Do lẽ nếu chỉ dẹp chuyến đi hay bôi tên các “học sĩ” ngoài khuôn khổ ấy vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Cơ bản người dân muốn biết vấn nạn này được nhận thức như thế nào.
Một tuần nữa sẽ tròn 12 năm ngày Việt Nam ký kết tham gia Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (ngày 9-12), e rằng không mấy “quan viên” biết rằng họ lẽ ra phải thực thi công ước này.
Thời sự hằng ngày lại không cho thấy công ước này đã được các quan chức biết đến nên mọi chuyện mới cứ “bẽ bàng” như đã thấy. Nếu hiểu biết và thực thi công ước đó nhất định sẽ khác.
Xin mượn bộ quy tắc ứng xử của Liên Hiệp Quốc cho các công chức, trích từ bộ công cụ chống tham nhũng mà Liên Hiệp Quốc đã dày công soạn ra cho công chức các nước, ấn bản 11-11-2002, để nhắc rằng:
“- Điều 1.1. Bộ quy tắc này áp dụng cho mọi công chức.
- Điều 19. Nếu người công chức được mời một mối lợi không chính đáng, người ấy nên thực hiện các bước sau để bảo vệ bản thân mình: từ khước các mối lợi không chính đáng...
- Điều 20. Người công chức không nên tự cho phép đặt mình trong một tình thế phải hoàn trả ân huệ cho bất cứ ai hay tổ chức nào, cũng không được cư xử trong năng lực công vụ của mình hay trong đời sống riêng tư sao cho có thể bị người khác tác động bất chính.
- Điều 21. Người công chức không được mời hay ban cấp bất cứ mối lợi nào theo bất kỳ cách thức nào có liên quan đến cương vị của mình”.
Những điều khoản trên đọc qua có vẻ như “vô nghĩa”, song thật ra nếu được các tỉnh vừa liên quan đến các vụ cử người đi “du học” áp dụng triệt để, như mọi công chức khác trên thế giới, thì hiểu rằng đó là những “mối lợi không chính đáng” không hề được phép nhận.
12 năm đã qua kể từ ngày Công ước chống tham nhũng được ký, được phê chuẩn, song chưa được học tập nên có ký, có phê chuẩn cũng không có mấy tác dụng.
Còn nhớ năm 2006, liên quan đến câu chuyện Vinashin, chúng tôi đã đề nghị sớm phổ biến công ước này cho công chức học mà tự phòng chống. Tiếc thay, đã chẳng thấy gì! Trong “rừng” ngày kỷ niệm hay lễ lạt, cũng không hề thấy “Ngày cùng Liên Hiệp Quốc chống tham nhũng” (ngày 9-12 mỗi năm).
Gọi là tiếc do lẽ, nếu đọc kỹ bộ công cụ kèm theo sẽ thấy không đơn giản ai muốn ký duyệt gì thì ký, trái lại sẽ phải được cơ quan kiểm toán nhà nước kiểm tra ngay, không những sự chi tiêu không chính đáng đó mà toàn bộ lịch sử chi tiêu. Do lẽ, nếu như ở một nước khác, do nhu cầu “sạch sẽ”, người dân có quyền nộp đơn yêu cầu kiểm toán.
Sự tham gia của báo chí ở các vụ này hay của người dân chính là một yêu cầu của Công ước chống tham nhũng: “Sự thành công hay thất bại của bất kỳ chiến lược chống tham nhũng quốc gia nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức độ huy động mối quan tâm của dân chúng đến những tổn thất thật sự liên quan đến tham nhũng. Trong hầu hết các trường hợp, toàn thể xã hội gánh chịu chi phí của sự tham nhũng” (sđd, tr.170).
Nhiều nước khác “sạch sẽ” hơn là do cùng phòng chống tham nhũng như mọi công chức trên thế giới. Phòng chống tham nhũng không thể cứ theo “kiểu của ta” mãi được.
Khi mọi công chức đều biết và hiểu công ước, việc soạn thảo Luật phòng chống tham nhũng sẽ sát với công ước hơn, việc áp dụng (làm gì và không làm gì) sẽ trở thành một cách thức ứng xử hơn là cứ... xui trúng ai xem như người đó không may!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận