Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Quang Hà, hiện sống và làm việc tại Nghệ An, về kỳ nghỉ đi du lịch bằng ô tô tự lái trên quãng đường 1.600km:
Đợt vừa rồi gia đình tôi (hai vợ chồng với một cháu 5 tuổi, một cháu 2 tuổi) đi du lịch bằng ô tô tự lái từ Vinh đến Quy Nhơn. Tổng quãng đường cả đi và về là 1.600km.
Tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm nhỏ của mình, mong rằng có thể giúp được nhiều người tự tin hơn với kế hoạch du lịch bằng ô tô.
Du lịch bằng ô tô tự lái có nhiều ưu điểm
Tôi sử dụng chiếc Toyota Corolla Altis 1.8 để đưa gia đình 4 người đi từ Vinh (Nghệ An) đến Quy Nhơn. Tổng cộng quãng đường cả đi và về khoảng 1.600km.
Chi phí đi lại bao gồm tiền xăng khoảng 1,9 triệu đồng và tiền vé qua các trạm thu phí 1,9 triệu đồng. Tổng cộng 3,8 triệu đồng.
Có thể thấy du lịch bằng ô tô tự lái rẻ hơn rất nhiều so với chi phí đi máy bay cho 4 người. Ngoài ra, lúc đến nơi, không mất tiền thuê xe hay taxi để di chuyển giữa các điểm du lịch. Một vài tiện ích nhỏ khác có thể kể ra như chủ động hơn trong việc đi lại, có thể dừng lại bất cứ nơi nào mình muốn, dễ dàng mang theo hành lý bên người.
Điểm trừ lớn nhất của hình thức du lịch này là có thể mất nhiều thời gian hơn. Gia đình tôi đi hết 8 ngày, trong đó 4 ngày là để đi trên đường và nghỉ ngơi, 4 ngày để vui chơi du ngoạn.
Nhưng nếu người đồng hành cũng có thể lái xe, hoặc không đính kèm con nhỏ, thời gian di chuyển sẽ rút ngắn hơn rất nhiều.
Chuẩn bị gì khi du lịch bằng ô tô tự lái
Điều đầu tiên trước khi di chuyển, bất kể là du lịch hay không, là cần nắm được đường đi lối lại. Với đi du lịch xa, tài xế càng phải thông thạo đường, biết biển báo thông dụng (hạn chế tốc độ, khu đông dân cư, cấm vượt, có đường giao cắt, cấm dừng, đỗ...), luôn tuân thủ tốc độ tối đa cho phép.
Hành trang dự phòng cũng rất quan trọng. Chuẩn bị các đồ nghề cần thiết như lốp dự phòng, dụng cụ thay/bơm lốp để phòng trường hợp không tìm được gara khi xảy ra sự cố.
Như vậy, mình có thể tự giải quyết nhanh chóng, tránh gián đoạn chuyến du lịch. Kiểm tra xe trước khi đi như lốp (áp suất, độ mòn…), thước lái.
Đó là với xe, còn với người, ngoài những đồ dùng, quần áo cá nhân, cần chuẩn bị sẵn một số thuốc cho những rủi ro phổ biến như đau bụng, ốm sốt.
Lên kế hoạch rõ ràng quá trình đi sẽ dừng ở đâu, làm gì, trong bao lâu để căn được đúng thời gian di chuyển, tránh lãng phí thời gian, nhất là với gia đình có con nhỏ.
Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị tốt sức khỏe trước khi đi, đặc biệt là người cầm lái, tránh làm việc nặng ngày trước khi đi chuyển, và đi ngủ sớm.
Phân bổ thời gian di chuyển
Vì có con nhỏ nên tôi ước lượng tốc độ trung bình khoảng 50km/h. Từ Vinh đến Quy Nhơn khoảng 800km, thời gian đi lại khoảng 16 tiếng. Tôi chia ra hai ngày, ngày 1 đi từ Vinh đến Đà Nẵng, ngày 2 từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn. Chiều về thì ngược lại.
Chia như vậy có thời gian nghỉ ngơi, lại có thể tranh thủ du ngoạn ở Đà Nẵng. Cũng cần hạn chế di chuyển vào buổi tối, vì hạn chế tầm nhìn, tài xế dễ buồn ngủ.
Kinh nghiệm chọn đường đi
Tôi thấy mọi người nên sử dụng Google Maps, ưu tiên chọn đường theo thứ tự: cao tốc, đường tránh thành phố/thị xã, quốc lộ. Vì như vậy ít gặp xe máy, đường giao cắt hơn, đường cũng đẹp hơn.
Lúc về tôi có chọn đi quốc lộ 15. Đây là tuyến không có trạm thu phí, nhưng đường quanh co, khá hẹp. Ai chưa lái cứng thì nên chọn quốc lộ 1A.
Bản thân tôi nếu đi lại lần nữa cũng chọn 1A vì an toàn hơn, nếu xe có gặp sự cố cũng dễ xử lý hơn do có đông người qua lại.
Đoạn Đông Hà - Đà Nẵng, tôi đi quốc lộ 1A để ghé qua Huế. Lúc về thì biết đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan (160km). Thấy nhiều người chê bị hạn chế tốc độ, nhưng tôi trải nghiệm thì thấy đường đi ổn, xung quanh có nhiều cảnh đẹp, chưa thu phí, tốc độ trung bình khoảng 60km/h cũng là khá nhanh.
Đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tôi chọn đi cao tốc 140km vì không muốn ghé qua Hội An nữa. Tốc độ tối đa 120km/h nên tôi chỉ đi mất hơn một tiếng, cảnh lại đẹp, dù đáng tiếc không thể dừng chụp.
Nếu chọn đi quốc lộ 1A thì vẫn có những đoạn hơi hẹp, đường cắt ngang nhiều không chạy nhanh được.
Các kinh nghiệm khác
Tôi đi du lịch vào dịp hè, trời nắng nóng, lại đi cao tốc liên tục, rất dễ xảy ra vấn đề với lốp. Do đó, đi xe đường xa nên lắp cảm biến áp suất lốp, tránh trường hợp để nổ lốp.
Nhờ lắp cảm biến, thấy áp suất tăng lên 2,8kg và có chỗ cho phép dừng, tôi dừng lại xả bớt áp suất lốp ngay.
Còn trước khi đi, tôi bơm áp suất 2,35kg cho mỗi lốp. Ở mức này, xe đi bon, bám đường cũng tốt.
Ngoài ra, những ai cầm lái cũng nên chú ý đến sức khỏe khi đi đường. Chẳng hạn, để tránh buồn ngủ, uống cà phê hoặc chạy chậm, trong mức cho phép, ngắm cảnh đẹp xung quanh.
Nếu thực sự buồn ngủ thì nên dừng chợp mắt 15-30 phút. Không nên cố đi tiếp vì dễ ngủ gục, rất nguy hiểm.
Trên đây là một vài kinh nghiệm của tôi. Hy vọng có thể giúp mọi người tự tin hơn khi lái ô tô đường xa và có một chuyến du lịch vui vẻ.
Độc giả Nguyễn Quang Hà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận