Người dân xếp hàng dài mua vé vào di tích lịch sử dinh Độc Lập - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Bảo tàng đông khách
Từ sáng sớm ngày 30-4, đông đảo người dân và du khách khắp nơi đổ về di tích lịch sử dinh Độc Lập (hội trường Thống Nhất) tham quan nhân dịp lễ 30-4.
Hàng trăm người xếp thành 2 hàng kéo dài tại khu vực bán vé, chủ yếu là sinh viên đi theo từng nhóm, nhóm khách gia đình...
Hàng trăm du khách chờ đợi mua vé - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
"Du khách đến với di tích lịch sử dinh Độc Lập với tỉ lệ khách trong nước và nước ngoài là 50/50. Năm nay, lượng khách nước ngoài vắng hẳn, khách Việt Nam duy trì ổn định và có phần nhích nhẹ" - đại diện ban quản lý cho biết.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, trong sáng 30-4, có hàng ngàn khách đến với di tích lịch sử dinh Độc Lập.
Gia đình chị Trần Thị Thu Hà (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có 8 người tham quan dinh Độc Lập từ sáng sớm.
"Đây là lần thứ hai, tôi và gia đình đến TP.HCM. Dinh Độc Lập là một trong những điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi sẽ tham quan nhà thờ Đức Bà, bến Nhà Rồng... Các điểm đến dù có đông đúc nhưng tôi rất thích vì không khí TP.HCM hôm nay dễ chịu" - chị Hà nói.
Gia đình chị Hà chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Bạn Đặng Lê Hữu Phước và Nguyễn Triều Hải Dương (học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10, TP.HCM) cũng chọn di tích lịch sử dinh Độc Lập tham quan dịp lễ này.
"Tham quan dịp lễ nhộn nhịp hơn, em được tiếp xúc với các cô, chú cựu chiến binh, quân dân và các mẹ Việt Nam anh hùng đến tham quan, em cảm thấy rất vui" - Đặng Lê Hữu Phước cho biết.
Các bảo tàng trên địa bàn TP.HCM cũng đón khách nhộn nhịp trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bà Trần Xuân Thảo - giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - cho biết một tuần qua bảo tàng đón khách khá đông, có nhiều khách nước ngoài, mỗi ngày có từ 400 đến 500 khách.
"Trong sáng nay, bảo tàng có khoảng 500 khách đến tham quan. Ngoài khách nước ngoài, còn lại chủ yếu là học sinh, sinh viên và nhóm khách gia đình" - bà Trần Xuân Thảo nói.
Du khách tham quan Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Ông Hoàng Anh Tuấn - giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - thông tin với Tuổi Trẻ Online, du khách đến bảo tàng dịp cuối tuần, đặc biệt dịp lễ này đã đông hơn. Trung bình mỗi ngày trên 250 khách tham quan.
Để thu hút du khách, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM kết hợp với Sở Du lịch TP.HCM triển khai giảm 20% giá vé. Ngoài ra, bảo tàng còn phối hợp Nhà hát Phương Nam biểu diễn múa rối nước mỗi ngày 4 suất phục vụ du khách.
Anh Lê Ngọc Hoàng và con trai - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Bảo tàng Áo dài tại 2 cơ sở ở quận 1 và thành phố Thủ Đức cũng có nhiều hoạt động phục vụ du khách bên cạnh các hoạt động triển lãm hiện có.
Tại 77 Nguyễn Huệ, quận 1, Bảo tàng Áo dài trưng bày triển lãm Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh và Áo dài cội nguồn (áo dài có hoa văn của dân tộc như trống đồng, hoa sen, chim hạc...). Triển lãm kéo dài đến hết tháng 5-2022. Còn tại Thủ Đức, Bảo tàng Áo dài có nhiều hoạt động mang tính tương tác, thu hút các bạn trẻ ghé thăm.
Các em học sinh trải nghiệm tại Bảo tàng Áo dài - Ảnh: Bảo tàng Áo dài
Bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Áo dài - mong muốn thông qua các hoạt động này sẽ góp phần mang đến cho các bạn trẻ những không gian văn hóa trải nghiệm thú vị.
Sợ bị 'hành xác', nhiều người chọn du lịch tại chỗ
"Năm nay tôi chọn du lịch tại Sài Gòn. Gia đình sẽ thuê khách sạn xịn ở hai ngày để các con trải nghiệm. Một phần cũng tránh cảnh chen lấn khi người người ùn ùn đi du lịch”, anh Nguyễn Văn Toàn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) chia sẻ.
Khách sạn Rex (quận 1, TP.HCM) ghi nhận lượng khách du lịch tại TP.HCM tăng vọt so với các năm trước - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Anh Toàn chia sẻ thêm những năm trước gia đình anh hay đi Đà Lạt hoặc Đà Nẵng, Nha Trang… để các con tắm biển. Gia đình anh ở khách sạn hạng trung, ăn uống chừng mực. Chi phí một chuyến đi gia đình 4 người khoảng 30 triệu đồng.
Nhưng đi về tới nhà là như đi "đày" vì sân bay, bến thủy, bãi biển đông như hội, mệt mỏi. Năm nay kinh tế eo hẹp, thay vì đi 4-5 ngày thì gia đình anh Toàn chọn khách sạn 5 sao ở TP.HCM ở hai đêm.
Các con sẽ bơi ở hồ bơi của khách sạn, ăn uống nghỉ ngơi, tham qua viện bảo tàng, Dinh Độc Lập. Tối đến cả nhà dắt đi bộ phố Nguyễn Huệ, trung tâm mua sắm…
Khá bất ngờ cho ông bà và và các con, khi chị Ái Thy (quận 1, TP.HCM) nảy ra ý tưởng nghỉ dưỡng dịp lễ… ngay sau nhà. Chị chọn khách khách sạn Continental (quận 1) với 2 phòng cho ông bà nội cùng gia đình nhỏ trải nghiệm ở đây.
Chị cho biết giá mỗi phòng gần 4 triệu đồng. Ăn sáng và cà phê ở đây, chiều gia đình đi bơi tại hồ bơi khách sạn. Tối cả nhà sẽ thử một lần ăn tối ở nhà hàng trên tàu Elisa. Sau đó đi bộ lang thang bên bờ sông ngắm thành phố về đêm.
"Tính ra khoảng 20 triệu cho 6 người, tiết kiệm được chi phí tàu xe, đi lại. Khi tôi đề xuất cả nhà đều hoan nghênh vì đây là nơi nghỉ rất quen, nhưng cũng rất lạ" - chị hồ hởi cho hay.
Du lịch "tại chỗ" tăng vọt
Du lịch tại chỗ giúp khách tránh được cảnh chen lấn, xô bồ kho đi du lịch xa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xu hướng du lịch tại chỗ, du lịch ngắn ngày tại nơi mình sinh sống là trào lưu xuất hiện gần đây, từ sau dịch COVID-19. Xu hướng này được nhiều người, nhiều gia đình lựa chọn để trải nghiệm, thay vì trước đây bỏ lỡ vì chọn du lịch… xa.
Không mất nhiều thời gian, công sức di chuyển, thậm chí phù hợp "ngân sách" hạn hẹp bị thắt lại của mỗi gia đình sau đại dịch COVID-19, nên du lịch gần được đánh giá có những điểm cộng. Đây là xu hướng du lịch "nhẹ nhàng" nhiều người hướng đến.
Ông Phan Thanh Long, giám đốc Khách sạn Rex (quận 1, TP.HCM) cho hay: đi chơi, nghỉ dưỡng ở chính nơi mình sống là xu hướng du lịch nổi lên thời gian gần đây. Đặc biệt cho gia đình, người ở lứa tuổi trung niên.
Xu hướng du lịch này phụ thuộc tuổi tác, túi tiền ổn định của khách. Họ không thích đi xa nên chọn những nơi gần để trải nghiệm, để nghỉ dưỡng, đủ bình yên và an toàn, thỏa mái.
"Theo thống kê của khách sạn chúng tôi, 40% khách đặt phòng là người sống tại TP.HCM. Đây là con số rất cao, tăng đột biến so với năm trước" - ông Long cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận