đảo. 

Cùng với đó là lợi thế về hạ tầng giao thông đồng bộ, nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu cả nước đang tiếp tục được đầu tư và sẽ sớm đi vào hoạt động. Du lịch Thanh Hóa còn có thể tiến xa hơn nữa, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước".

Thanh Hóa đang hiện thực hóa trở thành cực tăng trưởng mới của Tổ quốcThanh Hóa đang hiện thực hóa trở thành cực tăng trưởng mới của Tổ quốc Thanh Hóa muốn nâng cấp sân bay, đón khách du lịch quốc tếThanh Hóa muốn nâng cấp sân bay, đón khách du lịch quốc tế Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bắt tay làm du lịchNinh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bắt tay làm du lịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp