Du khách nghỉ hè tại một resort ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, vào giữa tháng 6-2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy vậy, kinh doanh du lịch hè năm nay, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt hai rủi ro lớn là giá tour chịu tác động của giá xăng dầu và sự thiếu hụt nhân sự ở các điểm đến đông khách.
Hàng triệu lượt khách lên đường
Ông Trần Quốc Bảo, phó tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, cho biết trong hè 2022 dự kiến công ty phục vụ hơn 280.000 lượt khách. Và con số này có thể cao hơn do nhu cầu của thị trường về du lịch trong và ngoài nước vẫn đang tăng mạnh.
Chùm tour trong nước của đơn vị này hiện đã phủ khắp các tỉnh thành trên cả nước, với số ngày tour trung bình từ 3 đến 8 ngày. Xu hướng phổ biến nhất là tour du lịch biển, du lịch vùng cao Đông Tây Bắc, du lịch xanh về nguồn hướng đến thiên nhiên và du lịch cộng đồng.
"Hè là mùa cao điểm nhất trong năm, do vậy chúng tôi tập trung mọi nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đầu tư làm mới hầu hết các sản phẩm phù hợp tình hình thị trường hiện nay. Ước tính đã có 160 sản phẩm du lịch trọn gói được xây dựng để phù hợp xu hướng của thị trường, đáp ứng yêu cầu về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, ẩm thực", ông Bảo thông tin.
Tại Vietravel, mỗi ngày đều có tour khởi hành đưa khách lên đường. Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - phó tổng giám đốc Vietravel, không chỉ bùng nổ về số lượng mà cách đi du lịch của khách Việt năm nay cũng khiến thị trường ngạc nhiên.
"Điều bất ngờ là khách gia đình sẵn sàng chi tiêu cho các tour cao cấp, yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống. Từ cuối tháng 5, các dòng sản phẩm có lưu trú ở khách sạn 4-5 sao đã được book kín ở một số khu vực như Phú Quốc, Đà Lạt hay đi xa hơn là các tỉnh phía Bắc như Sa Pa...", bà Phương Hoàng nói.
Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cũng ghi nhận xu hướng tương tự, khi đại diện doanh nghiệp này cho biết mùa du lịch hè bước vào giai đoạn "nóng" hơn từ đầu tháng 6.
"Hiện các dòng tour biển đảo, cao nguyên... tránh nóng vẫn đang là nhóm tour bán tốt nhất. Với các tuyến Phú Quốc và Côn Đảo, du khách phải đặt tour từ sớm để giữ được chỗ và giá hợp lý" - bà Trần Thị Bảo Thu, giám đốc marketing và truyền thông doanh nghiệp này, lưu ý.
Người dân ồ ạt đặt vé, giá tăng cao
Trước áp lực giá xăng dầu tăng cao, giá vé máy bay đến các điểm du lịch nội địa trong dịp cao điểm hè rơi vào tình trạng nhích giá từng ngày, dải vé giá rẻ đã cạn.
Theo khảo sát, khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến tháng 8-2022, một số chặng bay đang tạo ra sức hút lớn như Hà Nội, TP.HCM đến Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Đà Lạt... đang là điểm đến được yêu thích và có tốc độ mua vé nhanh nhất trong dịp hè này. Ghi nhận giá vé cao gấp gần 4 lần cùng kỳ 2 năm trước.
Anh Ngọc Quỳnh, quê Đà Nẵng, cho biết đang tính cho gia đình gồm 5 người đi chơi ở Phú Quốc vào giữa tháng 7 nhưng giá vé tăng cao cộng với tiền phòng khách sạn 3-4 sao, chưa kể ăn uống đã ngót nghét 30 - 35 triệu đồng.
Anh Quỳnh cho biết giá vé rẻ nhất của Vietjet cho mỗi người chặng khứ hồi Đà Nẵng - Phú Quốc hơn 3,7 triệu đồng/vé, tính ra cả gia đình 5 người tốn gần 19 triệu đồng tiền vé. Cùng thời điểm này, vào những dịp du lịch hè trước đó, vé chỉ khoảng 9 - 12 triệu đồng.
"Tôi phải canh sáng sớm hoặc tối muộn mới có được vé giá hợp lý. Giờ phải chốt sớm chứ sợ vài ngày nữa giá lại tăng" - anh Quỳnh nói.
Các đại lý bán vé máy bay khẳng định thời điểm hè không dễ mua được giá ưu đãi, nếu có chỉ 1 - 2 chỗ trên chuyến bay mở bán với giá rẻ nhưng cộng thuế phí vào đã lên đến tiền triệu. "Giá xăng đang tăng mạnh, không có chuyện hàng không giảm giá vé. Càng mua gần ngày bay chắc chắn giá vé sẽ đắt đỏ hơn. Để chủ động chọn lựa giờ bay và giá tiền hợp lý, hành khách cần mua vé sớm" - anh Hai Hoàng, chủ đại lý vé máy bay tại quận Tân Bình, TP.HCM, khuyến nghị.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp hàng không, cao điểm hè dự báo ghi nhận sự gia tăng chưa từng có của nhu cầu đi lại bằng máy bay trong vòng 3 năm qua tính từ khi dịch bệnh xuất hiện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Vietjet cho biết tốc độ đặt vé đi trong dịp hè ở mạng bay nội địa tăng rất mạnh, cao hơn cả dịp 30-4 vừa qua. Tần suất khai thác cao điểm giữa tháng 7 lên đến 450 chuyến bay/ngày (bao gồm nội địa lẫn quốc tế), thay vì trung bình 200 - 300 chuyến như trước đó.
Ông Đặng Anh Tuấn - trưởng ban truyền thông của Vietnam Airlines - khẳng định dịp hè sẽ là "cứu cánh" để hàng không bắt nhịp phục hồi. Hãng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực khai thác phục vụ hành khách.
Tour đi nước ngoài cũng nóng lại
Thị trường du lịch nước ngoài (outbound) cũng nhộn nhịp từ đầu tháng 6. Hè năm nay, thị trường này cùng "chia sẻ" bớt thị phần du lịch nội địa khi nhiều điểm đến hot đang dần được mở cửa đón khách trở lại như các tuyến Đông Bắc Á, châu Âu...
Hiện chùm tour du lịch nước ngoài đã triển khai đến hơn 25 quốc gia trên thế giới: Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Ý, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Bỉ, Hà Lan, Anh - Scotland, Úc, Dubai - Abu Dhabi, Thổ Nhĩ Kỳ, Maldives, Hy Lạp, Nam Phi, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia... với hành trình 4 - 11 ngày.
Ông Bùi Thế Duy, giám đốc điều hành Lửa Việt Tourist, cho biết tour nóng nhất hiện nay là đi châu Âu. "Lịch xin visa cho du khách đoàn đi châu Âu làm không kịp "thở", tour đi Thái Lan cũng đã kín đến hết tháng 6. Riêng tour đi Hàn Quốc đang rục rịch, chờ hướng dẫn từ phía nước bạn là bung ra bán", ông Duy nói.
Du lịch và ám ảnh giá xăng dầu
Theo các doanh nghiệp, tình hình kinh doanh đang phục hồi khá tốt nhưng bài toán kinh doanh du lịch hè hiện nay là giá tour đang bị đội khá cao.
Ông Bùi Thế Duy, giám đốc điều hành Lửa Việt Tourist, nói giá xăng vượt 32.000 đồng/lít đang đẩy chi phí đầu vào tất cả dịch vụ lên từ 10 - 30%. Nhưng một yếu tố "đẩy" giá tour lên cao không kém là cung cầu thị trường. "Bao giờ cũng vậy, những thị trường có lượng khách đổ về nhiều thì tăng giá nhanh hơn so với các thị trường khác mà hiện nay đã xảy ra ở Phú Quốc, Côn Đảo... Do đó, để giảm chi phí cho du khách, công ty du lịch cũng tư vấn khách cân nhắc chuyển đến các điểm đến có chi phí tăng ít hơn, như cũng về biển thì có thể đi Phan Thiết, Nha Trang... ".
Khách đoàn "bùng nổ" sớm
Khách tour đông đúc tại sảnh làm thủ tục chuyến bay ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: CÔNG TRUNG
Theo các công ty du lịch, lữ hành, sự khác biệt lớn nhất cho mùa hè 2022 là việc bùng nổ rất sớm của các chương trình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội họp) ngay từ đầu tháng 5. Chỉ riêng trong tháng 5, Lữ hành Saigontourist đã phục vụ hơn 45.000 khách MICE trên toàn quốc. Dự kiến trong mùa hè này, đơn vị này tiếp tục phục vụ hơn 150.000 khách MICE khởi hành ở tất cả 18 chi nhánh trên toàn quốc.
Tương tự, Vietravel, TST tourist, Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cũng ghi nhận sức hồi phục của dòng khách MICE đã cao hơn so với cùng kỳ trước dịch ít nhất 15 - 20%. Các điểm đến dành cho du lịch MICE không thay đổi quá nhiều, những thành phố lớn hay điểm đến đáp ứng yêu cầu về hạ tầng như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu, Phú Quốc, Hà Nội... là những tuyến đang được chọn nhiều nhất cho du lịch MICE nội địa.
Theo Tổng cục Du lịch, 5 tháng đầu năm khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365.300 lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa đạt khoảng 48,6 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 211.000 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận