18/03/2022 08:49 GMT+7

Du lịch Việt sẵn sàng đón khách

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Ngay khi du lịch quốc tế trở lại với các biện pháp mở cửa mạnh mẽ từ ngày 15-3, nhiều doanh nghiệp cũng lập tức nối liên hệ với các đối tác quốc tế, sẵn sàng tung ra sản phẩm mới.

Du lịch Việt sẵn sàng đón khách - Ảnh 1.

Du khách sẽ trở lại với hình ảnh "sâu hơn, tươi mới hơn" tại Hội An, Mỹ Sơn, Quảng Nam - Ảnh: B.D.

Bên cạnh những thách thức về việc đảm bảo hoạt động du lịch an toàn, theo các doanh nghiệp, để ngành du lịch có sức phục hồi mạnh mẽ thời hậu dịch, việc mở cửa cần đi kèm với chiến dịch quảng bá mạnh mẽ, bên cạnh định hình lại chân dung khách hàng.

Mở rộng cửa đón khách

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, cho biết rất nhiều đoàn khách outbound của đơn vị đã xong hết các thủ tục và sẽ "bung" hết cỡ sau khi ngành du lịch mở cửa trở lại. Các đoàn khách đường biển cũng có thể chính thức khởi động những hợp đồng đã ký từ trước.

"Chúng tôi đang nghiên cứu các thị trường khách quốc tế thời gian tới là khu vực Đông Nam Á, khách Bắc Mỹ và khách Âu, khai thác du lịch MICE quốc tế bao gồm các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thể thao... Nhưng để có khách, công tác quảng bá tiếp thị của du lịch Việt Nam cần phải có sự đồng lòng và chương trình cụ thể", ông Yên nói.

Tương tự, ông Lê Hùng Anh, CEO Travelner, cũng không giấu được niềm vui sau hơn hai năm chờ đợi thị trường du lịch quốc tế tái khởi động. Đến nay, toàn bộ hạ tầng, dịch vụ cung ứng cho một chuyến du lịch của du khách từ đặt phòng, mua vé máy bay, thuê xe... đã được doanh nghiệp hoàn thiện trong nền tảng Travelner.

Một trong những đường bay khởi động sớm là Việt Nam - Singapore. Khách đặt các dịch vụ lưu trú, vé máy bay, thuê xe đến Singapore đều được Travelner hỗ trợ miễn phí gói bảo hiểm COVID-19 trị giá tối thiểu 30.000 đôla Singapore. "Chúng tôi đánh giá từ tháng 4 trở đi, du lịch quốc tế sẽ phục hồi rõ ràng hơn và sẽ bắt đầu từ thị trường khách châu Âu, nơi cuộc sống đang trở về bình thường như trước dịch", ông Hùng Anh kỳ vọng.

Ngay cả các hãng bay cũng nhanh chóng kích hoạt lại đường bay. Trong đó, Vietjet Air sẵn sàng tăng tải để đến tháng 5 sẽ bay trở lại toàn bộ đường bay của năm 2019. Trong tháng 6-2022, hãng này dự kiến sẽ khai thác lại toàn bộ đường bay quốc tế, cũng như chuẩn bị máy bay thân rộng để bay đến Úc, châu Âu...

Trong khi đó, du khách quốc tế cũng đang xem Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn sau dịch, đặc biệt với chính sách mở cửa thông thoáng hơn, sự quan tâm này càng nóng hơn. Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, sau hai năm hạn chế đi lại, nhu cầu du lịch của người Mỹ tăng cao cả trong và ngoài nước.

Nghiên cứu của Công ty Destination Analysis cho biết 80% người Mỹ muốn đi du lịch trong vòng 6 tháng tới. Du khách Mỹ luôn xem Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn từ góc độ thắng cảnh, lịch sử đến văn hóa và ẩm thực. Bên cạnh đó có một lượng lớn người Việt tại Mỹ muốn về thăm thân, đầu tư làm ăn tại Việt Nam.

Tại thị trường Pháp, đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng cho biết người Pháp đang dần quay trở lại với thói quen du lịch. Trong năm 2020, 90% người Pháp ưu tiên du lịch trong nước hoặc trong châu Âu, nhưng trong năm 2022, nhiều người Pháp đã sẵn sàng và có đến 43% đã lên kế hoạch du lịch ra ngoài châu Âu, trong đó có đến 30% người Pháp cho biết muốn đến thăm châu Á.

"Việt Nam đã được Pháp xếp vào nhóm nước an toàn, loại bỏ toàn bộ các hạn chế đi lại từ Việt Nam sang Pháp. Rất nhiều người Pháp đang chờ đợi các thông tin mở cửa trở lại, cấp thị thực du lịch của Việt Nam", ông Thắng nói.

Du lịch Việt sẵn sàng đón khách - Ảnh 2.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã bắt đầu nhộn nhịp hơn với các chuyến bay đến TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chuẩn bị tốt nhất để đón khách

Cửa đã mở, nhưng trong bối cảnh chân dung du khách đã hoàn toàn khác sau hai năm, ngành du lịch cũng buộc phải không ngừng vận động theo nhu cầu mới. Bà Ngô Hương, tổng giám đốc Vinpearl Resort, cho biết hệ thống đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, sản phẩm và nhân sự để đón khách quốc tế với tiêu chí không ngừng đổi mới, nâng cấp sản phẩm, đón đầu xu hướng trên thế giới, thiết kế trải nghiệm riêng biệt phù hợp nhu cầu và sở thích mới mẻ cho du khách.

Như tại Phú Quốc (Kiên Giang), từ đầu năm 2022, Vinpearl Safari đã sáng tạo, làm mới với chương trình trải nghiệm khám phá thiên nhiên bán hoang dã về đêm đầu tiên của Việt Nam "Safari Night". Riêng tại Vinpearl Nam Hội An (Quảng Nam), chương trình trải nghiệm 3 trong 1 mới nhất - "Đêm tìm về", kết hợp trình diễn văn hóa cổ truyền, giao lưu ẩm thực chợ quê và trải nghiệm cuộc sống thiên nhiên hoang dã về đêm cũng đón nhận sự yêu thích nồng nhiệt của du khách trong và ngoài nước trong thời gian qua.

"Chúng tôi tiếp tục ra mắt nhiều trải nghiệm du lịch - giải trí kỷ lục như cung điện Hải Vương - một trong những thủy cung lớn nhất thế giới với tạo hình rùa biển khổng lồ ấn tượng dự kiến được ra mắt vào mùa hè năm nay tại công viên chủ đề VinWonders Phú Quốc. Đây sẽ là nơi sinh sống và bảo tồn hơn 300 loài sinh vật biển với gần 255.000 cá thể. Hay dự kiến vào tháng 4-2022, Vinpearl Submarine Nha Trang - tàu ngầm du lịch toàn kính với tầm nhìn "vô cực" 360 độ đầu tiên và duy nhất trên thế giới - sẽ chính thức ra mắt", bà Hương thông tin.

Điểm đến an toàn dịch bệnh

Bà Nguyễn Thị Khánh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, thừa nhận làm mới sản phẩm là yếu tố sống còn của du lịch Việt Nam để cạnh tranh với các điểm đến khác. Khách hàng có những kỳ vọng mới, làm sao doanh nghiệp đáp ứng được các kỳ vọng này trong đó đảm bảo sự an toàn cho du khách, minh bạch thông tin, duy trì được chất lượng lao động để có chất lượng sản phẩm tốt.

Ông Trịnh Văn Thoại, hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh thị trường inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam), cho biết trong hai năm đóng cửa, các hướng dẫn viên inbound vẫn ngồi lại với nhau, thực hiện các cảnh quay hay về những cảnh đẹp Việt Nam và thuyết minh cho những du khách quốc tế chưa thể vào Việt Nam. "Chúng tôi gọi đó là du lịch ảo nhưng nó rất thật. Thật từ cảm xúc đến con người, cảnh vật, mọi người truyền tay nhau những hình ảnh đó để chờ ngày vào lại Việt Nam", ông Thoại chia sẻ.

Theo ông Phạm Hà - chủ tịch Lux Group, công tác quảng bá cho du lịch Việt Nam không chỉ dừng ở xúc tiến tham dự hội chợ, tổ chức sự kiện, roadshow mà còn phải có sự hỗ trợ từ các đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, cần nhất là Việt Nam phải có một thông điệp du lịch về một hình ảnh mới của Việt Nam ngay sau ngày mở cửa.

Bà Lê Mai Khanh, phó chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, cho rằng công tác tuyên truyền tới khách du lịch quốc tế sau khi mở cửa không chỉ đề cao vẻ đẹp điểm đến mà cần nhấn mạnh thêm Việt Nam là điểm đến an toàn, không chỉ về an ninh mà còn là an toàn dịch bệnh. Bởi các chuyến đi du lịch hậu dịch luôn đề cao tính an toàn.

Du lịch Việt sẵn sàng đón khách - Ảnh 3.

Khách Hàn Quốc đến Phú Quốc (Kiên Giang) theo "hộ chiếu vắc xin" - Ảnh: C.CÔNG

Làm mới để đón khách

Nằm trong khuôn khổ chuỗi diễn đàn du lịch "Ấn tượng Việt", ngày 18-3, tại Vinpearl Nam Hội An, tỉnh Quảng Nam, báo Tuổi Trẻ cùng UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức tọa đàm "Làm mới để đón khách", với sự đồng hành xuyên suốt của Travelner Việt Nam, Vinpearl, Vietjet Air, Saigontourist Group. Đây là sự kiện nối tiếp ngay sau khi Việt Nam quyết định mở cửa hoàn toàn trở lại du lịch từ ngày 15-3.

Chương trình "Làm mới để đón khách" sẽ cùng lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp đã nỗ lực làm ra các sản phẩm mới, độc đáo riêng để thu hút khách quốc tế. Trong đó, các doanh nghiệp đã đưa ứng dụng công nghệ vào sản phẩm cũng như dịch vụ, hoạt động quảng bá du lịch nâng cao trải nghiệm cho du khách. Ngoài ra, dịp này các dịch vụ, chương trình khuyến mãi mới cũng được cộng đồng du lịch giới thiệu, để cùng hợp lực quảng bá du lịch Việt Nam.

Ông Hà Văn Siêu (phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam):

Quảng bá hình ảnh Việt Nam đầy sức sống

Việc mở lại hoạt động du lịch quốc tế, nội địa từ ngày 15-3 đồng nghĩa với việc kết thúc giai đoạn thí điểm, tất cả các điểm đến trên cả nước đều được đón khách một cách an toàn.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động phục hồi du lịch một cách hiệu quả, Tổng cục Du lịch xác định công tác truyền thông sẽ đi đầu trên hai phương diện: thông tin truyền thông, quảng bá kết nối thị trường qua truyền thông số, mạng xã hội; kênh bán hàng, tiếp thị trực tiếp của các hãng lữ hành, hãng hàng không, các cơ sở dịch vụ, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thông tin rộng khắp đến thế giới cũng như các hãng truyền thông quốc tế.

Du lịch Việt Nam đã có chương trình quảng bá du lịch "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) và ngành du lịch sẽ tập trung cao độ cho chương trình này. Chương trình tập trung truyền tải thông điệp có ý nghĩa mời bạn bè, du khách trên toàn thế giới đến Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, đảm bảo an toàn, hấp dẫn và có những trải nghiệm thú vị, đầy sức sống với thiên nhiên, văn hóa Việt Nam.

Hoàn thiện quy trình đón khách an toàn

Các doanh nghiệp cho rằng thông điệp mở cửa đã rõ ràng, cần nhất lúc này là các hướng dẫn cụ thể, có quy chế chung thống nhất để doanh nghiệp yên tâm triển khai, thông tin đến đối tác nước ngoài cũng như du khách quốc tế.

Dù đã có các quy định về y tế nhưng để thành chương trình hành động về tổ chức đón khách an toàn thì vẫn chưa rõ. Cũng cần rà soát từng khâu nhỏ để đảm bảo thông suốt cho khách và thực sự tạo thuận lợi vì có nhiều quy định tưởng nhỏ nhưng lại rất phiền. Như việc khai báo y tế tại các sân bay và cửa khẩu nhập cảnh. Theo quy định, muốn nhận mã số OTP phải có số điện thoại, nhưng người mới nhập cảnh chưa kịp mua sim nên loay hoay mãi không thể nhập cảnh được và bị kẹt rất lâu ở sân bay.

Hội An "thay áo mới" để đón khách

Hoi An-QuangNam

Các điểm đến ở Quảng Nam như Hội An, Mỹ Sơn sẽ trở lại với hình ảnh "sâu hơn, tươi mới hơn" - Ảnh: B.D.

Ngay sau khi có thông tin ngành du lịch Việt Nam chính thức mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15-3, những cửa hiệu buôn bán nổi tiếng tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) bắt đầu kê dọn lại đồ đạc, kêu thợ đến sửa sang lại bàn ghế, làm đẹp lại không gian.

Tại làng gốm Thanh Hà và rừng dừa Cẩm Thanh, những chiếc thuyền thúng được đưa ra, những đóm lửa bắt đầu được thắp lên tại các tiệm gốm chuẩn bị cho ngày hoạt động trở lại. Tại làng chài An Bàng, nhiều hàng quán chuyên phục vụ khách Tây như Deck House, Coco Casa... chủ cơ sở đã gọi nhân viên trở lại làm việc, tăng ca phục vụ để chuẩn bị cho thời gian dự kiến nườm nượp khách như đã từng có trước đại dịch. Đang tất bật hướng dẫn nhân viên sắp đặt lại không gian, ông Lê Ngọc Thuận, chủ nhà hàng Coco Casa, cho biết một galerry trưng bày các tượng gỗ tái chế nghệ thuật đã được sắp đặt để mở ra dòng sản phẩm mới lạ, chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại. "Chúng tôi đã chờ đợi khoảnh khắc đón khách quốc tế suốt hai năm qua", ông Thuận hào hứng cho biết.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao, truyền thanh truyền hình Hội An, đơn vị quản lý phố cổ Hội An - cho biết Hội An đã đầu tư rất lớn cho hệ thống vận hành kỹ thuật phục vụ tham quan, du khách sẽ được hỗ trợ nhiều hơn tại các điểm dừng chân thông qua các thiết bị số. Một bản đồ 3D số hóa toàn bộ không gian phố cổ cũng đã được xây dựng. Các hoạt động nghệ thuật tại địa phương đã được đầu tư về chiều sâu, tương tác tốt hơn với công chúng. "Việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại không chỉ giúp việc vận hành, bảo tồn được tốt hơn mà bà con sống bằng nghề du lịch cũng sẽ có thu nhập", bà Cẩm nói.

Hàng loạt resort cũng được nâng chuẩn, đầu tư cơ sở vật chất. Ông Nguyễn Sơn Thủy, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết sự thay đổi diện mạo của du lịch Quảng Nam sau hai năm đại dịch chính là dựa trên xu hướng của tương lai là du lịch xanh, du lịch trách nhiệm kết hợp bảo vệ môi trường. Các sản phẩm đều hướng đích đến là thân thiện với môi trường, khai thác giá trị văn hóa bản địa. "Đặc biệt, Quảng Nam cũng đã xúc tiến và định hướng về du lịch môi trường, mảng du lịch trải nghiệm không gian rừng núi, địa thế tự nhiên và đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc ở vùng núi cũng đang được khuấy động với rất nhiều sản phẩm có tiềm năng trong tương lai gần", ông Thủy nói.

THÁI BÁ DŨNG

Kết nối cung cầu với hội chợ du lịch trực tuyến

du khach

Đoàn khách du lịch kết hợp công vụ, hội nghị quy mô hơn 700 người ghé Đà Nẵng vào tháng 3-2022 - Ảnh: T.LỰC

Ngày 17-3, Sở Du lịch TP Đà Nẵng khai mạc hội chợ du lịch trực tuyến Danang FantastiCity 2022, kéo dài đến ngày 25-3 với sự tham gia của 150 doanh nghiệp trong nước và 60 đối tác mua quốc tế.

Ngay trong ngày khai mạc đã có 250 cuộc hẹn kết nối doanh nghiệp trong nước với các đối tác mua quốc tế. Tại các buổi hẹn, doanh nghiệp trong nước đã thông tin về chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch của Việt Nam và giới thiệu gói sản phẩm du lịch mới, trao đổi thúc đẩy giao dịch giữa các bên.

Ngoài ra, các khách hàng tham gia trực tuyến qua chương trình giờ vàng giá sốc sẽ có cơ hội săn được sản phẩm ưu đãi từ các hãng hàng không, khách sạn, khu điểm du lịch các cơ sở du lịch Đà Nẵng.

Theo đó, vào thời gian giờ vàng giá sốc 12h-14h và 20h-21h các ngày 19 và 20-3, du khách truy cập hội chợ du lịch trực tuyến tại địa chỉ https://danangfantasticity.com/fantastichour hoặc travelbook.vn/danang có cơ hội săn phiếu giảm giá lên đến 50% từ các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khu điểm du lịch và các khách sạn, resort tại Đà Nẵng.

TẤN LỰC

Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo

Ông Bùi Quốc Thái, giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, cho biết đã có 1.282 khách quốc tế (khoảng 10 chuyến bay) đến Phú Quốc vui chơi, nghỉ dưỡng theo hình thức sử dụng "hộ chiếu vắc xin". Du khách quốc tế chủ yếu là người Hàn Quốc, Lào, Kazakhstan, Uzbekistan, Thái Lan.

Theo dự kiến, vào cuối tháng 3-2022, Kiên Giang sẽ đón đoàn khách quốc tế là người Kazakhstan đến đảo ngọc Phú Quốc vui chơi, nghỉ dưỡng sau khi ngành du lịch chính thức mở cửa đón khách quốc tế. Sở Du lịch cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng phương án mở cửa hoạt động du lịch để hướng dẫn các cơ sở kinh doanh du lịch triển khai thực hiện đón khách quốc tế. UBND tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị cho phép khách quốc tế khi đến Phú Quốc sẽ được đến TP Hà Tiên (huyện Kiên Lương và huyện đảo Kiên Hải) để tham quan du lịch ở khu vực các đảo, quần đảo thuộc các địa phương này, trước khi trở lại Phú Quốc để xuất cảnh.

Trong năm 2022, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu sẽ đón 5,6 triệu lượt khách đến tham quan du lịch (có 200.000 lượt khách quốc tế).

C.CÔNG

Nhiều nước chạy đua mở cửa đón khách

Đầu tháng 4-2022, nhiều nước trong khu vực bắt đầu mở cửa hơn nửa biên giới để đón du khách nước ngoài.

Từ ngày 1-4, Philippines sẽ mở cửa toàn bộ cửa khẩu trên toàn quốc cho mọi du khách và các đại sứ quán, lãnh sự quán ở nước ngoài bắt đầu cấp thị thực cùng ngày. Trước đó, từ đầu tháng 2-2022, nước này đã tiếp nhận du khách đã tiêm ngừa đầy đủ từ những nước được miễn thị thực. Ngoài yêu cầu trước đó phải xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành, các du khách có thể trình kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính trong vòng 24 giờ trước.

Tại Malaysia, Bộ Du lịch - văn hóa - nghệ thuật nước này dự đoán sẽ đón khoảng 2 triệu du khách trong năm nay khi bắt đầu mở cửa lại vào 1-4. Du khách đến đây không còn cần đăng ký chương trình MyTravelPass, những người tiêm ngừa đầy đủ không cần cách ly, nhưng vẫn phải xét nghiệm PCR trước khi đi và xét nghiệm nhanh sau khi đến. "Chúng tôi tin quyết định này sẽ hồi sinh ngành du lịch", Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri nói khi thông báo việc mở cửa.

Đất nước đã mở cửa từ sớm là Thái Lan vào ngày 17-3 cũng cho biết sẽ sớm bỏ luôn yêu cầu xét nghiệm PCR trước đối với du khách nước ngoài. Yêu cầu bảo hiểm y tế tối thiểu 50.000 USD cũng sẽ được giảm xuống 10.000 USD. Trước đó, để thu hút du khách hơn, Bộ Y tế Thái Lan đã trình kế hoạch gồm bốn giai đoạn với mục tiêu đưa COVID-19 thành bệnh đặc hữu từ tháng 7-2022. Khi đó, du khách có thể đến Thái Lan mà không cần bất cứ yêu cầu gì, kể cả tiêm ngừa. Singapore chưa mở cửa hoàn toàn nhưng đang áp dụng làn đi lại dành cho du khách đã tiêm ngừa với 32 quốc gia và khu vực. Bộ trưởng giao thông S. Iswaran nói rằng nước này sẽ sớm mở cửa hoàn toàn.

Trong khi đó, quốc gia Bắc Á mạnh về du lịch là Hàn Quốc cũng bắt đầu đón du khách từ ngày 1-4. Những du khách đã tiêm ngừa đầy đủ sẽ không cần phải cách ly sau khi đến nước này. Du khách chỉ phải cung cấp thông tin, tình trạng tiêm ngừa qua trang Q-Code và kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và xét nghiệm lại sau khi đến. Những người chưa tiêm sẽ phải cách ly trong vòng 7 ngày.

TRẦN PHƯƠNG

Háo hức đón khách quốc tế Háo hức đón khách quốc tế

TTO - Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, người nhập cảnh vào VN chỉ cần xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi xuất cảnh, khi nhập cảnh chỉ cần khai báo y tế, không cần xét nghiệm lại, không cần cách ly.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp