05/12/2007 17:29 GMT+7

Du lịch văn hóa Bình Định: Bao giờ khởi sắc?

Theo báo Bình Định
Theo báo Bình Định

Bình Định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nhưng việc khai thác những giá trị văn hóa vào hoạt động du lịch vẫn chưa hiệu quả. Trong khi du lịch văn hóa đang “hái ra tiền” ở nhiều địa phương trong nước, thì ở Bình Định, du lịch văn hóa vẫn còn ở dạng tiềm năng.

T5n0pwmF.jpgPhóng to

Tháp Bánh Ít đã được trùng tu

Vẫn chỉ là tiềm năng

Một số công ty du lịch lữ hành hoạt động ở Bình Định cho biết, du khách đến Bình Định thường chỉ muốn lưu lại Bình Định một ngày rồi đi. Hỏi vì sao, họ nói ở lại thì không biết đi đâu nữa. Điều này cho thấy tiềm năng du lịch Bình Định lớn, nhưng để biến những tiềm năng ấy thành sản phẩm du lịch lại là chuyện không đơn giản.

Chẳng hạn, các tháp Chăm ở Bình Định tuy đẹp nhưng lại chưa được “thổi hồn”, chưa gắn với đời sống nên không tạo ấn tượng mạnh với du khách. Điều cần thiết để những đền tháp Chăm này có sức hút riêng là những giai thoại, truyền thuyết hay gắn với những lễ hội tâm linh… thì Bình Định lại hầu như không có.

Bên cạnh đó, cảnh quan quanh các tháp Chăm vẫn còn khá ngổn ngang, bề bộn, lại không có một dịch vụ gì. Đến thành Đồ Bàn, không ít du khách tỏ ra thất vọng vì chỉ thấy hai hồ bán nguyệt, sau cơn mưa nước lênh láng khắp nơi… Xét về phương diện du lịch, những chuyện như vậy để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp trong du khách và sẽ khó kéo họ trở lại lần sau.

Đất Bình Định là đất võ. Nhiều người tuy không sống ở Bình Định nhưng vẫn nằm lòng câu ca “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi đi quyền”. Liên hoan quốc tế võ cổ truyền VN được tổ chức tại Bình Định năm 2006 đã mở hướng quảng bá võ Bình Định ra ngoài phạm vi một tỉnh, một nước. Thế nhưng, các làng võ Bình Định đến nay vẫn chưa được phục hồi lại, dù chỉ là phần nào. Mỗi làng chỉ còn một, hai võ đường, với rất ít võ sinh tập luyện thường xuyên.

Ông Trần Văn Quang, phụ trách phòng lữ hành của khách sạn Hải Âu - TP Qui Nhơn, cho biết ông từng có ý tưởng thực hiện tour chuyên đề đi du lịch kết hợp với học võ. Tuy nhiên, đây là việc rất khó thực hiện, phần vì các võ đường hoạt động thất thường, phần vì cảm giác bị làm phiền của các lò võ. Vậy là du khách thay vì được đến tận các làng võ để tìm hiểu một nét văn hóa độc đáo của Bình Định, phần lớn chỉ được thưởng thức những bài võ, thế võ biểu diễn tại Bảo tàng Quang Trung.

Có một thực tế là thời gian qua sự gắn kết giữa hai ngành văn hóa và du lịch chưa thật tốt. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở tháp Bánh Ít chỉ là một minh chứng. Trong khi ngành văn hóa thì chăm chăm trùng tu, ngành du lịch thì lại than thở: du khách đến Bình Định còn ít nên còn “khó mọi bề”, mà cả hai đều chưa xắn tay vào cùng giải quyết.

Thêm một ví dụ khác: hát bội là bộ môn nghệ thuật không phải ai cũng có khả năng thẩm thấu. Trong khi đó, những người làm nghệ thuật hầu như chỉ biết biểu diễn trên sân khấu, mà lại yếu khi tiếp thị vào đời sống. Bản thân ngành du lịch cũng không có sự mời chào, giới thiệu cần thiết.

Kết quả là du khách nước ngoài đến Bình Định không mấy quan tâm đến loại hình sân khấu này. Còn với bài chòi, hiện nhiều du khách rất thích vào Phú Yên nghe Nẫu ca hay ra Hội An tham gia đánh bài chòi, nhưng lại không hề biết đến bài chòi Bình Định. Bởi vậy, không phải không có lý khi có người hoạt động trong ngành du lịch nói: “Bài chòi Bình Định đang mất dần thương hiệu”.

Còn với hệ thống bảo tàng ở Bình Định, ông Trần Văn Quang cho biết: lâu nay trong việc đưa khách tham quan du lịch, ít khi Bảo tàng tổng hợp tỉnh được đưa vào chương trình, không hẳn vì du khách không quan tâm, mà vì đến đây, không có nhiều điều để xem, việc trưng bày lại chưa hấp dẫn…

Để du lịch văn hóa thật sự chuyển động

Ông Phan Ngọc Dũng, quyền giám đốc Vietravel chi nhánh Bình Định, cho rằng: Không phải nét văn hóa địa phương nào cũng có thể đưa vào khai thác du lịch, nên để làm được việc này, trước hết các nhà quản lý du lịch Bình Định cần xác định và đề xuất một số “điểm nhấn”.

Cụ thể, trong các tháp Chăm ở Bình Định, chỉ cần chọn hai hoặc ba tháp thật đặc trưng làm điểm đến, rồi tìm những giai thoại, truyền thuyết liên quan đến di tích để tăng tính hấp dẫn. Tiếp đến là xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan sạch đẹp và các dịch vụ.

Các nhà quản lý du lịch và các công ty lữ hành khi đưa khách đến các điểm du lịch, các làng nghề cần có cam kết rõ ràng về trách nhiệm của mỗi bên, để đảm bảo được đón tiếp, đồng thời tạo điều kiện để cộng đồng dân cư địa phương có thu nhập chính đáng và hướng dẫn họ cách làm du lịch bài bản. Những mô hình kinh doanh sản phẩm địa phương như của doanh nghiệp Hương Quê cũng rất đáng được nhân rộng.

Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục trùng tu các di tích, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định sẽ được xây dựng lại. Ngoài ra, tỉnh cũng đã có dự định xây thêm một Bảo tàng Chăm. Tất cả những điều này hứa hẹn sẽ mang đến nhiều thú vị cho du khách khi đến Bình Định.

Tuy nhiên, bên cạnh công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị của các di sản, hoạt động xúc tiến quảng bá là hết sức quan trọng. Ngoài ra, còn phải xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao - một yếu tố tiên quyết để phát triển văn hóa du lịch. Mà rõ ràng để làm được những điều này, cần sự xắn tay vào làm không chỉ của ngành văn hóa lẫn du lịch.

Theo báo Bình Định
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp