24/07/2024 13:06 GMT+7

Du lịch vườn kiểu 'treo đầu dê bán thịt chó', làm sao để tránh?

Nhiều ý kiến bức xúc xung quanh kiểu làm du lịch 'treo đầu dê bán thịt chó' ở du lịch vườn. Theo bạn đọc, đó là cách kinh doanh nhà vườn tự 'giết' mình.

Một vườn chôm chôm tại Bến Tre mở cửa đón khách, thường những vườn này được các công ty du lịch mua lại của nhà vườn để phục vụ khách tham quan - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Một vườn chôm chôm tại Bến Tre mở cửa đón khách, thường những vườn này được các công ty du lịch mua lại của nhà vườn để phục vụ khách tham quan - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, không hài lòng về cách quảng cáo theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó", chị Th. (ngụ TP.HCM) chia sẻ lên mạng xã hội một đoạn clip, gây xôn xao dư luận.

Theo chị Th., trong một chuyến du lịch tại Bến Tre vào tháng 6-2024, chị đã mua tour tham quan vườn trái cây để được trải nghiệm tại vườn trái cây B.Th., với quảng cáo là vào vườn chôm chôm hái ăn, bao bụng (ăn bao nhiêu tùy thích).

Tuy nhiên, khi vào đến vườn chôm chôm này, chị Th. mới phát hoảng vì không đúng như lời quảng cáo.

Như đoạn video chị Th. đăng tải, vườn trái cây thời điểm tham quan khá vắng khách, ít trái. Vì quá thất vọng, chị Th. đã ghi hình lại, nhằm cảnh báo cho bạn bè không bị "hố" như mình.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bến Tre, cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp phải bán tour đúng giá niêm yết, quảng bá đúng sự thật và không ngừng nâng cao dịch vụ của mình để không làm ảnh hưởng đến ngành du lịch nói chung.

Đi thăm vườn quýt, được mời ăn ổi

Theo nhiều bạn đọc, đây không phải là lần đầu du khách bị thất vọng vì cách làm ăn chụp giật khi tham quan các địa điểm du lịch vườn.

Tài khoản Du lịch vườn kể: "Tui cũng bị rồi nè. Lần đó, nghe nói đi vườn trái cây Lái Thiêu, mua vé vô vườn ăn trái cây tại chỗ thỏa thích, mang về mới tính tiền. Hí hửng đi, đến nơi vô vườn có thấy trái nào ăn được đâu".

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Tuấn Lộc viết: "Cái vụ này tôi bị hơn 10 năm trước rồi. Vô vườn trái cây chôm chôm giá 40.000 đồng/người, đi bốn người, được báo là vô hái ăn thoải mái, chán thì thôi.

Tuy nhiên đến nơi thì chán thiệt! Vườn lác đác vài chùm trái xanh, lâu lâu gặp một hai trái vàng. Về ra đến cổng được mời chào mua đem về 20.000 đồng/kg, bốn người đi thẳng xuống ghe và không hẹn ngày quay lại. Nay thấy báo đăng mới biết 10 năm qua không chỉ nhóm mình bị".

Cùng là nạn nhân của cách làm ăn chụp giật, bạn đọc Khang VD chia sẻ: "Hôm rồi đi vườn trái cây ở Cần Thơ, vé 100.000 đồng/người. Thăm vườn dâu chỉ để chụp ảnh check-in! Trái không ăn được vì quá chua. May là chủ chuẩn bị cho một đĩa dâu ngọt để ngồi ăn tại vườn dâu!".

Tài khoản alit****@gmail.com kể: "Giống mình nè, năm ngoái cũng tin theo lời quảng cáo, đi Đồng Tháp thăm vườn quýt. Đến nơi mới vỡ lẽ: cây quýt nó còn thấp hơn mình! Sau đó được chủ vườn đãi ăn trái cây miễn phí. 

Nhóm 5 người được mời 1 đĩa trái cây gồm 2 miếng ổi, 4 miếng thanh long, vài trái nhãn và mấy trái chuối. Thăm vườn quýt mà không được ăn trái quýt nào luôn"...

Nghĩ bỏ tiền tham quan rồi hái trái vứt khắp nơi

Bên cạnh các ý kiến phản ánh thực trạng, một số bạn đọc còn đề ra giải pháp để du lịch vườn hấp dẫn hơn trong mắt du khách.

"Nếu vườn hết trái thì cứ ghi rõ và hẹn khách lần sau hoặc không mở bán vé. Chuyện nhỏ vậy mà cũng để lùm xùm, người ta từ xa đến tham quan cũng bực chứ đâu phải trả vé lại là coi như không có chuyện gì" - bạn đọc Tùng gợi ý.

Tuy nhiên, theo nhiều bạn đọc, hiện nay cái khó chung của nhà vườn là không phải khách tham quan nào cũng lịch sự. Một số khách có suy nghĩ đã bỏ tiền vào tham quan nên hái trái vô tội vạ, gây lãng phí.

Do đó, qua câu chuyện chị Th. phản ánh, trách nhà vườn làm du lịch chụp giật đã đành, nhưng cũng nên nhìn từ hai phía sẽ công bằng hơn cho khách tham quan và cả nhà vườn.

Về ý này, tài khoản Toucan viết: "Nhà mình tầm 10 năm trước cũng có cho khách vào tham quan, nhưng không phải khách nào cũng có ý thức, hái trái cây vô tội vạ, hái xong không ăn rồi vứt mọi nơi, vô cùng lãng phí, hái theo kiểu bẻ cả nhánh cả cành".

Để tránh tình trạng bát nháo, lãng phí khi tham quan nhà vườn, một số bạn đọc cho rằng cơ bản là do cách làm, nếu có quy định cụ thể vừa duy trì được vườn trái, vừa để du khách được trải nghiệm.

Bạn đọc tài khoản VT viết: "Vụ khách tham quan muốn tự tay bẻ trái cây để trải nghiệm thì cũng dễ mà. Nhà vườn dành một khu nhỏ cho khách tham quan vào bẻ trái, với điều kiện bẻ bao nhiêu phải mua hết bấy nhiêu".

Còn bạn đọc tài khoản Bánh Bao bổ sung: Ví dụ như tham quan đầu mùa vụ thì chỉ được chụp ảnh, tham quan. Còn muốn ăn thì ra bên ngoài có quầy phục vụ trái cây đã hái. Muốn trải nghiệm tự tay hái thì sẽ có quy định riêng và giá vé cũng có thể thay đổi... 

Như vậy, khách có thể vừa tham quan vườn trái cây với giá cả hợp lý, còn chủ vườn có thể hạn chế được chuyện bẻ nhánh, hái trái tùy tiện...

Du lịch nhà vườn Đà Lạt: nông dân mở lòng nếu khách dễ thươngDu lịch nhà vườn Đà Lạt: nông dân mở lòng nếu khách dễ thương

TTO - Mấy năm sau khi mẹ tôi về hưu, bà bắt đầu trồng dâu tây trên mảnh vườn tại ngôi nhà chúng tôi ở trong lòng thành phố Đà Lạt. Trước đó, mảnh vườn này vốn chỉ để cỏ mọc.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp