Phú Quốc, Kiên Giang đã đón hơn 200 du khách Hàn Quốc đến đảo ngọc du lịch nghỉ dưỡng vào ngày 20-11-2021 - Ảnh: CHÍ CÔNG
Sau một thời gian mở cửa đón khách quốc tế, lượng du khách vẫn chưa như kỳ vọng, vì vậy, để tạo cú hích trong năm 2022, du lịch Việt Nam còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Mong đón khách kiều bào
Bà Trần Nguyện, đại diện Tập đoàn Sun Group, cho biết chương trình thí điểm đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vắc xin giai đoạn 1 còn nhiều bất cập khiến việc đón khách chưa đạt hiệu quả. "Chúng tôi dù rất sẵn sàng nhưng cũng chưa thể mở cửa đồng loạt, bởi lượng khách không thể đảm bảo chi phí vận hành", bà Nguyện nói.
Đây cũng là tình hình chung của toàn thị trường, vì vậy, ngay khi Chính phủ thông qua kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, các doanh nghiệp rất kỳ vọng vào nguồn khách kiều bào, người Việt hồi hương.
Ông Nguyễn Thế Lam, chủ tịch Hội đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc, chia sẻ: "Chúng tôi chỉ mong có lượng khách Việt kiều, người Việt hồi hương mới có thể cứu được thị trường phần nào, vì đây là những người mong muốn về Việt Nam nhất, bất kỳ trong hoàn cảnh nào và sẵn sàng chi tiêu lúc này".
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, trong giai đoạn hiện nay, ngành du lịch kỳ vọng nhất vào nguồn khách là người Việt ở nước ngoài hồi hương. Mọi năm, mỗi dịp trước và sau Tết, lượng khách này đi tour trong nước rất nhộn nhịp.
Chính sách thị thực nên đi trước
Ông Nguyễn Minh Mẫn, giám đốc truyền thông - marketing Công ty du lịch TST Tourist, cho biết việc giảm số ngày cách ly từ 7 xuống 3 ngày với người nhập cảnh giúp mở ra cơ hội đón thêm khách kiều bào, người Việt hồi hương.
Trong bối cảnh mùa khai thác khách du lịch quốc tế gần như đã qua cao điểm thì du khách Việt kiều có thể là "chiếc phao" cho mở cửa trong năm 2022. "Đây là điều hoàn toàn phù hợp với xu hướng sống cùng dịch và trên thực tế tại Việt Nam, khi độ phủ vắc xin đủ 2 mũi cao lên thì áp lực y tế và các vấn đề khác cũng giảm xuống rõ rệt", ông Mẫn nói.
Tuy nhiên, theo ông Mẫn, điều lấn cấn hiện nay là TP.HCM là nơi các chuyến bay quốc tế tấp nập nhất cả nước, nhưng không được tham gia đón khách quốc tế thì hiệu quả sẽ khó. Kế hoạch thí điểm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ từ 1-1-2022 vẫn chưa nêu rõ điểm đón đầu và cuối là những sân bay nào. Đề xuất của TP.HCM được đón khách quốc tế từ tháng 12 đến nay vẫn chưa có hồi âm. Trong khi đó, để đón khách quốc tế, các doanh nghiệp cần chuẩn bị ít nhất trước 3 tháng, trong đó phải có lịch trình cụ thể, chương trình, ngày giờ chuyến bay, nghĩa là mọi thứ phải rõ ràng.
Ông Nguyễn Khoa Luân, tổng giám đốc Công ty du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off, cho biết rút kinh nghiệm từ chương trình mở cửa thí điểm, chính sách thị thực cởi mở cần đi trước. "Chúng ta cần kéo dài thị thực cho một số thị trường chiến lược của Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu, Nga, Úc, đặc biệt là Mỹ, khi chúng ta đã có các chuyến bay thẳng tới Mỹ. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng thêm các nước mở đường bay quốc tế như đi châu Âu, Úc vốn được kiểm soát dịch tốt và dung lượng thị trường người Việt ở nước ngoài nhiều, nhất là sát dịp Tết Nguyên đán", ông Luân nói.
Đã đến lúc người Việt được đi du lịch nước ngoài?
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều nước đã chính thức mở cửa, chúng ta cũng nên mạnh dạn mở lại dịch vụ đưa người Việt đi du lịch nước ngoài, trước mắt là những nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia. Việc duy trì được các chuyến bay 2 chiều không chỉ giúp phục hồi du lịch song phương, mà còn đảm bảo nguồn khách lấp đầy các chuyến bay, góp phần giảm giá vé, giảm chi phí, kích cầu, tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trong giai đoạn đầu mở cửa lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận