Kết luận được Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - nêu ra khi chủ trì phiên họp lần thứ 20.
Việc điều chỉnh dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, theo Thủ tướng, "là thời khắc hết sức quan trọng". Việc tuyên bố hết dịch sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật, do liên quan các thủ tục, cơ chế, chính sách, điều khoản chuyển tiếp…
Chống dịch thành công là thắng lợi của nhân dân
Thủ tướng nêu rõ đại dịch COVID-19 gây bất ngờ cho các nước trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chống dịch nhóm A trên quy mô toàn quốc với nhiều khó khăn chưa có tiền lệ. Đặc biệt là năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, gây ra lúng túng, bị động, bất ngờ, thiếu cơ sở vật chất, cơ sở pháp lý.
Với thành công trong phòng, chống dịch COVID-19, dù "đi sau về trước", kết quả đạt được là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động được sức mạnh của nhân dân, doanh nghiệp, đặc biệt có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
"Đây là thắng lợi của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam" - Thủ tướng nhắc lại kết quả chống dịch có được với ba trụ cột: xét nghiệm, cách ly, điều trị; hài hòa giữa biện pháp hành chính với biện pháp khoa học (vắc xin, thuốc…); cách tiếp cận toàn dân, toàn cầu; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch; có chiến lược vắc xin đúng đắn…
Cùng với chống dịch, chúng ta đã mở cửa nền kinh tế sớm, mở cửa với quốc tế, phù hợp tình hình, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Dù vậy, đại dịch gây ra nhiều mất mát, hy sinh, làm khoảng 42.000 người thiệt mạng. Với sự kiện hôm nay, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc, thăm hỏi những gia đình có người thân bị mất do COVID-19, cũng như gửi lời cảm ơn đến toàn thể nhân dân, đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng vũ trang, bạn bè và cộng đồng quốc tế.
Chuẩn bị điều kiện pháp lý, địa phương rà soát tình hình để công bố hết dịch
Rút ra nhiều bài học sau đại dịch, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, đảm bảo an sinh xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.
Về các nhiệm vụ sắp tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần hoàn thiện thủ tục pháp lý việc công bố hết dịch. Chuẩn bị kế hoạch sau đại dịch, do hậu quả COVID-19 vẫn còn kéo dài, nên cần có biện pháp khắc phục.
Theo đó, ông đề nghị Bộ Y tế có kế hoạch tổng kết, đặc biệt bài học chống dịch cho những năm tới nếu có đại dịch tương tự để không bị động, bất ngờ. Tăng cường năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, huy động và sử dụng nguồn lực.
Tiếp tục ổn định đời sống nhân dân, nhất là người chịu tác động trực tiếp của đại dịch; tiếp tục kêu gọi cộng đồng chung tay khắc phục hậu quả sau đại dịch.
Bộ Y tế xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025. Sẵn sàng các điều kiện cần thiết ứng phó đại dịch khác có thể xảy ra, trường hợp COVID-19 có thể quay lại; tiếp tục tiêm vắc xin ngừa COVID-19 phù hợp.
Đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao trên cơ sở đánh giá miễn dịch cộng đồng; nghiên cứu việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 hằng năm trong chương trình tiêm chủng mở rộng…
Các tỉnh thành địa phương rà soát tình hình để công bố hết dịch COVID-19 theo quy định. Với các nguồn lực trong phòng, chống dịch, cần xử lý trên cơ sở tăng cường phòng, chống tham nhũng; tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội.
Coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, làm rõ vấn đề khác nhau giữa dịch nhóm A và nhóm B; tiếp tục vận động, tăng cường năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận