Bãi biển quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, không một bóng người vì phải tạm dừng các hoạt động thiết yếu để chống dịch - Ảnh: TẤN LỰC
Trong năm 2021, ngành du lịch đặt mục tiêu khai thác và phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng hơn 42% so với năm 2020 và tương đương với năm 2019, thời điểm trước khi có dịch COVID-19. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 bùng phát đã làm đảo lộn mọi kế hoạch của du khách, các DN lữ hành, cơ sở lưu trú và ẩm thực...
Với các cơ sở lưu trú, đây là một đòn giáng mạnh khi thị trường đang bước vào cao điểm các hoạt động hội nghị và sự kiện, được kỳ vọng sẽ góp phần bù đắp sự mất mát của doanh thu phòng.
"Cơm chưa nấu, gạo còn đó"
Ngay khi con có kế hoạch thi học kỳ 2, gia đình chị Phương (Q.1, TP.HCM) lên kế hoạch đi du lịch cùng đồng nghiệp, đặt phòng tại một resort ở Quy Nhơn vào đầu tháng 6 và đã thanh toán trước.
Theo quy định của resort, khách hủy trước 35 ngày mới được hoàn tiền, sau ngày này sẽ bị phạt 50%. Nếu hủy trước 20 ngày nhận phòng, bị phạt 100% tổng giá trị dịch vụ.
Tuy nhiên do dịch bất ngờ bùng phát, chị Phương liên hệ với resort và được cam kết sẽ bảo lưu dịch vụ cho đến cuối tháng 8 và tùy vào tình hình dịch.
"Tôi thấy cách xử lý như vậy là hợp lý, mình không đi thì tiền vẫn còn đó, chờ tình hình dịch ổn rồi lên đường không muộn" - chị Phương nói.
Theo ông Mauro Gasparotti - giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, đợt dịch lần này rơi vào thời điểm khởi động mùa cao điểm du lịch hè đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với các dịch vụ kinh doanh lưu trú và hội nghị.
Khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều nhận được nhiều yêu cầu hủy phòng hoặc thay đổi ngày lưu trú của du khách. Các hội nghị cũng buộc phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan địa phương.
Bà Cao Thị Tuyết Lan - tổng giám đốc Công ty Iettours - cho biết các tour trong tháng 5 của DN đã tạm ngưng, tuân thủ các quy định chống dịch của Chính phủ.
"Dù tour tạm hoãn nhưng DN cũng không gặp quá nhiều khó khăn như trong đợt dịch đầu tiên trong việc đàm phán với các đối tác, do các chính sách bảo lưu từ cơ sở lưu trú, hãng hàng không, nhà hàng, dịch vụ tham quan... đều đã khá rõ ràng" - bà Lan chia sẻ.
Theo bà Lan, khách thống nhất quan điểm sẽ dời tour, chờ đến ngày dịch được kiểm soát sẽ lên đường. Hầu hết các dịch vụ trong tour cũng đều được bảo lưu ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm, tạo thêm điều kiện cho du khách lựa chọn thời điểm du lịch thích hợp.
"Chúng tôi cũng nhận được booking của đoàn khách DN sẵn sàng trong tháng 7. Các tour từ tháng 6 đến tháng 11 cũng đang được xây dựng, xây dựng thêm những sản phẩm mới chuẩn bị cho thị trường quay lại" - bà Lan chia sẻ thêm.
Quầy vé vắng vẻ du khách trong khu du lịch Thung lũng Tình Yêu (Đà Lạt), khác hẳn so với không khí nhộn nhịp vào những tuần trước đó - Ảnh: ĐỨC THỌ
Định vị lại thị trường nội địa
Ông Nguyễn Minh Mẫn - đại diện Công ty TST Tourist - cho biết các thủ tục xử lý tour hoãn cho du khách đến nay đều đã ổn thỏa, thậm chí DN vẫn ký được những hợp đồng du lịch MICE lớn cho kế hoạch khởi hành trong tháng 7.
"Đây là những đoàn khách lớn từ 1.200 - 1.800 khách, với hoạt động rất cụ thể. Vì thế, giới kinh doanh vẫn đánh giá du lịch hè năm nay là ẩn số" - ông Mẫn cho biết.
Theo ông Mauro Gasparotti, kỳ nghỉ lễ dài vừa qua là một minh chứng cho thấy nguồn khách nội địa là động lực giúp ngành du lịch khôi phục.
Trước khi có thông tin về làn sóng dịch thứ 4, nhiều resort gần như không còn phòng trống trong dịp lễ, thậm chí giá phòng tại một số resort trong giai đoạn này còn cao hơn cùng thời điểm năm 2019, thời điểm trước khi diễn ra dịch COVID-19.
Ông Phạm Hà - chủ tịch Lux Group - cũng cho biết dịch đã giúp các DN nhìn thấy tiềm năng của một thị trường nội địa 100 triệu dân, với nhu cầu rất lớn về du lịch cao cấp, các trải nghiệm. Đây là thời điểm các DN cần sự định hướng của cơ quan quản lý để xây dựng một chiến lược phát triển du lịch bền vững, tạo thói quen đi du lịch cho người dân như một nhu cầu thiết yếu.
"Chúng ta không nên tạo tâm lý kỳ vọng giảm giá quá nhiều cho du khách, mà hãy cam kết cung cấp chất lượng tốt nhất tương xứng với đồng tiền mà khách bỏ ra" - ông Hà nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Vietravel Holdings - cho rằng sự bùng nổ của du lịch trong các kỳ nghỉ lễ vừa qua một phần nhờ lượng lớn khách Việt không thể đi du lịch nước ngoài vì dịch COVID-19.
Ước tính, hằng năm có hơn 10 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài, con số rất lớn bổ sung cho thị trường nội địa hiện nay.
"Dù du lịch đang tạm đóng băng nhưng cơ quan quản lý ngành cần có chương trình hành động quảng bá du lịch Việt Nam. Không chỉ định vị lại chính sách thị trường nội địa trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam mà lúc này, du lịch Việt Nam cần sớm hoàn thiện bộ công cụ đón khách quốc tế, sẵn sàng cho mở cửa bầu trời" - ông Kỳ đề xuất.
Vẫn ngóng hỗ trợ
Nhiều DN lữ hành ở TP.HCM cho biết do đã có sự chuẩn bị về tâm lý, phần đông du khách đã hiểu và "bình tĩnh" hơn trong việc đòi hoàn tiền, hủy tour trong đợt dịch này. Các DN cũng đưa ra chính sách bảo lưu, gia hạn đặt chỗ tương đối linh hoạt cho khách hàng.
Khi khách hàng hoãn tour, DN tiếp nhận và làm việc với nhà cung cấp để có được sự hỗ trợ tối đa cho khách. DN và du khách đã biết ứng xử theo chiều hướng thông cảm, chia sẻ hơn so với những đợt dịch trước.
Tuy nhiên, các DN cũng cần nguồn lực để phục hồi, duy trì hoạt động. Nhiều DN cho biết dù chịu tổn thương trực tiếp bởi các đợt dịch, nhưng các DN du lịch vẫn chưa chạm được vào các gói cứu trợ của Chính phủ, dù đã nhiều lần kiến nghị.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng cần phải có các giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, giúp DN duy trì hoạt động, sớm hồi phục ngành du lịch.
Tìm cơ hội để phục hồi
Khảo sát của Công ty tư vấn Outbox Consulting cho thấy du khách Việt thường bỏ ra từ 2 - 3 ngày để đi đến các thành phố trong nước, kết hợp các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ
lễ ngắn. Do vậy, khách sẽ chọn những điểm đến gần nơi đang sinh sống và dễ di chuyển. Xu hướng này càng thể hiện rõ sau mỗi lần dịch bùng phát, du khách có tâm lý muốn đi du lịch một cách an toàn.
Theo ông Phước Đặng - CEO Công ty Outbox Consulting, cá biệt hóa các sản phẩm trải nghiệm sẽ giúp các công ty lữ hành thắng lợi trong bối cảnh du khách có xu hướng du lịch giãn cách xã hội để thích nghi với tình hình.
"Đây sẽ là trào lưu năm 2021 với các điểm đến vắng vẻ gần với nơi sinh sống, tour riêng tư, theo nhóm nhỏ nhằm hạn chế rủi ro lây lan của dịch bệnh và nhiều khách cũng sẵn sàng chi trả cho các gói cao cấp hơn" - ông Phước Đặng nói.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà - giám đốc truyền thông của Lữ hành Saigontourist - cho rằng dịch COVID-19 một mặt nào đó cũng là cơ hội để các DN lữ hành thoát khỏi cuộc chiến cạnh tranh về giá để đi sâu hơn vào chất lượng, tăng tính trải nghiệm, tiêu chí an toàn cho du khách.
"Khách bây giờ yêu cầu rất cao về chất lượng, trong khi các chiến dịch giảm giá sẽ dễ dẫn tới tình trạng giảm về chất lượng, không phải là chiến lược bền vững về lâu dài" - bà Trà nhận định.
Ứng phó với tình hình mới
Sẵn tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh, chủ đầu tư khu du lịch sinh thái Ông Đề (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã nâng cấp, chỉnh trang thêm khu vực của 2 phim trường để thu hút khách khi dịch qua đi - Ảnh: C.QUỐC
Do dịch COVID-19 tái bùng phát ngay trước thềm mùa cao điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, điểm đến tại ĐBSCL... đã chủ động đóng cửa tạm thời để nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng các sản phẩm mới...
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp (DN) du lịch, lữ hành cũng cần sự chung tay, chia khó của ngành liên quan trong chuỗi sản phẩm du lịch, đặc biệt là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn dịch, chứ không chỉ hô hào giảm giá.
Tạm đóng cửa để... nâng cấp
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương, gần như toàn bộ du khách dự kiến tới một số điểm đến tại Kiên Giang, đặc biệt là Phú Quốc và Hà Tiên, đã đồng loạt hủy tour, hủy vé và lịch book phòng.
Ghi nhận tại một số điểm tham quan tại Hà Tiên và Phú Quốc cho thấy lượng du khách giảm khoảng 90% so với thời điểm nghỉ lễ vừa qua. Các bến tàu khách từ đất liền đi đảo Phú Quốc cũng vắng khách, chủ yếu là người địa phương đi có việc cần.
Nhiều resort cao cấp ở Phú Quốc cho nhân viên "nghỉ hè" sớm để tránh dịch, đồng thời tập trung cho công tác chỉnh trang cơ sở vật chất, chuẩn bị sẵn sàng đón khách quay trở lại. Một số khu nghỉ dưỡng cao cấp trên đảo Phú Quốc đã triển khai chương trình khuyến mãi giảm giá từ 10-20% cho khách giữ chỗ hẹn quay lại sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Tuy nhiên, lượng khách giữ chỗ khá thấp, chưa tới 30% tổng lượng du khách hủy tour, hủy chuyến và du lịch nghỉ dưỡng.
Trong khi đó, nhiều khu, điểm du lịch ở TP Cần Thơ cũng tạm ngưng hoạt động để phòng tránh dịch bệnh và nâng cấp cơ sở vật chất.
Ông Lê Hải Phúc - chủ tịch HĐQT khu du lịch sinh thái Ông Đề (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) - cho biết với lượng khách giảm tới hơn 90% do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, DN đã tạm ngưng hoạt động để phòng tránh dịch cũng như nâng cấp một số hạng mục, như khu "Làng ông Đề" và khu "Đà Lạt thu nhỏ", những khu vực "check in" vốn rất thu hút khách trước đó.
Bà Huỳnh Thị Hồng Sen - chủ khu du lịch "Căn nhà màu tím" (quận Cái Răng) - cũng cho biết tạm ngưng hoạt động để phòng dịch, đồng thời chỉnh trang, nâng cấp một số khu vực trong khuôn viên.
"Nếu tình hình dịch bệnh ổn, chúng tôi sẽ sớm mở cửa đón khách trở lại với nhiều ưu đãi cho tour du lịch, đoàn học sinh - sinh viên" - bà Sen nói.
Làm mới sản phẩm, đào tạo lại nhân lực
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn - phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ - cho biết một số hoạt động mà cơ quan này đang triển khai với kỳ vọng sẽ thu hút nhiều du khách cũng phải tạm dừng để phòng chống dịch như đường hoa nghệ thuật Cần Thơ 2021, hội nghị kích cầu du lịch TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL...
Cơ quan này cũng sẽ phối hợp ngành y nhằm hướng dẫn và hỗ trợ các DN du lịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, bảo vệ du khách.
Ngoài ra, sở cũng sẽ tổ chức khảo sát thực địa các điểm du lịch để hỗ trợ, hướng dẫn DN, người dân nâng cấp cơ sở vật chất du lịch, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng sản phẩm mới hấp dẫn, sáng tạo để thu hút khách.
Đặc biệt, thông qua cổng du lịch thông minh của Cần Thơ, cơ quan này sẽ hỗ trợ DN du lịch, điểm vườn du lịch trên địa bàn quảng bá hình ảnh, sản phẩm dịch vụ, trong đó chú trọng quảng bá bằng hình thức trực tuyến đến những thị trường khách nội địa và quốc tế trọng điểm của du lịch Cần Thơ.
Cũng theo ông Tuấn, các DN du lịch cần chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, nơi có cảnh quan môi trường thoáng, chú trọng hoạt động văn hóa trải nghiệm, với các tour nhóm nhỏ.
"Chúng tôi cũng sẽ mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hỗ trợ các DN du lịch và các địa phương nhằm xây dựng lại đội ngũ nhân sự du lịch chất lượng phục vụ khách du lịch" - ông Tuấn cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Bùi Quốc Thái - giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, để chia sẻ khó khăn với DN du lịch, lữ hành và lưu trú trên địa bàn, địa phương này đã tích cực triển khai một số chính sách ưu đãi theo chủ trương chung của Chính phủ như giảm tiền điện bình quân khoảng 1.000 đồng/kWh, giãn thời gian nộp thuế, giãn nợ ngân hàng...
CHÍ QUỐC - KHOA NAM
* Ông Trần Hữu Hiệp (phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL):
Tăng cường liên kết, chú trọng sản phẩm nội
Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 như "cú đấm bồi" lên thân thể ngành du lịch. Tác động tiêu cực, tích lũy, liên hoàn do dịch bệnh đến người làm du lịch, cơ sở dịch vụ, DN và ngành du lịch trong nước càng nặng nề hơn. Vì vậy, tinh thần "chống dịch như chống giặc" cần có cách tiếp cận mới, ứng phó phù hợp để tăng cường sức chống chịu và vượt qua khó khăn, thách thức sống còn của ngành du lịch.
Linh hoạt thích ứng, tăng cường liên kết hệ thống, chuyển trọng tâm sang thị trường nội địa là chủ yếu, liên tục làm mới sản phẩm, dịch vụ để duy trì hoạt động trong an toàn... là những yêu cầu mà người làm du lịch đã trải nghiệm và thực hiện trong thời gian qua. Hoạt động du lịch phải liên tục sẵn sàng chuyển trạng thái "on/off" phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Các DN cũng phải chủ động triển khai các phương án kinh doanh, chuẩn bị các gói sản phẩm dịch vụ tốt nhất để đón đầu cơ hội sau khi dịch bệnh được kiểm soát an toàn. Nhưng ngành du lịch cũng rất cần tiếp sức kịp thời từ các gói hỗ trợ kinh tế, các chương trình kích cầu ngay những nơi kiểm soát tốt dịch bệnh hay an toàn trên diện rộng.
Du lịch ngóng... vắcxin
Một bãi tắm tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, đóng cửa vì dịch COVID-19 - Ảnh: TẤN LỰC
Thông tin từ Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết trên địa bàn chỉ còn vài trăm khách lưu trú tại khách sạn, resort, chủ yếu là người đi công tác dài hạn. Trong khi đó, theo nhiều công ty lữ hành, các đoàn khách du lịch trong tháng 5 đều đã hủy tour, lượng khách lẻ đặt dịch vụ vé máy bay, lưu trú... cũng rất ít.
Tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn đều đã thông báo tạm dừng hoạt động để phòng chống COVID-19.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, phần lớn khách đặt phòng trong tháng 5 và tháng 6 đã hủy. Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú trên địa bàn cho biết đã linh động bảo lưu thời hạn đặt phòng cho khách đến 31-8 hoặc 31-12. Một số khách sạn chọn hủy đặt phòng và hoàn cọc cho khách.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh - phó chủ tịch Hội Khách sạn, đặc trưng của các khách sạn, resort là phải hoạt động bảo trì, bảo dưỡng liên tục để đảm bảo trạng thái tốt nhất và không để xảy ra hỏng hóc. Do đó, dù không đón khách các khách sạn vẫn phải cho hoạt động định kỳ khiến chi phí vận hành phát sinh hằng tháng.
"Trước dịp lễ 30-4 và 1-5, các doanh nghiệp du lịch rất hi vọng vào mùa du lịch hè nên đã vay mượn, đầu tư nâng cấp và gọi lại lao động mở cửa đón khách, ai dè dịch lại ập đến... Liều thuốc duy nhất cho doanh nghiệp lúc này chính là vắcxin COVID-19. Chỉ khi nào Việt Nam phổ cập được vắcxin thì ngành du lịch mới có cơ hội sống lại" - ông Quỳnh nói.
TẤN LỰC
Nhiều khách hoãn tour, lưu cọc...
Lượng người đổ về biển Nha Trang vào các ngày cuối tuần đã bắt đầu giảm mạnh - Ảnh: MINH CHIẾN
Ông Trần Minh Đức - phó giám đốc Công ty cổ phần du lịch Long Phú - thừa nhận dù đã quá quen với cảnh hủy tour khi có dịch nhưng doanh nghiệp cũng hi vọng mức độ ảnh hưởng thấp nhất để có thể hồi phục.
"Trước mắt, nếu khách muốn hủy tour chúng tôi sẵn sàng hủy và hoàn lại tiền đặt tour cho khách, nhưng chúng tôi vẫn thuyết phục khách dời tour, tạm hoãn tour, bảo lưu lại chi phí bằng mã giảm giá, khi tình hình ổn định sẽ đi du lịch trở lại. May mắn là có nhiều nhóm khách đã đồng ý dời tour" - ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, một số cơ sở lưu trú, ăn uống nằm trong tour của doanh nghiệp này đã đồng ý hoàn trả tiền cọc.
"Quan trọng nhất là sự thông cảm của khách hàng. Khách dời tour, các doanh nghiệp cùng hỗ trợ nhau thì khi hết dịch, khách sẽ lại đi và sử dụng dịch vụ nhà hàng, khách sạn đó. Nhưng nếu khách hàng từ lẻ đến đoàn ai cũng đòi rút tiền, ngành lữ hành sẽ rất khó khăn" - ông Đức lo ngại.
Còn theo ông Lê Văn Sơn - giám đốc khách sạn Liberty Central Nha Trang, cơ sở này cam kết hoàn trả số tiền đã đặt cọc trước đó không chỉ với các công ty lữ hành, mà với cả các nhóm khách lẻ muốn hủy phòng do dịch bệnh.
Tuy nhiên, khách sạn cũng có chính sách dời thời gian lưu trú đến hết 1 năm, các gói ưu đãi, giảm giá khách mua trước đó vẫn được giữ nguyên nên nhiều đoàn khách đã dời thời gian lưu trú thay vì hủy trước đó.
Tương tự, Vinpearl Nha Trang cũng áp dụng chính sách hỗ trợ thay đổi giai đoạn lưu trú cho các trường hợp đặt phòng có yếu tố dịch tễ.
MINH CHIẾN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận