Từ năm 2015 đến 2019, số lượt khách ở ba thị trường này đến Việt Nam đều tăng liên tục và trở thành những thị trường cung cấp khách quan trọng. Chỉ tính riêng Hàn Quốc vào năm 2019 có hơn 28,7 triệu người Hàn Quốc đã đi du lịch quốc tế, thì có đến 4,3 triệu khách chọn Việt Nam làm điểm đến tham quan.
Tuy nhiên, trong báo cáo tìm hiểu chân dung các nhóm khách này của công ty nghiên cứu thị trường du lịch The Outbox Company vừa được phát hành lại cho thấy các du khách từ 3 thị trường trên "vẫn chưa thực sự hiểu hay có ấn tượng" dù đây là điểm đến ưa thích của họ.
Theo nhóm khảo sát, khi tìm hiểu về mong muốn của các du khách này, kết quả cho thấy mức độ nhận biết của khách còn khá thấp về hình ảnh điểm đến Việt Nam. Điều đó có nghĩa là họ chưa thực sự hiểu rõ và ấn tượng mạnh mẽ về Việt Nam.
Đây là điều đáng tiếc và cũng phản ánh du lịch Việt Nam đang thiếu những chiến dịch quảng bá, truyền thông đến đúng đối tượng khách tiềm năng.
Theo các số liệu thống kê, cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều thuộc top các quốc gia, vùng lãnh thổ có lượng khách đi du lịch nước ngoài cao hàng đầu thế giới. Trong đó, Hàn Quốc có lượng khách xuất ngoại nhiều nhất, theo sau lần lượt là Nhật Bản và Đài Loan.
Các địa điểm ở châu Á bao gồm Việt Nam luôn nằm trong danh sách ưa thích của du khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Đặc biệt, trước dịch, năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ hai trong top các điểm đến hàng đầu với khách Hàn Quốc, chỉ đứng sau Nhật Bản.
Tâm lý và hành vi du lịch nước ngoài của du khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan
Một đặc điểm chung khác của ba thị trường trên là mức chi tiêu cho du lịch nước ngoài cao và tăng khá đều, trung bình khoảng 7%/năm. Và có đến hơn 40% du khách Hàn Quốc và Nhật Bản sẵn sàng nâng ngân sách cho các chuyến du lịch nước ngoài trong thời gian tới.
Khi đi du lịch quốc tế, hơn 40% du khách ở cả ba quốc gia đều lựa chọn khách sạn tiêu chuẩn (2-3 sao). Họ tìm kiếm thông tin du lịch tại các trang web/blog du lịch hoặc tìm kiếm trực tuyến. Sự an toàn chính là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định đi nước ngoài của những vị khách này.
Xét riêng từng thị trường, du khách Hàn Quốc rất chú trọng tới việc lưu trú, khách Nhật Bản mong muốn có được những khoảnh khắc và trải nghiệm xứng đáng với số tiền họ bỏ ra, trong khi khách Đài Loan đặc biệt quan tâm tới phương tiện di chuyển.
So với Nhật Bản và Hàn Quốc, du khách Đài Loan vẫn còn e ngại đi du lịch nước ngoài. Đại dịch và các hạn chế phòng chống dịch nghiêm ngặt trong thời gian dài đã phần nào tác động tới tâm lý của họ. Khoảng 36,4% du khách Đài Loan sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các chuyến đi, nhưng cũng có đến 40,7% dự định cắt giảm chi tiêu cho du lịch để dành ngân sách cho việc chăm lo sức khỏe.
Ông Phước Đặng, CEO The Outbox Company, cho rằng từ những dữ liệu trong báo cáo, hãng hy vọng có thể giúp các doanh nghiệp và điểm đến tại Việt Nam đưa ra những hướng tiếp cận mới thu hút khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan tới tham quan cũng như quay trở lại nhiều lần. Mục tiêu hướng tới là đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 như kế hoạch đề ra.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp du lịch Việt đang đứng ngồi không yên khi Trung Quốc chính thức công bố danh sách 20 quốc gia mà nước này cho phép tổ chức tour outbound, mà không có điểm đến Việt Nam. Vì thế tìm nguồn khách thay thế khoảng trống của khách Trung Quốc là rất cấp thiết. Hiểu tâm lý, hành vi của du khách trên sẽ giúp các địa phương cho ra sản phẩm phù hợp, đúng thị hiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận