Sắp tới du khách đến một số nơi ở Ý như đảo Sardinia có thể phải xuất trình giấy chứng nhận âm tính với COVID-19 - Ảnh: Arab News
Du lịch buộc phải phục hồi vì quá nhiều sinh kế và nền kinh tế phụ thuộc vào nó. Nhưng để làm được điều này, toàn ngành buộc phải thay đổi.
Các quốc gia đang chạy đua với thời gian để ban hành các chính sách phù hợp nhằm phục hồi ngành công nghiệp này càng sớm càng tốt.
Hộ chiếu y tế
Để giúp ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch phục hồi nhanh chóng sau dịch, chủ tịch Hiệp hội Trí thức du lịch Indonesia (ICPI) Azril Azahari cho biết nước này thực hiện khử trùng tất cả các địa điểm du lịch, bao gồm cả khách sạn.
Đây là động thái nhằm lấy lại niềm tin của du khách, khiến du khách cảm thấy an toàn hơn khi tới Indonesia.
Ông Azahari cũng kêu gọi chính phủ cung cấp ưu đãi tài chính dưới hình thức giãn nợ cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời hỗ trợ tiền mặt cho nhân sự ngành du lịch.
Trái với Indonesia, nước Ý có cách tiếp cận khác. Chính quyền đảo Sardinia dự tính yêu cầu khách du lịch đến đảo phải có giấy tờ chứng minh kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Việc xét nghiệm phải được tiến hành trong vòng 1 tuần trước khi khách du lịch đến hòn đảo xinh đẹp này.
Nếu kế hoạch được phê duyệt thì trong thời gian tới khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, khách du lịch phải xuất trình giấy chứng nhận trước khi lên máy bay hoặc tàu tới đảo. Khi tới nơi vẫn phải kiểm tra thân nhiệt mới được vào.
"Bất cứ ai lên máy bay hoặc tàu sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận âm tính cùng với giấy tờ tùy thân. Tôi chắc chắn cách này sẽ hiệu quả: chúng tôi có thể bảo vệ sức khỏe du khách và phát triển kinh tế cùng một lúc" - thống đốc đảo Sardinia Christian Solinas nói với tờ Arab News sau cuộc gặp với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte.
Các hòn đảo khác ở Ý, bao gồm cả các điểm du lịch cao cấp nổi tiếng, cũng đang xem xét biện pháp tương tự, gọi là "hộ chiếu y tế".
Đây cũng là biện pháp mà EU đang cân nhắc áp dụng rộng rãi, giúp ngành du lịch của lục địa già phục hồi, cùng với khả năng mở ra "hành lang du lịch" giữa các quốc gia bằng cách thống nhất quy chuẩn chung trong việc phòng chống dịch COVID-19.
Một số nơi khác ở Ý tung ra nhiều ưu đãi hấp dẫn để thu hút du khách quay trở lại. Thị trưởng đảo Ischia của Ý đề nghị lắp nhiều bè nổi ngoài bãi biển, cho phép các cặp đôi và gia đình tận hưởng ánh nắng mặt trời và biển cả nhưng vẫn giữ khoảng cách với khách du lịch khác.
Sicily, hòn đảo lớn nhất Địa Trung Hải, thậm chí còn chơi lớn khi chi trả một nửa chi phí chuyến bay và 1/3 chi phí khách sạn cho du khách muốn đến thăm, cũng như cung cấp vé miễn phí thăm thú bảo tàng và nhiều địa điểm khảo cổ.
Riêng "thành phố kênh đào" Venice thì hướng tới du lịch thông minh. Thành phố này vốn đang chật vật với việc quá tải du khách, nay nhân lúc dịch bệnh bùng phát, họ dự kiến thay đổi mô hình du lịch.
Thay vì du lịch đại chúng như trước, Venice chú trọng hạn chế du khách, tạo điều kiện cho du khách hiểu nhiều hơn về nơi mình tham quan.
Nguồn: Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới - Đồ họa: T.ĐẠT
Công nghệ là mấu chốt
Các chuyên gia du lịch cho biết công nghệ sẽ là yếu tố chính trong sự phục hồi của ngành du lịch. Trong đó, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), du lịch theo hình thức không chạm sẽ phổ biến hơn.
Cụ thể, từ việc làm thủ tục, bước lên máy bay, kiểm tra an ninh cho đến nhận phòng đều sẽ được tự động hóa bằng công nghệ sinh trắc học. Công nghệ này đã được chấp nhận rộng rãi để xác minh danh tính và chúng sẽ ngày càng phổ biến hơn khi máy quét vân tay không còn được sử dụng.
Công nghệ sinh trắc học sẽ cung cấp nhiều tùy chọn hơn như quét vân tay không tiếp xúc, nhận diện mống mắt và khuôn mặt. Hơn nữa, công nghệ nhập dữ liệu cảm ứng thông qua điều khiển bằng cử chỉ hay lời nói cũng đang được thử nghiệm.
Một thay đổi khác của ngành du lịch là chú trọng nhiều hơn đến sức khỏe của du khách. Khảo sát của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy các biện pháp như khử trùng và đeo khẩu trang sẽ làm tăng cảm giác an toàn của hành khách khi du lịch sau mùa dịch.
Hiện tại vẫn chưa có quy chuẩn về mức độ rủi ro chấp nhận được, thành ra với sự đồng ý của hành khách, các công ty du lịch và hãng hàng không có thể sử dụng dữ liệu cá nhân như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và lịch sử du lịch để lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, tất cả đều được số hóa.
Tuy nhiên, số hóa hồ sơ thông qua công cụ và ứng dụng lại vướng phải vấn đề riêng tư và an toàn dữ liệu, nên phương pháp này vẫn đang nằm ở mặt lý thuyết.
Việt Nam nên thúc đẩy du lịch nội địa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Rob Lock - chuyên gia kinh tế và quản trị doanh nghiệp, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học UEF và Đại học Hoa Sen - cho rằng đối với Việt Nam, thị trường du lịch nội địa sẽ là lĩnh vực hồi phục nhanh chóng, cơ bản vì các cơ sở du lịch đã sẵn sàng.
"Vì vẫn còn nhiều tháng nữa trước khi biên giới các nước mở cửa cho du khách quốc tế, nên thúc đẩy du lịch nội địa trong lúc này sẽ có lợi cho nền kinh tế" - ông Rob Lock nhận định.
Theo chuyên gia Rob Lock, riêng với du khách quốc tế, Việt Nam có lợi thế lớn cạnh tranh vì là một trong những nước an toàn nhất để đi du lịch nhờ uy tín ứng phó dịch COVID-19 lên cao.
"Để không mất đi lợi thế này, cần nới lỏng có chọn lọc cho một số thị trường du khách, ví dụ như New Zealand hay Úc.
Thị trường du lịch Úc luôn rất sôi động, nên nếu mở cửa cho du khách Úc, Việt Nam có thể tăng doanh thu nhưng vẫn đáp ứng khả năng giới hạn số lượng du khách" - chuyên gia người New Zealand, hiện đang sống ở Việt Nam, nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận