Phóng to |
Ngày ngày, các học sinh Việt kiều Campuchia phải cậy nhờ những chuyến đò để đến trường tìm con chữ - Ảnh: THÀNH NHƠN |
Huyện Hồng Ngự có đường biên giới phía bắc giáp với tỉnh Prey Veng, Campuchia, dài hơn 18km. Hằng ngày, nhiều “du học sinh” Việt kiều Campuchia phải lặn lội qua đò hoặc trạm biên phòng biên giới để đến trường.
Sự học theo con nước
Có mặt tại bến đò Cách Cô từ sớm, em Nguyễn Thị Lánh, học sinh lớp 6A1 Trường THCS Thường Thới Hậu B, cùng nhiều bạn chung lớp phải “lụy” từng chuyến đò ngang đến trường. Để kịp chuyến đò, Lánh phải thức dậy từ lúc 5g, đạp xe hơn 7km đến bến đò để qua bên kia biên giới, vào vùng đất mẹ. Dắt chiếc xe đạp nặng trịch rời chuyến đò, cô học sinh nhỏ thó cho biết: “Tụi em cậy đò này cũng gần được một năm rồi. Mùa này con nước êm nên có thể dễ dàng đến trường chứ vào mùa lũ nước chảy xiết, em với nhiều bạn ngồi đò mà nơm nớp lo lắng vì sợ nước cuốn đi mất”.
Miễn học phí UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành văn bản về việc miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh là Việt kiều Campuchia đang học tại các trường thuộc xã biên giới năm học 2013-2014 và 2014-2015. Tổng kinh phí dự kiến là gần 430 triệu đồng trích từ nguồn ngân sách tỉnh. Theo đó, UBND huyện Tân Hồng và Hồng Ngự có trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí đúng mục đích và lập các thủ tục thanh toán, quyết toán theo quy định. |
Cứ đến mùa nước nổi những cánh đồng vùng biên giới Hồng Ngự lại đục ngầu phù sa, mênh mông nước, ấy cũng là thời điểm mà sĩ số học sinh nhiều lớp học Trường THCS Thường Thới Hậu B thưa thớt hẳn. Mùa nước lũ đem lại nguồn lợi to lớn cho cư dân trong vùng nhưng với đám trẻ như Lánh đó là khoảng thời gian xa trường, xa lớp. “Nhiều hôm chỉ có mỗi em bắt đò, các bạn còn lại đều ở nhà hết. Mấy bạn nam thì đi theo cha bắt cua bắt cá, bọn con gái thì ở nhà phụ mẹ giữ em, trông quán” - Lánh nói.
Tranh thủ trước giờ học, em Phạm Thị Thi (lớp 9A3 Trường THCS Thường Thới Hậu A) mang bài vở ra ôn lại. Mang trong mình hai dòng máu VN - Campuchia, cô học sinh với dáng người thấp bé, đen nhẻm lại khiến nhiều bạn bè chung lớp nể phục vì nhiều năm liền là học sinh giỏi. Vui mừng khi vừa đoạt giải khuyến khích môn sử trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh nhưng con đường học phía trước của Thi cũng lắm chênh vênh khi phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương ít ỏi từ công việc tuần tra biên giới của người cha. Thi tâm sự: “Muốn học cấp III phải ra tận thị xã Hồng Ngự, gia đình lại thuộc diện khó khăn nên em không biết có học lên được không. Anh em chỉ học hết cấp II rồi nghỉ nên chắc em cũng vậy”.
Những khó khăn mà Thi và Lánh đang đối mặt cũng là điều trăn trở của hàng trăm học sinh Việt kiều khác đang theo học tại các ngôi trường nơi biên giới Hồng Ngự. Nói về những học trò thân thương, thầy Châu Quang Hiếu, phó hiệu trưởng Trường THCS Thường Thới Hậu B, nhận xét: “Nhiều em thật sự là gương điển hình trong phong trào vượt khó học giỏi của nhà trường. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng các em luôn kiên trì và có tinh thần cầu tiến. Mấy hôm trời mưa đường trơn trượt, nhìn bộ dạng lấm lem đến lớp của các em, thầy cô vừa thấy thương lại vừa khâm phục”.
Tìm mọi cách hỗ trợ “du học sinh”
Từ đầu năm đến nay toàn Trường THCS Thường Thới Hậu A có năm em bỏ học, chủ yếu là những học sinh có học lực yếu. Phần lớn các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn khi cha mẹ sinh sống bằng nghề chài lưới hoặc làm thuê làm mướn.
Cách đó không xa, Trường THCS Thường Thới Hậu B cũng trong tình trạng tương tự. Hiện số lượng học sinh theo học chỉ còn 29 em, giảm bốn em so với đầu năm học. Thầy Lê Đức Dũng, hiệu trưởng, chia sẻ: “Những học sinh Việt kiều mỗi ngày về VN đi học là sự nỗ lực lớn đối với bản thân và gia đình các em. Nhiều em nghỉ học nhưng vì vướng một số yếu tố luật pháp nên ban giám hiệu không thể qua nước bạn để vận động các em trở lại trường. Em nào nghỉ học, giáo viên liên hệ với bạn học chung lớp hoặc bộ đội biên phòng để kêu gọi các em đi học trở lại”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Danh, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hồng Ngự, cho biết phòng có phối hợp cùng các trường tổ chức hướng nghiệp cho các em học sinh là con em Việt kiều biên giới, định hướng cho các em thi vào trường nghề, cao đẳng thay vì đại học. Đây cũng là một trong những chủ trương nhằm giảm bớt tình trạng thừa thầy thiếu thợ, đồng thời giúp các em có việc làm ổn định sau khi theo học nghề.
“Các em học sinh Việt kiều còn lắm nhọc nhằn do gặp khó khăn, trở ngại trong việc làm các thủ tục, giấy tờ cần thiết, nhất là giấy khai sinh. Để tạo điều kiện cho các em được đi học như những học sinh bản địa, ban giám hiệu các trường phối hợp với cán bộ tư pháp địa phương giúp đỡ các em có giấy tờ cần thiết để nhập học, đi tìm con chữ” - ông Danh nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận