Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm việc với Quận ủy quận 9 - Ảnh: THẢO LÊ
Phát biểu mở đầu phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết ngày 25-12, đoàn công tác TP đã có phiên làm việc với quận 2, hôm nay là quận 9 và quận Thủ Đức.
Theo ông Nên, TP.HCM đã nắm bắt được sự phấn khởi cũng như tâm tư, lo lắng của người dân trước việc sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức và về vị trí đơn vị hành chính của thành phố mới.
Theo ông Nên, chủ tịch UBND TP.HCM dự kiến đặt đơn vị hành chính TP Thủ Đức tại quận 2. Quận 9 khác quận 2 ở chỗ người dân đa số sống bằng nông nghiệp, nơi đây là cái nôi của cách mạng nên tâm tư, tình cảm của người dân sẽ khác.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng với các hoạt động của quận 9, những việc cần làm cấp bách cho sự phát triển thì phải làm ngay nhưng không được xem nhẹ việc giải quyết những vấn đề tồn đọng trong nhân dân, không được nặng nhẹ bên nào.
Bí thư Quận ủy quận 9 Lâm Đình Thắng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: THẢO LÊ
"Người dân quan tâm nhất là sau khi xây dựng TP mới, việc giải quyết giấy tờ sẽ như thế nào. Cần một kế hoạch và có một bộ phận cụ thể giải quyết cho người dân và công bố thông tin rộng rãi để dân biết và an tâm về việc này", ông Lâm Đình Thắng, Bí thư Quận ủy quận 9, kiến nghị.
Bên cạnh đó, theo ông Thắng, kiến nghị giữ nguyên cơ cấu cán bộ công chức, viên chức của quận 9 sau khi thành lập TP Thủ Đức. Nếu có giảm thì giảm theo thời gian, nếu giảm ngay tức khắc thì ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của cán bộ. Nhiều người đang là trụ cột gia đình sẽ ảnh hưởng đến đời sống cả gia đình họ.
Ông Trần Văn Bảy, chủ tịch UBND quận 9, cho biết những ngày gần đây, lượng hồ sơ hành chính tăng đột biến, cá nhân doanh nghiệp muốn giải quyết xong công việc với chính quyền cũ vì lo lắng bộ máy chính quyền mới phải có thời gian chuyển tiếp sẽ chậm giải quyết các thủ tục hành chính. UBND quận đã chỉ đạo giải quyết nhanh để không ảnh hưởng đến người dân.
Ông Bảy cũng cho biết đơn thư khiếu nại tố cáo thời gian gần đây cũng tăng. Các cán bộ của quận đang cố gắng giải quyết nhanh cho người dân. "Chúng tôi giải quyết công việc trong giai đoạn này cố gắng không để xảy ra những sai sót", ông Bảy cho biết.
Quận cũng đang tập trung quản lý nhà nước về đất đai xây dựng. Nhất là vấn đề xây dựng, chỉ cần lơ là vài ngày thì sẽ bùng nổ xây dựng trái phép. Quận đã chỉ đạo cán bộ tập trung giám sát địa bàn.
Ông Bảy kiến nghị về việc thành lập TP Thủ Đức, vấn đề quan tâm khi soạn thảo nghị định là những điều khoản chuyển tiếp. Cần có một tổ giúp ban chỉ đạo xử lý những vấn đề chuyển tiếp, cần thống kê và tiếp thu những kinh nghiệm, những vấn đề phát sinh ở những địa phương khác khi sáp nhập địa giới hành chính để đón đầu tiếp nhận và xử lý.
"Khi đã không còn con dấu nữa thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề", ông Bảy nhấn mạnh.
Sẽ có chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức
Sở Tài nguyên - môi trường cho biết sẽ thành lập chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức vào ngày 1-3-2021 để tiếp nhận và giải quyết các thủ tục đăng ký cho dân, tránh ách tắc hồ sơ.
Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên với Quận ủy quận 9 ngày 26-12, ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM cho biết sẽ thành lập chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức đúng thời điểm để giải quyết các thủ tục kịp thời cho người dân.
Ông Thắng cho biết hiện sở này tập trung các công việc để chuẩn bị cho việc sáp nhập 3 quận thành TP Thủ Đức.
Ông Thắng nói ngành quản lý đất đai có kế hoạch cụ thể với những công việc do ngành này quản lý ở thành phố mới.
Đối với chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của 3 quận hiện tại, ông Thắng cho biết đúng ngày 1-3 sẽ thành lập chi nhánh văn phòng đăng ký đất đất đai TP Thủ Đức.
Chi nhánh mới thành lập sẽ nhận chuyển tiếp và xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến đăng ký và các thủ tục về đất cho người dân TP Thủ Đức.
Sở Tài nguyên - môi trường sẽ phân công một phó giám đốc văn phòng đăng ký đất đai TP kiêm nhiệm giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức để xử lý các tình huống xảy ra.
"Ba quận này có lượng hồ sơ đăng ký rất lớn, nếu không có sự chủ động thì sẽ ách tắc" - ông Thắng nhấn mạnh.
Về việc quản lý đất đai trên địa bàn 3 quận chuẩn bị sáp nhập, theo giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, đến giờ này, cơ sở để xử lý vấn đề đất đai vẫn là kế hoạch sử dụng đất năm 2020.
Toàn bộ việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất và pháp lý các dự án đều căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất, đây là công cụ để kiểm soát về chuyển dịch đất đai trên địa bàn.
Sở sẽ xin ý kiến của Bộ Tài nguyên - môi trường để xây dựng kế hoạch sử dụng đất chung cho cả TP Thủ Đức năm 2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận