21/04/2019 09:47 GMT+7

Du lịch miệt vườn miền Tây 'đói khách'

MẬU TRƯỜNG - NGỌC TÀI
MẬU TRƯỜNG - NGỌC TÀI

TTO - Thiên nhiên ưu đãi, sông nước hữu tình, miệt vườn trù phú, nhưng du lịch miền Tây Nam Bộ vẫn đang phát triển èo uột, lượng du khách đến và lưu trú tại các địa phương trong khu vực này rất khiêm tốn.

Du lịch miệt vườn miền Tây đói khách - Ảnh 1.

Điểm du lịch vườn xoài Năm Phích tạm đóng cửa do không hiệu quả để tập trung làm kinh tế vườn - Ảnh: NGỌC TÀI

Theo báo cáo của các địa phương, trong năm 2018 lượng khách du lịch đến Tiền Giang chỉ đạt khoảng 2 triệu lượt, Bến Tre khoảng 1,6 triệu lượt, Đồng Tháp khoảng 3,6 triệu lượt khách và Cần Thơ khoảng 8,4 triệu lượt...

Theo các chuyên gia, việc thiếu đồng bộ trong đầu tư, sự thờ ơ của các cấp chính quyền và đặc biệt là ô nhiễm tiếng ồn, rác thải... là những nguyên nhân khiến miền Tây chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Vắng khách, nhiều homestay đóng cửa

Thời gian gần đây, điểm tham quan vườn xoài Năm Phích tại cồn Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) của ông Lê Văn Thành đã quyết định không đón khách tham quan, nếu có khách đoàn ông sẽ cân nhắc chuẩn bị để phục vụ.

Giải thích lý do tạm ngưng hoạt động, ông Năm cho biết quá vắng khách, trong khi việc thuê nhân công phục vụ, nấu nướng rất tốn kém.

"Tạm thời ngưng một thời gian, khi có doanh nghiệp về đầu tư khu du lịch quy mô tui sẽ mở lại" - ông Năm phân trần.

Cồn Tân Thuận Đông từng được kỳ vọng phát triển thành làng du lịch nhưng các điểm du lịch tại đây hiện đang rơi vào trạng thái "ngủ đông". Ngay bến phà qua cồn, hai quầy hàng bán đặc sản xuống cấp trầm trọng, không còn hoạt động trưng bày, mua bán.

Sự phát triển ào ạt nhưng không đồng bộ là nguyên nhân khiến nhiều điểm du lịch ở Đồng Tháp đang sống trong cảnh lay lắt, dù địa phương này được đánh giá có tiềm năng phát triển ngành du lịch rất lớn.

Tại điểm homestay Huỳnh Gia (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), bà Trương Thị Định (chủ nhà) đón chúng tôi với nét mặt ái ngại và liên tục phân bua vì bận lo cho vườn xoài nên bỏ bê nhà cửa.

Theo bà Định, gia đình bà đã đầu tư tiền tỉ nhưng hơn một năm, homestay này chỉ đón vỏn vẹn hai đoàn khách đến lưu trú và ăn trưa, với kết quả tổng kết lại bị lỗ!

Theo bà Định, do chỉ duy nhất gia đình bà làm du lịch trong khi làng nghề dệt chiếu, chợ chiếu hay đình làng đều không có động thái cùng chung tay để thu hút khách.

Không có sự đồng bộ trong vận động cộng đồng làm du lịch, điểm thu hút khách không có gì đặc biệt nên không hút được khách xa đến lưu trú.

"Thấy hai đoàn đến đây ăn uống vui vẻ, nghỉ trưa mát mẻ nhưng rồi sao không thấy giới thiệu ai về. Các công ty du lịch lữ hành lại càng không thấy đâu" - bà Định nói.

Ông Phan Văn Thông, giám đốc khu du lịch Cồn Phụng (Bến Tre), cho biết đang có hiện tượng nhà nhà làm homestay, người người làm homestay nhưng chất lượng dịch vụ không đảm bảo.

"Không khéo thì đến một lúc nào đó chúng ta lại giẫm chân lên nhau, cạnh tranh nhau bằng cách đưa ra những quảng bá, quảng cáo không đúng sự thật" - ông Thông khuyến cáo.

Trong thực tế, nhiều điểm homestay không dùng những hình ảnh du lịch của Bến Tre mà lấy hình ảnh của... Thái Lan để đánh bóng và câu khách, bị cộng đồng mạng "bóc phốt", đòi tẩy chay khi cho rằng người dân Bến Tre "làm du lịch theo kiểu lừa gạt".

Du lịch miệt vườn miền Tây đói khách - Ảnh 2.

Dịch vụ đi xe ngựa do các điểm du lịch ở Bến Tre phục vụ - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Khó phát triển du lịch nếu không chung tay

Tại cuộc họp mặt doanh nhân du lịch tỉnh Bến Tre mới đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng có quá nhiều "sạn" đang gây ảnh hưởng đến phát triển du lịch miệt vườn .

Ông Phan Văn Mãi, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết đã đi thực tế đến một số điểm du lịch ở miền Tây, cảm nhận ban đầu là các phòng nghỉ đẹp, dịch vụ tốt nhưng các điểm này cũng là chỗ bán cà phê, tổ chức ăn nhậu.

"Chúng ta than phiền về việc các homestay bị ảnh hưởng bởi những tiếng ồn, bàn nhậu của hàng xóm mà ngay trong các homestay lại bày bàn nhậu thì ai chịu cho nổi" - ông Mãi đặt vấn đề.

Theo ông Mãi, trước hết các doanh nghiệp du lịch cần phải xác định rõ mô hình kinh doanh, đối tượng phục vụ ngay từ đầu để đầu tư và đặc biệt quan tâm đến nét riêng, nét mới, đào tạo đội ngũ để nâng cao chất lượng phục vụ.

Ngoài ra, phải có sự tập trung của cả hệ thống chính trị, có sự vào cuộc đồng bộ từ các sở, các ngành.

"Thời gian tới các ngành chức năng tỉnh Bến Tre sẽ lấy ý kiến các doanh nghiệp hoạt động du lịch, trong đó vấn đề quan trọng là phải làm gì để tạo sự khác biệt, tạo một thương hiệu du lịch cho Bến Tre nhằm định hướng tốt về du lịch" - ông Mãi nói.

Ông Võ Tiến Thành, giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết đang rất lo ngại việc các địa phương tự phát làm du lịch trong khi tài nguyên du lịch không lớn, xung quanh chưa có nhiều lựa chọn kết nối du lịch...

"Có một thực tế là các địa phương muốn đẩy mạnh du lịch cho có cái để... báo cáo. Người dân cũng muốn làm du lịch nhưng bản thân chưa hình dung sẽ phục vụ ai, các khâu quảng bá, quản lý, kết nối với các công ty du lịch lữ hành chưa thuần thục nên cũng khó" - ông Thành chia sẻ.

Do đó, theo ông Thành, cần có những quy hoạch cụ thể, khu nào phát triển du lịch cộng đồng, khu nào làm du lịch thuần túy gắn với tài nguyên du lịch chứ không làm tràn lan. Riêng trung tâm sẽ đẩy mạnh hỗ trợ, quảng bá, tổ chức các đoàn farmtrip.

"Tuy nhiên, bản thân các điểm du lịch cũng tăng cường học hỏi, nâng cao chất lượng dịch vụ vì chính sự hài lòng của du khách mới quyết định sự tồn tại, phát triển của các điểm du lịch" - ông Thành khuyến cáo.

Theo ông Lê Minh Hoan - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, làm du lịch là phải có tính văn hóa, nếu không đừng nghĩ đến du lịch bền vững. Bởi khách đến đâu chỉ để ngắm đồng sen bát ngát, đâu chỉ thưởng thức bữa ăn "hương đồng gió nội", mà còn để trải nghiệm về những con người thân thiện, mến khách, hào sảng.

Du khách bị "tra tấn" bởi rác và tiếng ồn

Theo bà Vũ Thị Hằng - đại diện điểm du lịch Bến Tre Garden Farmstay (xã Phước Xuân, huyện Châu Thành, Bến Tre), vấn nạn ca hát bằng loa kẹo kéo không chỉ gây phiền hà cho hàng xóm mà trực tiếp ảnh hưởng đến ngành du lịch miền Tây, trở thành một hình ảnh không đẹp mắt trong lòng du khách.

ban tre vot rac tai ben tau tren song ben tre 4(read-only)

Các bạn trẻ vớt rác tại bến tàu du lịch trên sông Bến Tre, Bến Tre - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

"5h sáng người ta đã mở tivi, nhưng không chỉ mở âm thanh vừa đủ trong nhà nghe mà tôi ở cách đó cả 100m, đóng cửa phòng vẫn còn nghe. Rồi 7h sáng đã nhậu, nhậu rồi mở loa hát hò, gào thét. Đến nỗi khách du lịch than phiền, rồi trả phòng trước thời hạn để chuyển đi nơi khác vì không chịu nổi" - bà Hằng bức xúc nói.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ngao ngán với tình trạng rác thải, túi nilông vứt bừa bãi khắp mọi nơi khiến khách du lịch lắc đầu mỗi khi đi du lịch Bến Tre.

MẬU TRƯỜNG - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp