Nắng nóng bức xuyên suốt kỳ nghỉ, phần lớn du khách lựa chọn các điểm đến là biển như Phú Quốc, Nha Trang, vịnh Hạ Long... hoặc các điểm du lịch có khí hậu mát mẻ hơn như Đà Lạt, Măng Đen.
Đối với du khách TP.HCM, các điểm đến du lịch gần như Phan Thiết, Vũng Tàu... được lựa chọn khá nhiều.
Du lịch đường bộ tăng, tour hàng không giảm
Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, để "né" việc phải bỏ ra chi phí quá cao khi di chuyển bằng máy bay, nhiều du khách đã chuyển hướng sang chọn tour du lịch đường bộ. Không những đi gần mà du khách cũng chọn phương án "về nhanh", tức chủ động trở lại thành phố sớm để né kẹt xe và nắng nóng.
Chị Thanh Thúy (ngụ TP Thủ Đức) cho biết từ sáng 1-5, cả gia đình đã lên xe trở về TP.HCM chứ không đợi đến cuối kỳ nghỉ lễ như mọi năm. "Thời tiết nắng nóng mà kẹt xe nữa là rất khổ cho trẻ con nên cả nhà quyết định rút ngắn kỳ nghỉ. Và chúng tôi đã về thành phố suôn sẻ", chị Thúy cho biết.
Trong khi đó, theo các công ty du lịch lữ hành, những tuyến tour như Phú Quốc, Quy Nhơn, Côn Đảo, Nha Trang đi từ TP.HCM bằng máy bay nhu cầu vẫn khá chậm, nhiều tuyến chỉ đạt khoảng 60% so với kế hoạch.
Theo bà Phạm Phương Anh, tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, ngoài giá vé bay tăng cao, việc giao thông đường bộ đang khá phát triển, nhất là hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đã đưa vào khai thác nên cũng giúp thúc đẩy du lịch bằng ô tô từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận dễ dàng hơn.
Lượng khách gia đình đi du lịch đường bộ đến các điểm xung quanh những thành phố lớn như TP.HCM đi Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc, Ninh Thuận, Cần Thơ; hay từ Hà Nội đi Mộc Châu, Sa Pa, Thanh Hóa... có xu hướng tăng.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc tiếp thị truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho hay những tour đường bộ cho thấy có sức tăng và rất nóng dịp lễ năm nay. Lượng khách đặt tour di chuyển bằng máy bay có xu hướng chuyển sang chọn các tour du lịch đường bộ.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, cũng cho biết các tuyến tour nội địa bằng xe đều lấp đầy. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài, ngành du lịch cũng đang hứng chịu sức ép lớn từ việc tăng trần giá vé máy bay nội địa.
"Chi tiêu cho du lịch của khách hàng, đặc biệt là vào các kỳ nghỉ lễ lớn, ngày càng được cân nhắc hơn. Vì vậy, với kết quả của kỳ nghỉ lễ vừa qua, các doanh nghiệp sẽ có tính toán cho tour hè thời gian tới", bà Hoàng nhận xét.
Khách quốc tế liên tiếp phá kỷ lục
Một điểm sáng năm nay là các địa phương đều ghi nhận sự tăng trưởng về lượng khách quốc tế so với năm ngoái. Ngày 1-5, gần 650 du khách quốc tế với nhiều quốc tịch như Mỹ, Đức, Anh, Canada... đã khám phá những điểm đặc trưng ở TP.HCM và Mỹ Tho (Tiền Giang).
Tại TP.HCM, các du khách đã trải nghiệm thực tế đi chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, học nấu ăn món Việt Nam tại Mom Cooking Class.
Một số du khách trải nghiệm làm tranh cát My art và hoạt động pha chế cà phê truyền thống Việt Nam tại Bosgaurus Coffee Roasters, đi xe Jeep ngắm Sài Gòn về đêm và thưởng thức Food tour đường phố cùng bánh xèo, chả giò, gỏi cuốn.
Các đoàn du khách cũng đến bến tàu Water Bus đi du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn; đi tàu cao tốc Les Rives tham quan Cần Giờ với đảo khỉ, cá sấu; đi tàu cao tốc đến Bến Đình - Củ Chi tham quan địa đạo Củ Chi...
Cuối ngày, du khách lên sân thượng của khách sạn Majestic ngắm toàn cảnh sông Sài Gòn và thưởng thức các dịch vụ 5 sao. Ngoài ra du khách còn đi tham quan thành phố với trụ sở UBND TP.HCM, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Bảo tàng Lịch sử, chùa Bà Thiên Hậu...
Sở Du lịch TP.HCM cho biết trong 5 ngày nghỉ, TP.HCM đã đón khoảng 54.000 lượt khách, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 là 48.000 lượt.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, tổng số khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với thời điểm trước 2019. Dù du lịch Việt Nam đang bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa, song lượng khách quốc tế vẫn duy trì ở mức tốt, đạt trên 1,5 triệu lượt trong tháng 4-2024.
Du lịch tự túc có xu hướng tăng
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, trong dịp nghỉ lễ năm nay, du khách có xu hướng đi du lịch tự túc bằng xe cá nhân. Lượng khách gia đình đi du lịch đường bộ đến các điểm xung quanh TP.HCM như Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng... đều tăng.
Nhiều người dân TP.HCM cũng chọn khám phá du lịch ngay tại nơi mình sinh sống với các điểm đến, sản phẩm du lịch mới. Thống kê từ các công ty lữ hành cho thấy lượng khách đặt tour nội thành đã tăng 50 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra có tới hơn 90% khách trong các đoàn du lịch rất thích thú khi biết có thêm chương trình mới tại thành phố.
"Chỉ trong hai ngày 27 và 28-4, điểm tham quan trụ sở UBND TP.HCM và HĐND đã đón tiếp 1.935 khách trong nước và quốc tế. Xu hướng du lịch tại chỗ, khám phá nội đô cũng rõ rệt hơn qua dịp lễ năm nay với khoảng 969.000 lượt khách, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023 đã đến các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí. TP cũng đón hơn 320.000 lượt khách nội địa đến trong dịp này", ông Hòa thông tin.
Du lịch Huế bội thu nhờ du khách đường bộ
Ngày 1-5, ông Nguyễn Văn Phúc, giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết ngành du lịch tỉnh nhà vừa có một kỳ nghỉ lễ "bội thu". Trong dịp lễ, địa phương này ước đón khoảng 110.000 lượt khách.
Tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 58.000 lượt gồm khoảng 43.000 khách nội địa và 15.000 khách quốc tế, với tổng doanh thu ước đạt 170 tỉ đồng.
Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch đạt 85%. Hầu hết các khách sạn, kể cả nhóm khách sạn 4-5 sao và homestay đã kín phòng trong những ngày cao điểm từ 27 đến 30-4.
Các điểm du lịch nghỉ dưỡng hoặc dịch vụ trải nghiệm gắn với thiên nhiên (đồi núi, suối, thác, biển và đầm phá) và ẩm thực đều kín khách dịp này.
Riêng lượng khách tham quan các di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý trong 4 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ đạt hơn 58.300 lượt khách (trong số đó có gần 15.000 lượt khách quốc tế mua vé vào tham quan di tích). So với cùng kỳ dịp lễ năm 2023, lượng khách đến Huế tăng 15,8%, doanh thu du lịch tăng 9,7%.
Theo ông Phúc, ngành du lịch Huế "bội thu" dịp lễ này là do đã đưa vào nhiều sản phẩm du lịch mới thời gian gần đây như điện Kiến Trung bên trong hoàng cung; phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch suối, thác tự nhiên...
Hệ thống giao thông thuận tiện với cao tốc La Sơn - Túy Loan, Cam Lộ - La Sơn thông suốt giúp lượng du khách đường bộ tăng cao, hạn chế được tác động của giá vé máy bay cao.
Du lịch Phú Quốc bị ảnh hưởng do vé bay cao
Theo thông tin từ Sở Du lịch Kiên Giang, từ ngày 27-4 đến 1-5, Kiên Giang ước đón 272.547 lượt khách, tăng 2,9% so với cùng kỳ; khách du lịch quốc tế 23.911 lượt, công suất phòng ước đạt hơn 55% và tổng doanh thu du lịch gần 590 tỉ đồng.
Riêng TP Phú Quốc ước đón hơn 125.860 lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đến là 22.424 lượt; khách lưu trú ước đạt 46.828 lượt, tăng hơn 23% so với cùng kỳ.
Ông Bùi Quốc Thái - giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang - cho biết lượng khách du lịch đến Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng trong dịp lễ này không tăng nhiều như kỳ vọng của ngành du lịch địa phương.
Lý do là giá vé máy bay từ Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM đến Phú Quốc đứng ở mức khá cao, trong khi các đường bay nội địa từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Thanh Hóa, Lâm Đồng đến Phú Quốc đang tạm ngừng.
Đặc biệt Phú Quốc đang vào thời điểm hết mùa khách Tây nên qua 5 ngày nghỉ lễ 30-4 chỉ có khoảng 60 chuyến bay đưa khách Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia và Uzbekistan đến đảo chơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận