Ngoài tham quan ngắm cảnh, Khu du lịch thác Datanla hiện đã trở thành một tổ hợp giải trí, thể thao mạo hiểm với những hoạt động tương tác với thiên nhiên - Ảnh: ĐỨC THỌ
Chúng tôi không bán một cái vé để du khách đi tham quan danh thắng rồi... thôi, mà cung cấp đến du khách một loạt trải nghiệm bên trong danh thắng được hình thành từ bàn tay kỳ diệu của tạo hóa.
Ông Nguyễn Nhật Vũ
Dalat Tourist từng là đơn vị kinh doanh thuộc sở hữu Nhà nước được thành lập năm 1976. Đây là công ty du lịch lâu đời nhất tại Lâm Đồng nhưng để nói về việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch thì chỉ 5 năm trở lại đây - sau khi cổ phần hóa, tham gia thị trường.
Ông Nguyễn Nhật Vũ, phó tổng giám đốc Dalat Tourist, chia sẻ: "Thực sự không dễ dàng gì nhưng chúng tôi làm được bởi cách xây dựng sản phẩm du lịch dựa vào thiên nhiên, hướng đến sự bền vững". Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Nhật Vũ về câu chuyện tương tác giữa sản phẩm du lịch và "tài nguyên thiên nhiên".
Thiên nhiên là nền tảng - Con người làm nên giá trị
* Trong nội dung thuyết minh gửi đến ban tổ chức Thương hiệu quốc gia 2020, công ty đã nhắc đến việc chú trọng phát triển "sản phẩm du lịch giải trí gắn với khám phá tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa Đà Lạt". Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Từ khi thành lập vào những năm cuối của thập niên 1970, Dalat Tourist đã có thế mạnh rất lớn khi sở hữu gần như toàn bộ danh thắng của Đà Lạt. Những núi Langbiang, thác Datanla, đồi Robin… đều là danh thắng và nằm ở những vị trí thuận lợi bậc nhất để làm du lịch. Chúng tôi nhìn nhận đây là tài nguyên thiên nhiên. Nhưng, tầm nhìn của doanh nghiệp là phải lấy cái nền của thiên nhiên, tận dụng lợi thế bản địa để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường.
Chúng tôi không bán một cái vé để du khách đi tham quan danh thắng rồi… thôi mà cung cấp đến du khách một loạt trải nghiệm bên trong danh thắng được hình thành từ bàn tay kỳ diệu của tạo hóa. Khi đóng gói những sản phẩm du lịch đưa ra thị trường, chúng tôi tự hỏi nó đã đi đúng định hướng của doanh nghiệp: "Thiên nhiên là nền tảng - Con người làm nên giá trị" hay chưa.
Thực tế chúng tôi đã bám sát vào tôn chỉ để thiên nhiên hỗ trợ cho hành trình phát triển. Thác Datanla được đầu tư trở thành một nơi không chỉ ngắm cảnh, ngắm thác mà trở thành một điểm du lịch khác biệt nhất ở Việt Nam với các sản phẩm du lịch gắn với thể thao - mạo hiểm: Hành trình trên cao (High Rope Course); Thử thách vượt thác Datanla (Datanla Canyoning); Trượt ống với chiều dài đường ống 2,3km, dài nhất Đông Nam Á…
Núi Langbiang được xây dựng trở thành điểm du lịch dã ngoại, trải nghiệm văn hóa gắn với người bản địa K’Ho; đồi Robin là nơi kinh doanh dịch vụ du lịch gắn với lữ hành, nơi đó đã trở thành điểm kết nối giữa vùng du lịch trung tâm Đà Lạt và Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Nói dông dài về các sản phẩm du lịch là để nhấn mạnh rằng các sản phẩm này đều có sự "hỗ trợ" đắc lực từ địa hình đồi - thung lũng, rừng thông, rừng nguyên sinh và khí hậu mát lạnh của Đà Lạt.
* Tại sao du lịch mạo hiểm lại chiếm tỉ trọng lớn trong sản phẩm du lịch của Dalat Tourist, trong khi nói đến Đà Lạt là nói đến thiên nhiên và khí hậu?
- Định hướng của chúng tôi dựa trên các phân tích thị trường. Qua cung cấp dịch vụ du lịch bằng kênh online, chúng tôi có những dữ liệu nghiên cứu thị trường và từ đó chúng tôi quyết định nên làm gì. Du lịch mạo hiểm ở Việt Nam đang bị thiếu nên chúng tôi bổ sung cái thiếu cho thị trường. Nếu không nhờ vậy thì Tripadvisor (công ty du lịch Mỹ chuyên cung cấp các đánh giá liên quan đến du lịch) không xếp thác Datanla vào nhóm 10% những điểm đến hấp dẫn toàn thế giới.
Khác biệt - hài hòa
* Không ít người tò mò về con đường xây dựng thương hiệu quốc gia của một doanh nghiệp địa phương?
- Định nghĩa là doanh nghiệp địa phương chỉ đúng tương đối, một khi bước ra thị trường du lịch và tương tác để phát triển sẽ không thể nói doanh nghiệp nào là quốc gia, quốc tế và địa phương. Trước tiên chúng tôi không coi mình là doanh nghiệp địa phương bởi khách hàng của chúng tôi rất rộng, ngoài phạm vi quốc gia. Chưa kể những định hướng đầu tư ngoài phạm vi tỉnh Lâm Đồng trong tương lai gần.
Chúng tôi được công nhận thương hiệu quốc gia là nhờ mang đến những sản phẩm du lịch về tham quan, vui chơi giải trí và thể thao ngoài trời dựa vào thiên nhiên, đồng thời bổ sung thêm các giá trị của sự sáng tạo, của đầu tư. Trong các sản phẩm khéo léo kết hợp với các giá trị văn hóa, lịch sử và ẩm thực vùng miền. Phát triển chuỗi các dịch vụ du lịch khép kín từ tham quan, vui chơi giải trí, thể thao ngoài trời đến các dịch vụ lưu trú, ẩm thực. Chúng tôi định hình được trên thị trường nhờ sự khác biệt và hài hòa.
* Chúng ta không thể phủ nhận việc môi trường, cảnh quan vùng cao nguyên Lâm Viên đang bị thay đổi, một số danh thắng bị biến dạng do tác động của hoạt động kinh tế trong và ngoài du lịch. Là đơn vị xây dựng giá trị trên nền tảng thiên nhiên, ông xử lý như thế nào để phát triển thương hiệu, bảo tồn giá trị, thưa ông?
- Việc giải quyết để phát triển du lịch bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương, tôi nghĩ cả doanh nghiệp lẫn địa phương phải nỗ lực. Chúng tôi cũng hiểu phát triển du lịch lâu dài không thể đứng ngoài hoạt động kinh tế của cư dân bản địa nên doanh nghiệp có những chính sách để người địa phương, cộng đồng người dân tộc bản địa cùng tham gia vào bộ máy du lịch và cùng chia sẻ giá trị.
Năm 2030: 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia
Đó là một trong những mục tiêu được Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đặt ra, góp phần xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, chiếm vị trí cao trên thị trường quốc tế.
Theo đại diện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, trong thời gian qua, để hoàn thành mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, Ban thư ký chương trình đã tích cực phối hợp với các cơ quan thuộc các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan để nâng cao nhận thức về chương trình.
Trong đó tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu. Hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu và tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, Ban thư ký chương trình đã chủ động triển khai các hình thức tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh. Phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế tổ chức hàng loạt hội nghị giao thương quốc tế trực tuyến nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các khách hàng tiềm năng.
Ban thư ký chương trình cũng tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp với nhà phân phối lớn trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong công tác sản xuất hàng hóa xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Cùng với lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 25-11, các hoạt động khác cũng được tổ chức bao gồm buổi tiếp kiến, báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia và hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm trên báo, đài và phương tiện truyền thông xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận