Tên lửa Javelin của Hãng Lockheed Martin trong quân đội Mỹ - Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ
Nhà nghiên cứu của SIPRI, bà Alexandra Marksteiner nói với đài phát thanh Đức DW rằng bà vô cùng ngạc nhiên trước số liệu từ năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch: "Mặc dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định mức suy giảm kinh tế toàn cầu là 3,1%, nhưng chúng tôi thấy doanh số bán vũ khí của 100 công ty hàng đầu này vẫn tăng lên 1,3%".
Doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới đạt tổng cộng 531 tỉ USD vào năm 2020.
Trong số này, 41 công ty Mỹ chiếm tỉ trọng 54%. Các công ty vũ khí lớn trong ngành đều có trụ sở tại Mỹ. Riêng tập đoàn hàng không vũ trụ và vũ khí quốc phòng Mỹ Lockheed Martin đã bán được hơn 58 tỉ USD hệ thống vũ khí vào năm 2020.
Quyền lực chính trị
Ông Markus Bayer, một nhà khoa học chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu xung đột quốc tế Bonn (BICC), nói các công ty vũ khí đang cố tình gây ảnh hưởng chính trị.
Trích dẫn báo cáo của Tổ chức minh bạch Open Secrets, ông Bayer nói: "Các công ty quốc phòng chi hàng triệu USD mỗi năm để vận động giới chính trị gia và quyên góp cho các chiến dịch vận động của họ. Trong 2 thập kỷ qua, các công ty quốc phòng đóng góp cho các chiến dịch 2,5 tỉ USD. Từ đó, họ vận động hành lang để tác động đến chính sách quốc phòng".
Đối với các gã khổng lồ sản xuất vũ khí, việc chi tiêu dường như sẽ được đền đáp. Nhà nghiên cứu Marksteiner giải thích Bộ Quốc phòng Mỹ đã hỗ trợ có mục tiêu cho ngành công nghiệp vũ khí trong thời kỳ đại dịch.
"Ví dụ, họ đảm bảo nhân viên của các công ty quốc phòng được miễn hầu hết các lệnh lưu trú tại nhà. Mặt khác, có một số đơn đặt hàng đã được ký kết, để tiền có thể được chuyển đến các công ty sớm hơn một chút".
Công nghệ thông tin quân sự
Bà Simone Wisotzki, chuyên gia về kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Frankfurt (PRIF), cũng lưu ý ranh giới giữa công nghệ dân sự và quân sự ngày càng trở nên mờ nhạt.
Bà nói: "Công nghệ thông tin không còn có thể tách rời khỏi công nghệ vũ khí. Trong báo cáo mới của mình, SIPRI đặc biệt xem xét vai trò ngày càng tăng của các công ty công nghệ trong kinh doanh vũ khí.
"Nếu bạn muốn có một bức tranh rõ ràng về ngành công nghiệp vũ khí, bạn không thể chỉ nói về những nhà sản xuất vũ khí truyền thống như Lockheed Martin", bà Marksteiner nhấn mạnh.
Báo cáo của SIPRI cho biết trong những năm gần đây, một số gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon như Google, Microsoft và Oracle đã tìm cách tham gia sâu hơn vào lĩnh vực kinh doanh vũ khí và giành được những hợp đồng béo bở.
SIPRI đưa ra ví dụ về thỏa thuận giữa Microsoft và Bộ Quốc phòng Mỹ trị giá 22 tỉ USD. Công ty đã ký được hợp đồng cung cấp cho quân đội Mỹ một loại siêu kính, được gọi là Hệ thống tăng cường hình ảnh tích hợp. Siêu kính này sẽ cung cấp cho lực lượng thông tin tại chiến trường.
Sự quan tâm của quân đội Mỹ đối với Thung lũng Silicon là điều dễ lý giải. Bà Marksteiner nói: "Họ nhận ra là trong những công nghệ mới này, trí tuệ nhân tạo hoặc điện toán đám mây đều có thể trở thành vũ khí. Chuyên môn của các công ty ở Thung lũng Silicon vượt xa những gì thấy được từ các nhà sản xuất vũ khí truyền thống. Có khả năng một số công ty trong số này sẽ thực sự lọt vào top 100 của SIPRI".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận