Du khách phía Bắc đến Đà Nẵng dịp Tết Nguyên đán có thể ít hơn do tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại - Ảnh: TẤN LỰC
Dù thừa nhận sẽ bị thiệt hại do đã đầu tư lớn cho mùa kinh doanh tết, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch, lữ hành và cơ sở lưu trú... đang nỗ lực đàm phán với đối tác, khách hàng đề nghị chia sẻ khó khăn, chấp nhận thay đổi thời gian đi tour...
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM cho biết đã có "phương án B" cho du khách, chuyển sang tour đường bộ với điểm đến gần thay vì chọn tour phía Bắc như kế hoạch trước đó.
Chủ động phòng chống dịch
Ngày 29-1, khu du lịch sinh thái Suối Hoa (TP Đà Nẵng) ra thông báo hoãn lịch tổ chức lễ hội Toom Sara Fest ngay tại buổi họp báo giới thiệu lễ hội này. Ông Huỳnh Tấn Pháp, tổng giám đốc khu du lịch này, cho biết đây là quyết định khó khăn nhưng phải tạm hoãn lễ hội để đảm bảo an toàn cho du khách sau khi dịch bùng phát lại tại các tỉnh phía Bắc.
Theo dự kiến, lễ hội Toom Sara Fest sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16-2 (mùng 3 - mùng 5 tết) tại làng văn hóa Cơ Tu Toom Sara, huyện Hòa Vang. Tuy nhiên sau khi có thông tin dịch COVID-19 tái bùng phát tại một số tỉnh phía Bắc, nhiều cơ quan chức năng và du khách đặt vé đã gọi điện đến ban tổ chức, trong đó rất đông khách yêu cầu hủy vé và nhận lại tiền.
"Dù chưa có thông báo nào từ cơ quan chức năng, nhưng để chủ động phòng chống dịch, chúng tôi quyết định dời lễ hội, đồng thời tận dụng thời gian này xây dựng lại chương trình tốt hơn nhằm phục vụ du khách khi trở lại" - ông Pháp nói.
Cùng ngày, UBND TP Hội An đã ra thông báo tạm hoãn chương trình nghệ thuật thực cảnh Hội An Show và hẹn trở lại "vào một thời điểm thích hợp". Đây là hoạt động nghệ thuật được UBND TP Hội An, Hiệp hội Du lịch cùng cộng đồng doanh nghiệp phối hợp tổ chức với sự tham gia của hàng trăm diễn viên. Suốt một tháng qua, chương trình đã được dàn dựng cấp tốc, các diễn viên tập dượt ngày đêm và theo lịch sẽ lên sóng vào 20h tối 30-1.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - đại diện truyền thông của đơn vị tổ chức "Công viên Ấn tượng Hội An" - cũng quyết định hủy chương trình này dù đã đầu tư nhiều chi phí và công sức, chuẩn bị lễ hội tết xưa phục vụ du khách và người dân.
"Trong chương trình, chúng tôi dự tính gói hàng ngàn bánh tết để đem tặng bà con nghèo, người bán vé số ở Hội An nhưng vì dịch nên không thể thực hiện được. Anh em ai cũng rất buồn" - ông Sơn nói.
Dù chưa thông báo hủy nhưng chủ đầu tư một số lễ hội tết xưa tại Hội An, được chuẩn bị nhiều tháng nay, cũng đang "nín thở" chờ diễn biến của dịch. Ông Trần Thái Do - chủ Silk Sense Resort Hội An - cho biết vẫn chưa đưa ra quyết định hủy chợ Cam An, tái hiện tết xưa bằng hoạt động mặc áo dài, giao dịch bằng tiền xu. "Mình bỏ công sức, tiền của rất lớn vào phiên chợ này rồi, giờ dịch tới nếu căng quá thì buộc phải hủy" - ông Do nói.
Ban tổ chức thông báo hoãn lễ hội Toom Sara Fest ngay tại buổi họp báo giới thiệu lễ hội này vào ngày 29-1, do dịch COVID-19 tái bùng phát - Ảnh: TẤN LỰC
Cơ sở lưu trú kỳ vọng dịch không lan rộng
Việc hoãn, hủy hàng loạt chương trình, lễ hội mùa tết tại Hội An không chỉ gây hụt hẫng cho du khách, thiệt hại lớn cho đơn vị sản xuất mà hàng loạt khách sạn, nhà hàng và đơn vị tổ chức tour du lịch ở Hội An cũng khốn đốn.
Ông Vương Đình Mạnh - giám đốc La Siesta Resort Hội An - cho biết rất nhiều đoàn khách đặt phòng tại khu lưu trú này để thưởng thức chương trình Hội An Show nhưng đã hủy vào giờ chót vì show bị đình lại.
Trong khi đó, resort này cũng kỳ công chuẩn bị các chương trình tết và dự kiến bắt đầu chạy phục vụ khách từ ngày 27 tết, nhưng nay nhiều khách từ Hà Nội, các tỉnh phía Bắc đã hủy tour.
"Những khách nào đã đặt cọc tiền phòng, chúng tôi sẽ làm việc lại để chọn cách xử lý hài lòng khách nhất. Riêng các nhóm khách tới dự chương trình Hội An Show thì phần lớn chúng tôi nhận phòng qua trung gian, làm ăn với nhau thường xuyên nên không nhận cọc" - ông Mạnh nói.
Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn - giám đốc Công ty TNHH MTV Lữ hành Hội An, nhiều đoàn khách từ Hà Nội đặt tour vào Hội An dịp tết nhưng đã thông báo hủy do dịch.
"Chúng tôi đang làm việc với đối tác, nếu khách đồng ý tới Hội An vào một dịp khác sẽ không phải hoàn cọc, ngược lại thì mình cũng phải xử lý để khách không thiệt hại. Đau đầu nhất là khoản tiền chúng tôi đã đặt phòng ốc tại các khu lưu trú cho khách ở, khoản tiền này khá lớn nên công ty đang đàm phán với chủ các villa, resort" - ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, phó chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho biết việc các sự kiện và lễ hội tại Đà Nẵng cũng như Hội An thông báo hủy, hoãn vô thời hạn nên nhiều du khách đặt phòng trước đó đã gọi điện thông báo hủy phòng. Tuy nhiên, các khách sạn đang nỗ lực thuyết phục khách tạm hoãn chuyến đi, chờ tình hình dịch bệnh tạm lắng trước khi quyết định.
"Theo tôi, du khách nên bình tĩnh theo dõi tình hình và khuyến cáo của cơ quan chức năng trước khi quyết định đặt hoặc đổi tour. Bởi việc hủy phòng vào thời điểm này càng đẩy các khách sạn đến bờ vực" - ông Quỳnh nói.
Theo ông Đoàn Hải Đăng - chủ tịch Hội Lữ hành TP Đà Nẵng, DN du lịch chắc chắn bị ảnh hưởng nặng vì thị trường khách nội địa chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Do đó, ngành du lịch kỳ vọng dịch sẽ sớm được bao vây, khống chế, tránh lây lan trên diện rộng.
Nha Trang - Khánh Hòa là địa phương xa vùng dịch nên được nhiều du khách đặt phòng, tour trong dịp tết - Ảnh: MINH CHIẾN
Đo thân nhiệt, nhắc nhở du khách đeo khẩu trang
Ngày 29-1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã kích hoạt 4 chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại sân bay Phú Bài, ga Huế và hai bến xe liên tỉnh. Đặc biệt tại sân bay Phú Bài, hệ thống tầm soát nhiệt độ và đội ngũ y tế Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy sẽ túc trực 24/24 giờ để kiểm soát người dân, du khách đến Huế bằng đường hàng không. Các tuyến vận tải từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đến Huế cũng đã tạm dừng khai thác.
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn khẩn gửi các huyện, thị xã, sở ban ngành, trong đó nhấn mạnh công tác phòng dịch trong ngành du lịch. Sở Du lịch được yêu cầu phối hợp với Công an tỉnh rà soát các cơ sở lưu trú, kịp thời phát hiện khách du lịch từ vùng dịch chưa qua 14 ngày để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc - phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, đến nay các cơ sở lưu trú báo cáo chưa phát hiện đoàn khách du lịch đến từ Quảng Ninh, Hải Dương. "Ngay sau khi có công văn của UBND tỉnh, ngành du lịch đã rà soát các đoàn khách đến từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương nhưng chưa phát hiện. Đơn vị tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra rà soát để có phương án phòng chống dịch hiệu quả" - ông Phúc thông tin.
Cũng theo ông Phúc, hệ thống lưu trú ở Huế vẫn chưa ghi nhận việc du khách, các đối tác hủy tour, hủy phòng do dịch Covid-19. Ngành du lịch cũng đã yêu cầu các cơ sở lưu trú, điểm tham quan tăng cường công tác kiểm tra đo thân nhiệt, nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên.
Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách
Tại Khánh Hòa, các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành cho biết có nhận được thông báo hủy tour nhưng không nhiều, chủ yếu là khách phía Bắc. Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Đức - phó giám đốc Công ty CP du lịch Long Phú, đơn vị này cũng đề nghị du khách có thể lùi ngày đi, đồng thời giới thiệu các sản phẩm du lịch mới như mở thêm tour leo núi, khám phá rừng ngập mặn, xiếc thú... để giữ chân du khách.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại Nha Trang thiết kế đoàn ít người, rút ngắn tour theo yêu cầu của khách, tặng combo quà an toàn là khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và vitamin tăng sức đề kháng...
Ngoài ra, theo ông Lê Văn Sơn - tổng giám đốc khách sạn Liberty Nha Trang, đơn vị này cho khách thanh toán qua mã QR để hạn chế tiếp xúc giữa khách và nhân viên, xe đưa đón khách sau mỗi chuyến đi đều sẽ được khử khuẩn...
MINH CHIẾN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận