Phóng to |
Tiềm năng du lịch lớn nhưng sản phẩm du lịch ở ĐBSCL còn đơn điệu, thiếu chuyên nghiệp. Trong ảnh: du khách Tây tham quan chợ nổi Phong Điền, TP Cần Thơ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
“Nút thắt” trên là nhận định chung được đưa ra bởi các chuyên gia trong ngành, của những người làm công tác quản lý và đào tạo du lịch tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực vùng ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP Long Xuyên (An Giang), do cơ quan đại diện Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành tổ chức.
Thiếu và yếu
Từng nhận kỷ lục VN về trường có số lượng sinh viên ngành du lịch đông nhất năm 2010 (5.000 sinh viên), trong đó đa số sinh viên, học sinh xuất thân từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhưng TS Vũ Khắc Chương, hiệu trưởng Saigonact, cho biết hầu hết sinh viên của trường đều chọn ở lại TP.HCM hoặc ra Bắc lập nghiệp.
Theo ông, nguyên nhân được sinh viên đưa ra là hạ tầng du lịch các tỉnh miền Tây còn yếu kém, khách du lịch ít, sợ không có đất dụng võ. Lý do khác là chế độ lương bổng khu vực này “hẻo” quá. Vì vậy đa số nhân lực ngành du lịch tại 13 tỉnh thành ĐBSCL là dân không chuyên, chủ yếu tận dụng dân địa phương cho nhóm lao động trực tiếp và thuyên chuyển cán bộ từ các ngành khác về làm công tác quản lý.
Dù còn thiếu và yếu nhưng công tác đào tạo nhân lực tại chỗ của các tỉnh thành địa phương vẫn chưa được chú trọng. Tham gia buổi tọa đàm bàn về đào tạo nhân lực du lịch cung ứng cho ĐBSCL chỉ có hai trường du lịch của... TP.HCM và Vũng Tàu. Theo ông Lê Văn Hùng, quyền giám đốc cơ quan đại diện Bộ VH-TT&DL tại TP.HCM, cơ sở đào tạo ngành du lịch tại các tỉnh này cũng thiếu và yếu, cả về năng lực chuyên môn của giảng viên lẫn chương trình, trang thiết bị học tập.
Ngoài ra, du lịch ĐBSCL còn thiếu rất nhiều “cái đầu” thiết kế tour tuyến khiến các tour du lịch vùng đất chín rồng thường đơn điệu do na ná nhau. Nói như TS Phùng Đức Vinh, hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu: “Nếu chỉ có du lịch sinh thái sông nước thì khách về tới... Mỹ Tho là được phục vụ tất cả rồi, chẳng phải đi đâu cho xa!”.
Đẩy mạnh đào tạo và lương
Xây thêm trường, mở thêm ngành, lập đề án nâng cấp các trường trung cấp, cao đẳng nghề du lịch trong khu vực lên đại học... là gói giải pháp được nhiều đại biểu đề cập. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, nhiều nhà tuyển dụng cho rằng việc mở rộng đào tạo chưa chắc giải được bài toán nhân lực bởi hiện tại, nhiều sinh viên ra trường với tấm bằng giỏi nhưng không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp.
“Cần thiết phải có sự liên kết giữa nhà trường với người sử dụng lao động để xây dựng chương trình khung đảm bảo các kỹ năng cần trong công việc thực tế. Tránh đào tạo hàng loạt nhưng doanh nghiệp không thu được lao động đạt chuẩn trong khi sinh viên du lịch ra trường lại thất nghiệp” - bà Nguyễn Thị Nga, tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Đồng Tháp, đề xuất. Theo bà, giáo trình hiện tại nặng về lý thuyết trong khi du lịch là ngành chú trọng kỹ năng thực hành, đặc biệt với nhóm lao động là hướng dẫn, thuyết minh. Ngoài ra, đặc trưng du lịch vùng đồng bằng là thô mộc, dân dã nên cần gầy dựng đội ngũ lao động có cung cách, tác phong giản dị phù hợp.
Bà Nguyễn Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo quản lý & kinh doanh Viện Công nghệ châu Á, khẳng định có nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực nhân lực không thể chỉ giải quyết bằng phương án đào tạo. Theo bà, thái độ phục vụ chưa tốt, cung cách làm việc kém chuyên nghiệp của người lao động có thể xuất phát từ việc họ không được đãi ngộ tốt, hưởng chế độ lương thưởng hợp lý. Vì vậy, chính sách lương, thu nhập là điều cần quan tâm.
Ông Phạm Văn Hưởng, quyền giám đốc Sở VH-TT&DL Vĩnh Long, cũng đồng tình rằng Nhà nước cần có sự hỗ trợ sâu sát hơn các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ tại ĐBSCL, có lộ trình, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp cho nhân viên bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ. “Ai cũng biết ĐBSCL là vùng trũng về nhân lực du lịch nhưng lâu lâu ban ngành chức năng mới tổ chức hội thảo, lâu lâu mới có lớp đào tạo tại chỗ... thì chẳng thấm vào đâu” - ông nói.
Theo các chuyên gia tham dự buổi hội thảo, bài toán nhân lực du lịch vùng đồng bằng chỉ có thể được giải bí nếu thực hiện thành công “phép cộng ba nhà”: nhà trường, Nhà nước và nhà doanh nghiệp trong quy trình đào tạo và điều phối, sử dụng nhân lực.
Mùa cao điểm vẫn đìu hiu “Con gà đẻ trứng vàng đang... nhiễm cúm” là ví von của giáo sư Trần Hữu Tá khi du lịch vùng đồng bằng có tiềm năng khai thác lớn nhưng lại đang trong tình trạng oặt oẹo. “Căn bệnh mãn tính” ủ âm ỉ thể hiện qua hình ảnh đìu hiu của các cảng, sân bay khu vực ĐBSCL dù giữa mùa cao điểm du lịch. “Đến khi nào cán bộ quản lý vẫn lãnh đạo bằng kinh nghiệm chứ không bằng năng lực chuyên môn thì việc chuyên nghiệp hóa ngành du lịch ĐBSCL nói riêng và VN nói chung vẫn cứ nằm trên giấy” - ông khẳng định. “Con gà đẻ trứng vàng đang đẻ ra những quả trứng kém chất lượng”, ông Trịnh Công Lý - giám đốc Trung tâm Truyền thông xúc tiến du lịch Sóc Trăng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng - ví von. Ông cho biết: mỗi lượt khách du lịch đến ĐBSCL chỉ chi tiêu trung bình 200.000 đồng/ngày, đến Sóc Trăng chỉ tốn 175.000 đồng/ngày! Đa số khách chỉ lưu lại trong một, hai ngày, chủ yếu vào những dịp lễ hội tín ngưỡng tâm linh vì “có ở thêm cũng chẳng biết đi đâu, làm gì”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận