Các doanh nghiệp tổ chức du lịch tham gia Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM (ITE HCMC 2022) sáng 8-9, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - kỳ vọng ITE HCMC 2022 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, đẩy mạnh dòng khách lưu chuyển giữa các nước thông qua việc kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp du lịch Việt Nam với doanh nghiệp du lịch các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông Mãi, thông qua các cuộc gặp gỡ giữa cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp lữ hành, người mua, các bên sẽ tìm được nhiều giải pháp cho các vấn đề đang được quan tâm như phát triển du lịch theo chiều sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ và giá trị trải nghiệm cho du khách, tăng cường chuyển đổi số, truyền thông điểm đến...
"Tất cả hướng tới mục tiêu chung là phục hồi du lịch nhanh, bền vững", ông Mãi khẳng định.
Cùng ngày, tại diễn đàn du lịch cấp cao Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch bền vững được tổ chức trong khuôn khổ hội chợ du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng - bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết từ sau khi mở cửa du lịch hoàn toàn trở lại, Việt Nam liên tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50 - 75%.
Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7-2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ 2021.
Tuy vậy, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu COVID-19.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng du lịch Việt Nam cần những giải pháp đột phá, không chỉ nêu những khó khăn mà còn đề ra được những điểm nào cần tháo gỡ, nghẽn ở những quy định nào.
"Thực tế có những vấn đề mà ngành du lịch không thể tự giải quyết được, như câu chuyện giá điện, visa, thuế phí... Nhưng muốn có ngành kinh tế mũi nhọn chúng ta phải có giải pháp đột phá", phó thủ tướng khẳng định.
Cần chiến lược truyền thông hiệu quả
Chiều 8-9, tại buổi gặp gỡ giữa các tổng biên tập của cơ quan báo đài, văn phòng đại diện tại TP.HCM với ngành du lịch, ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - gợi ý TP.HCM cần đầu tư những sự kiện văn hóa như Festival âm nhạc đường phố tổ chức ở phố đi bộ, Lễ hội ánh sáng trên sông Sài Gòn, hay các sự kiện thể thao để thu hút nhiều du khách quốc tế.
Theo ông Chữ, các lễ hội Việt Nam rất nhiều nhưng số lễ hội đón được khách quốc tế rất ít, chỉ có một vài sự kiện thành công, tạo được tiếng vang như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Huế...
"Với những điều kiện về hạ tầng và con người, TP.HCM hoàn toàn đủ sức để tạo ra những sự kiện tầm vóc quốc tế hoặc các giải thể thao lớn của khu vực", ông Chữ khẳng định.
Ông Trần Trọng Dũng - phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cần xây dựng chiến lược về truyền thông du lịch. Trên cơ sở đó, các địa phương, nhất là các trung tâm du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... xây dựng chiến lược truyền thông du lịch phù hợp, việc phối hợp giữa ngành du lịch và các cơ quan báo chí cũng được bài bản và hiệu quả hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận