Du khách từ Trung Quốc đại lục trước một cửa hàng ở khu Hung Hom, Hong Kong - Ảnh: scmp.com
Đây là nơi lụp xụp và chen chúc những ngõ nhỏ của Hương Cảng, có nhiều người qua lại. Hai cô Trung Quốc đại lục đi qua, đẩy vali có bánh khó khăn trên mặt đường nhựa gồ ghề khiến các xe con phải tránh, nhưng đằng nào thì giao thông ở đây cũng đã như trong một phim chiếu chậm, giữa hơi ẩm của thành phố với hừng hực gió mùa.
Đây chẳng phải lần đầu tôi đứng chỗ đó; năm này, năm kia tôi trở qua trở lại nên ở đây tôi mang dáng địa phương. Tôi ăn mặc xộc xệch, áo thun không nhãn và áo khoác nilông rẻ tiền, có lẽ còn dính nước chấm phá lấu của chợ đêm trong khu vực.
Tôi phải tả như vậy vì nếu không phải giờ đi làm công sở, phần lớn dân ở đây áo quần dễ dãi, xuề xòa, nếu không nói là nhem nhuốc lôi thôi. Điều này khiến phân biệt được ngay ai là dân sở tại và ai là du khách.
Một thanh niên đang tiến về phía tôi. Anh toét miệng cười thì hẳn là du khách từ đại lục. Anh mặc áo nhãn Polo to đùng và quần cộc dạo phố, đi giày loại du thuyền không vớ và đeo một cái túi đàn ông LV be bé chéo trên ngực. Anh hỏi tôi gì đó thân thiện bằng tiếng Trung Quốc phổ thông.
Tôi không biết tiếng phổ thông, một chữ nhất bẻ làm đôi chỉ là hai chữ nhất nữa, và tiếng Quảng của tôi rất giới hạn. Tôi trả lời anh bằng Quảng thoại: "Tôi không nói tiếng phổ thông".
Anh giật bắn người, nụ cười thân thiện trở thành nụ cười phân bua xin lỗi, có gì đâu, xin lỗi, xin lỗi, anh xua tay và gật gật đầu chào và đi thụt lùi cho đến một khoảng cách an toàn mới dám quay lưng.
Thì tại tôi cầm chai bia và câu tôi mới nói chắc anh hiểu là "tao không nói tiếng phổ thông với mày!", dù rằng sau câu này tôi vẫn đứng bình thản. Sự căng thẳng và hiểu lầm này là điển hình cho quan hệ giữa dân Hương Cảng và du khách đại lục.
Hương Cảng - như cách thế hệ tôi vẫn gọi Hong Kong - là thành phố nhiều du khách nhất thế giới, Bangkok là thứ nhì và Paris chỉ thứ sáu.
Trong số 60 triệu người viếng vùng đất 7,5 triệu dân này (số liệu 11 tháng đầu của năm 2018) thì 46 triệu là người Trung Quốc đại lục. Con số này tăng 17% so với năm 2017, nội trong tháng 11 tỉ lệ du khách đại lục là 86,5%.
Tháng 10-2018 là tháng khai trương đường bộ Áo Môn - Chu Hải - Hương Cảng qua cây cầu 55km kỷ lục. Lối lên cầu tắc nghẽn vì xe đò Trung Quốc đại lục đổ du khách xuống một khu vực trước đây được coi là khu dân cư chứ không phải là buôn bán.
Khu vực nhà ga Hồng Khám (Hung Hom) nghẹt cứng những khách này ăn uống và mua sắm. Một chủ nhà hàng chuyên khách Trung Quốc tại đây cho biết ông bị hàng xóm thưa kiện liên tục với chính quyền về vấn đề vệ sinh trong quán, cốt để ông phải đóng cửa đi chỗ khác!
Các hội đoàn dân chúng Hương Cảng làm áp lực với chính quyền, đòi xe buýt chở du khách không được đỗ chỗ này chỗ kia, và đòi thành phố tăng thuế khách sạn lên 3 USD hoặc 5 USD/đêm.
Một biện pháp khác họ đề nghị là hạn chế du khách Trung Quốc bằng visa, từ Thâm Quyến mỗi người chỉ được sang Hương Cảng mỗi tháng một lần thay vì một tuần một lần như hiện nay. Điều này khó hiểu vì Hương Cảng là nơi sống về du lịch và mua sắm chứ chẳng phải sản xuất ra cái gì ráo, tại sao lại ngăn cản?
Bộ trưởng ngoại giao Pháp từng có một sáng sớm ra phi cảng Paris để chào du khách Trung Quốc. Pháp, Ý và Anh là những quốc gia đứng đầu sản xuất hàng hiệu cao cấp, và du khách Trung Quốc tiêu tiền tại Tây Âu - chủ yếu là mua sắm - nhiều hơn du khách bất kỳ nước nào, kể cả Nhật hay Mỹ.
Các bạn nào thích bao giấy có nhãn mác thì chỉ việc đến phi cảng Charles De Gaulle nhặt trong thùng rác, du khách Trung Quốc tay xách nách mang phải lột ra bỏ lại, không cầm theo hết được. Nói qua, tại Hàn Quốc, một bao giấy có nhãn kiểu LV bán giá 15 USD cho những người không có 1.500 USD mua túi xách chính hãng.
Có bận tại phi cảng ở Paris, tôi còn thấy mươi hộp đựng kim hoàn rất xinh của nhà Cartier bị bỏ lại. Dĩ nhiên là không có nhẫn hay hột xoàn trong đó: du khách đeo vào tay và phi tang các bao bì phòng khi về nước phải qua hải quan.
Cục Du lịch Nhật Bản có chính sách mời chào khách hàng Trung Quốc, điều nghiên cả sở thích và thói quen của dạng khách này (như khạc nhổ chẳng hạn) để đáp ứng và phục vụ.
Hán Thành (Seoul) tại Hàn Quốc có hẳn một con đường chuyên để chụp ảnh cô dâu chú rể Trung Quốc. Tại Pháp, không cửa hàng mua sắm cao cấp nào không có nhân viên biết nói tiếng Hoa phổ thông.
Có nhiều nhân viên bán hàng này là Việt kiều, được nhận nhờ ăn gian gương mặt da vàng và biết nói tiếng phổ thông do ở Pháp tương đối ít người gốc Hoa. Ngay tại Đài Loan, đến phi cảng thấy đầy quảng cáo du lịch bằng chữ Hán giản thể dùng tại Trung Quốc, chứ không phải chữ Hán phồn thể của Đài Loan.
Vậy tại sao người Hương Cảng lại không thích du khách Trung Quốc? Vì khách Trung Quốc sang đây đa số là khách du lịch nghèo. Tour du lịch một ngày một đêm từ Thâm Quyến giá khởi điểm và rẻ nhất là 27 USD. Nếu tăng thuế khách sạn Hương Cảng lên 5 USD/đêm thì gói tour này coi như tăng giá gần 20% và bớt đi một số nông dân năm nay được mùa quê Quảng Đông (tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, 104 triệu người)!
Nhưng việc này gặp phải sự chống đối của thành phần phục vụ khách bình dân. Chủ nhà hàng bị thưa kiện tôi đã nhắc mỗi ngày có 500-600 lượt khách Trung Quốc. Vào dạo Trung Quốc có "dịch" nhiễm sữa bột trẻ em thì mặt hàng này đầy ắp tại Hương Cảng để đáp ứng.
Đến nỗi hải quan Trung Quốc chỉ cho phép mỗi bận từ Hương Cảng trở về, mỗi người chỉ được mang ba hộp. Các cửa hàng gia dụng, quần áo, mỹ phẩm bình dân, chạp phô của Hương Cảng hồi ấy đều bày bán sữa bột.
Ngay cả các cửa hàng điện thoại, điện tử, máy chụp ảnh cũng bán thêm sữa. Lý do lợi nhuận biên: tiền lời từ bán một máy chụp hình rất thấp - bán một máy 1.000 USD chỉ lời bằng bán 100 USD là 10 hộp sữa bột.
Ở Mỹ, một du khách Trung Quốc tiêu trung bình 6.700 USD trong một chuyến đi chơi, cao hơn các du khách nước khác 50%. Gần 3 triệu khách này mang lại cho Hoa Kỳ số tiền 36 tỉ USD năm rồi.
Ngược lại, phần lớn 50 triệu du khách Trung Quốc đến Hương Cảng tiêu chỉ có 10 USD mì sủi cảo và trà đá, mua ba hộp sữa 30 USD mang về làm quà cho bà con trong thôn.
Một bộ phận cư dân Hương Cảng cho rằng những phiền toái do du khách Trung Quốc gây ra lớn hơn là lợi nhuận họ mang lại, nên đòi giới hạn số người Trung Quốc sang Hương Cảng chơi, tuy các cửa hàng lục tàu xá vẫn vui vẻ "mại dzô, mại dzô!" bằng tiếng phổ thông.
Người Anh có lẽ đã hiểu được chuyện này trước năm 1997. Người giàu Hương Cảng thì ta mời sang Anh chơi, nhưng người nghèo thì ta cấm. Tỉ phú Lý Gia Thành (Li Ka Shing) hay nhà sản xuất phim Thiệu Dật Phu (Run Run Shaw) thì được nữ hoàng Anh phong hầu (tước "Sir"), nhưng người dân Hương Cảng cầm hộ chiếu Anh thì không được vào Anh.
Họ là thần dân của nước Anh nhưng chỉ là dưới con mắt các... nước khác, như Pháp chẳng hạn. Một dạo tại lãnh sự quán Anh ở Paris, tôi thấy lúc nào cũng có một hàng dài người Hương Cảng đến xin visa để trong đời một lần thấy được sương mù mẫu quốc. Thế sự xoay vần, giờ thì tới dân Hương Cảng lại muốn cấm dân "thiên triều" sang chơi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận