07/12/2013 03:00 GMT+7

Du lịch học tập

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Có lẽ hiếm trường phổ thông nào mạnh dạn cho học sinh đi tham quan thực tế ở những địa phương địa đầu Tổ quốc, cho thuyết trình ở di tích lịch sử... như Trường THCS và THPT tư thục Thái Bình (TP.HCM).

eKahm2Jr.jpgPhóng to
Học sinh Trường Thái Bình kết hợp học môn hóa khi tham quan, thực tế tại Công ty supe phôtphat và hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ)- Ảnh: Gia Gia

Học trò có được gì sau những chuyến đi thực tế hay chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, chụp vài tấm ảnh lưu niệm rồi lại quay về với sách vở, lý thuyết khô khan. Đó là điều ban giám hiệu Trường THCS và THPT tư thục Thái Bình (TP.HCM - gọi tắt là Trường Thái Bình) dành nhiều công sức và thời gian để nghiên cứu, thực hiện và rút kinh nghiệm suốt bốn năm qua. Kinh phí là một chuyện, chỉ riêng thời gian tổ chức học tập thực tế giữa chương trình dày và nặng của bậc phổ thông đã khiến các trường ngần ngại đầu tư vào công tác này.

Trải nghiệm từ những chuyến đi

Ông Trần Khắc Huy (trưởng phòng công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM):

Không phải những chuyến đi vô bổ

Du lịch học tập ngoài tỉnh đã khó, Trường Thái Bình còn tổ chức cho học sinh đi cả nước ngoài. Tất nhiên việc tổ chức đòi hỏi có sự hỗ trợ, xã hội hóa từ phụ huynh. Phải có sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của phụ huynh mới làm được. Và nhà trường cũng đã chứng minh rằng đây không phải những chuyến đi chơi vô bổ, mà quan trọng là giáo dục các em được những gì sau mỗi chuyến đi.

Cuốn sổ tay học tập thực tế do Trường Thái Bình biên soạn được thiết kế rất chuyên nghiệp và đầy đủ về cả nội dung lẫn hình thức. Cuốn sổ tay của khối 10 dành cho chuyến du lịch học tập tại đảo Phú Quốc có năm phần. Phần một là thông tin về chương trình học tập với các thông tin, hình ảnh tổng quan về đảo Phú Quốc (vị trí địa lý, tài nguyên, khí hậu, văn hóa, tôn giáo, tiềm năng du lịch, kinh tế...). Phần hai là những gợi ý tích hợp bài học: tham quan làng chài cổ Hàm Ninh kết hợp thực tế môn sinh học và vật lý; thăm rừng nguyên sinh và tập làm ngư dân kết hợp học tập các môn sinh học, lịch sử, địa lý và tiếng Anh; thăm di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc để học môn lịch sử; tham quan trang trại ngọc trai để tìm hiểu môn sinh học...

Trong kế hoạch ba ngày tham quan được thiết kế hết sức tỉ mỉ, những bài học được tích hợp là Ba định luật Newton, Lực hấp dẫn, Chuyển động ném ngang của môn vật lý; bài Quang hợp và Quá trình tổng hợp và phân giải các chất vi sinh vật ở môn sinh học; bài Sóng, thủy triều, dòng biển và bài Vai trò, các nhân tố ảnh hưởng và đặc điểm các ngành dịch vụ ở môn địa lý; và bài Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, Khái quát văn học dân gian VN của môn văn...

Chuyến đi của học sinh khối 12 của trường vừa kết thúc ngày 9-11 vừa qua. Hơn 100 học sinh đã được đến các địa danh tại Phú Thọ - Hòa Bình - Ninh Bình và Hà Nội để du lịch học tập. Trước đó, nhà trường đã gửi công văn đến các địa điểm tham quan, các công ty... kèm theo phần giáo án bài học để xin được hỗ trợ. Các công ty du lịch tại các địa phương cũng phối hợp chuẩn bị lịch trình. Giáo viên từng bộ môn chọn các bài học có thể ứng dụng trong chuyến đi, giáo án từng bài được in đầy đủ với các phần tranh ảnh minh họa, thông tin tham khảo ngay trong cuốn sổ tay để học sinh có kiến thức nền trước khi tham quan.

Chuyến thăm kết hợp học tập môn lịch sử tại di tích lịch sử đền Hùng, học môn hóa tại Công ty cổ phần supe phôtphat và hóa chất Lâm Thao, học ngữ văn tại nhà sàn ở Mai Châu, học vật lý tại thủy điện Hòa Bình, học môn sinh tại rừng quốc gia Cúc Phương đã giúp học sinh có hình dung rõ rệt hơn về những bài học tưởng chừng khô khan, lý thuyết.

Cảm nhận và chia sẻ

Ngoài bảy trang để trống dùng để học sinh “Ghi chép học tập thực tế”, phần cuối của mỗi cuốn sổ học tập thực tế là gần chục trang giấy để học sinh ghi nhật ký, chia sẻ những cảm nhận của mình về chuyến đi. Sau những chuyến du lịch học tập, học sinh đã trưởng thành hơn qua từng trang viết như thế này. Nhiều em đã thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về cuộc sống.

Sổ tay thực tế khối 12 năm học 2012 của học sinh Nguyễn Thị Yến Thanh, lớp 12A2, trong chuyến đi Hà Nội - Hòa Bình - Quảng Ninh, nhật ký ngày thứ ba ghi: “Từ nhỏ đến lớn sống ở quê với ngoại nên khung cảnh quê sớm mai làm tôi ứa nước mắt. Người dân vùng này chăm chỉ và cần cù thật. Họ dậy rất sớm, chăm lo đồng áng và chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà để kịp giờ ra đồng. Sáng nay tôi được ăn sáng rất ngon. “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” mà, xôi và thịt kho vừa lạ vừa ngon. Ăn xong tôi được cùng các bạn đi khắp xóm làng, cùng nhau tìm hiểu vị trí địa lý, phong tục nơi đây để trả lời những câu hỏi ở bộ môn văn. Rời Mai Châu, buồn quá đi. Nhớ Mai Châu, nhớ nhà sàn, nhớ tình cảm người dân nơi đây, nhớ những kỷ niệm rất ngắn nhưng in sâu mãi trong tôi...”.

Nhật ký của Nguyễn Chấn Nghi, học sinh lớp 12A2 năm học 2013-2014 trong chuyến du lịch học tập tại khu du lịch Tràng An - Ninh Bình: “Cảnh ở đây đẹp lắm nhưng tôi cũng biết để có được những dịch vụ như thế này, người dân ở đây đã phải hi sinh rất nhiều. Chồng bỏ xứ đi làm ăn xa kiếm sống, những phụ nữ phải ở nhà nuôi con với nghề chèo thuyền đưa khách đi tận hưởng phong cảnh tuyệt vời này. Các cô vất vả như thế mà đồng lương lại ít”.

Chị Mai Lan Phương (phụ huynh lớp 12A2 Trường Thái Bình):

Trưởng thành, tự tin, tự giác

Hiểu được lợi ích của những chuyến đi này, nhiều lúc chính tôi đã động viên các phụ huynh khác tham gia chương trình. Phần kinh phí trên dưới 10 triệu đồng đối với một số phụ huynh có lẽ khá cao. Nhưng một chuyến đi bảy ngày ra miền Bắc, vé máy bay đã vài triệu, chưa kể chi phí ăn ở, tham quan, nên nếu gia đình có điều kiện, khoản chi phí này có thể chấp nhận được. Điều đáng nói là sau mỗi chuyến đi, các cháu trưởng thành lên rất nhiều, tự tin trong giao tiếp, ứng xử, kiến thức, trải nghiệm nhiều lên và đặc biệt là tinh thần tự giác rất cao.

Lê Thúy Hòa (hiệu trưởng Trường Thái Bình):

Phải có sự đồng thuận của phụ huynh

Để tổ chức được hoạt động học tập ngoài trường học, trước hết phải có sự đồng thuận của phụ huynh trên nguyên tắc tự nguyện. Rất may là phụ huynh của trường rất hưởng ứng những hoạt động giúp con họ trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống.

Về vấn đề kinh phí tổ chức, không phải cứ “chơi sang” mới thực hiện được du lịch học tập. Không có tiền vẫn có thể tổ chức học tập ngay tại thành phố với các công ty, xí nghiệp, bảo tàng, Thảo cầm viên... Vấn đề là tổ chức như thế nào hay chỉ là hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”. Với các chuyến đi xa, nếu điều kiện kinh tế cho phép sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho học sinh, các em trải nghiệm được rất nhiều điều. Năm nay tỉ lệ học sinh tham gia các chuyến đi xa hơn 80%, gần 100% học sinh tham gia các chuyến gần.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp