Chị Phan Thị Kim Thương (quận Gò Vấp, TP.HCM) làm việc tại nhà để chăm sóc hai con nhỏ do các trường mầm non chưa mở cửa trở lại - Ảnh: NHẬT THỊNH
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT tính đến ngày 15-1, có 14 tỉnh thành dạy học trực tiếp đối với học sinh tất cả các cấp từ mầm non đến phổ thông (chiếm 22,22%). Bên cạnh đó, có 30 tỉnh thành đang kết hợp cả dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, qua truyền hình (chiếm 47,61%). Còn 19 tỉnh thành vẫn đang dạy học trực tuyến và qua truyền hình với học sinh từ tiểu học đến THPT (chiếm 30,15%).
Nguồn: ĐH Quốc gia Hà Nội - Đồ họa: TUẤN ANH
Xa trường lớp: hệ lụy bắt đầu nhìn thấy rõ...
Ông Mai Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - địa phương đã rất nỗ lực để mở lại trường học, nói thực tế cho thấy COVID-19 với học sinh không quá nguy hiểm bằng bệnh... nghiện game hay nhiều vấn đề tiêu cực khác đang gia tăng khi học sinh kéo dài việc không đến trường.
Phân tích kỹ hơn, PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc học sinh không đến trường, hằng ngày chỉ ở trong không gian học trực tuyến lặp đi lặp lại khiến trẻ dễ có cảm giác bị bỏ rơi, buồn chán, sợ hãi. Nhiều học sinh gặp khó khăn trong học tập, lại thêm bị cha mẹ quản lý quá chặt, can thiệp không đúng cách dẫn tới mệt mỏi, căng thẳng, giảm trí nhớ, rối loạn cảm xúc. Có học sinh không muốn giao tiếp, một số khác thì tiếp cận nhiều hơn với mạng Internet dễ lạm dụng game, chịu những tác động tiêu cực...
Vì thế, ông Hà cho rằng không thể yên tâm với việc nhốt trẻ trong nhà kéo dài để phòng dịch vì thực tế cho thấy hệ lụy của việc này đang tác động tiêu cực lên tinh thần, thể chất học sinh.
Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam - bà Simone Vis nhận định không riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia đều đang phải khắc phục hậu quả của việc đóng cửa trường học kéo dài.
Hậu quả đó là: chất lượng giáo dục sụt giảm, học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực cả thể chất và tinh thần, giáo viên thất nghiệp và hiện khi các trường mở cửa trở lại bên cạnh phải giải quyết việc thiếu giáo viên là phải bù đắp những tổn thương, thiếu hụt về sức khỏe tinh thần, thể chất và những kỹ năng cần thiết cho học sinh. Cũng chính vì thế, việc thúc đẩy các giải pháp để đưa học sinh trở lại trường học sớm nhất là mục tiêu đặt ra ở nhiều quốc gia.
Học sinh khối 9 Hà Nội trong ngày trở lại trường học tập trung - Ảnh: NAM TRẦN
Yêu cầu đưa học sinh 12 - 17 tuổi đã tiêm vắc xin trở lại trường
Báo cáo của Bộ GD-ĐT tính đến ngày 15-1, số học sinh từ 12 - 17 tuổi tiêm mũi 1 vắc xin đạt trên 90%, số tiêm đủ 2 mũi đạt trên 72%. Số cán bộ giáo viên tiêm đủ 2 mũi đạt trên 82%. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tỉ lệ phủ vắc xin này đã đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Bộ Y tế đang chuẩn bị kế hoạch tiếp tục tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để tính toán mở cửa trường học. "Cho học sinh trở lại trường sau Tết là hợp lý vì các hoạt động xã hội đều trở lại bình thường, giao tiếp xã hội đã bình thường. Học sinh cũng theo cha mẹ đi chơi, ra hàng quán rồi. Vậy thì không có lý do gì để các em ở nhà học trực tuyến nữa" - ông Sơn nói.
Ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết trên 96% học sinh 12 - 17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và Hà Nội dự kiến sẽ cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường sau dịp nghỉ Tết. Trong khi đó, với tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin 100% cho học sinh 12 - 17 tuổi ở Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết sẽ thúc đẩy việc tiêm mũi 3 cho học sinh khi đủ thời gian.
Ngoài ra TP Hải Phòng cũng vận động phụ huynh của những học sinh có bệnh nền chưa tiêm vắc xin để thực hiện tiêm đợt vét sau khi có kế hoạch bảo đảm an toàn cho đối tượng học sinh này. Hiện Hải Phòng là một trong những địa phương kiên định với việc cho học sinh vùng nguy cơ thấp đi học và sẵn sàng chuyển trạng thái khi cần thiết.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng đã có đủ căn cứ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc mở cửa trường. Trong đó, đưa học sinh đã tiêm vắc xin trở lại trường sau Tết "là một yêu cầu". Vì thế, việc phủ vắc xin cho giáo viên, học sinh, trong đó ưu tiên học sinh 12 - 17 tuổi được xem là giải pháp chủ đạo ở nhiều địa phương tại thời điểm này.
Học sinh Trường tiểu học Thạnh An, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM đi học trực tiếp tại trường tháng 10-2021 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Học sinh tiểu học - mầm non: người lớn phải thật sự cộng tác
Tại hội thảo, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị lãnh đạo các địa phương, sở GD-ĐT cần "khẩn trương, cương quyết, chu đáo" trong quá trình chuẩn bị đưa học sinh trở lại trường, kể cả học sinh trung học đã tiêm vắc xin hay trẻ mầm non, tiểu học chưa tiêm.
"Với lứa tuổi mầm non, tiểu học, các địa phương cần có chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức là hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, các cấp, các ngành; đặc biệt là sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh" - ông Nguyễn Kim Sơn lưu ý.
Theo số liệu của TP.HCM, Bắc Giang, Hải Phòng và một số địa phương đang xen kẽ cho học sinh đi học trực tiếp kết hợp trực tuyến thì trường hợp học sinh, giáo viên lây nhiễm sau khi mở cổng trường không lớn. Ông Mai Sơn cho biết trong hơn 500 học sinh của Bắc Giang là F0 thì chỉ có 1 trường hợp nặng nhưng đã có chuyển biến tích cực, còn phần lớn không có triệu chứng hoặc dấu hiệu nhẹ. Trong số này có cả học sinh đã và chưa tiêm vắc xin. Các thống kê cũng cho thấy ít trường hợp lây nhiễm từ trường học.
Ông Trần Minh Điển, giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết thực tế hầu hết trẻ bị nhiễm bệnh không phải từ nhà trường mà từ gia đình và cộng đồng. Các chuyên gia cũng cho rằng lo ngại không cho học sinh đến trường nhưng lại chủ quan, không tuân thủ phòng dịch ngoài cộng đồng là hành động cần phải thay đổi để bảo vệ quyền được đến trường của trẻ em.
Với những phân tích trên, các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng không chỉ học sinh 12 - 17 tuổi đã tiêm vắc xin mà học sinh chưa tiêm vắc xin cũng có thể trở lại trường sau khi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tại hội thảo, Bộ GD-ĐT đánh giá cao cách làm của TP.HCM khi tận dụng thời cơ dịch bắt đầu được đẩy lui để thí điểm cho học sinh ở Cần Giờ đi học rồi mở dần, trên cơ sở tạo sự đồng thuận với phụ huynh.
Ông Điển nhấn mạnh thêm các địa phương, mỗi nhà trường cần có nhiều kịch bản sau khi đón học sinh trở lại trường. Trong đó điều cần chú trọng đầu tiên là phòng dịch cho học sinh tại gia đình, trên đường đi, ngoài cộng đồng và trong trường học. "Các gia đình ai có thể tiêm vắc xin được thì tiêm, người lớn cần có ý thức phòng dịch để bảo vệ cho con trẻ được đến trường" - ông Điển phát biểu.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Tránh 2 trạng thái cực đoan
Việc cho học sinh trở lại trường cần tránh 2 trạng thái cực đoan: hoặc e dè chần chừ thái quá trong mở cửa, hoặc khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô... Tới đây Bộ Y tế sẽ sớm ban hành các văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch.
Theo đó, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có các điều chỉnh so với văn bản cũ để phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra Bộ GD-ĐT sẽ có thêm các hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo điều kiện cho địa phương triển khai.
Các địa phương khi quyết định cho học sinh quay lại trường cần chỉ đạo các trường chuẩn bị tinh thần, tâm lý cho cả phụ huynh và học sinh. Cần có các hoạt động hòa nhập, tương tác, chú trọng bổ sung dạy các kỹ năng cần thiết. Do một thời gian dài học sinh học trực tuyến sẽ có tình trạng giáo viên, học sinh ngại dạy, ngại học trực tiếp, nên cần có hỗ trợ để học sinh có hứng thú, giáo viên thích ứng trở lại.
Có quyết tâm mới nghĩ ra cách thực hiện
Chia sẻ về quyết định mạnh mẽ mở cửa trường học tại Bắc Giang, dù địa phương này từng có hàng chục ngàn cán bộ, giáo viên, học sinh trở thành F0, F1, F2, nhiều trường học được trưng dụng làm cơ sở cách ly, điều trị, ông Mai Sơn cho biết tỉnh đã sử dụng hàng loạt giải pháp linh hoạt.
Có thể kể ra: các trường sẵn sàng chuyển trạng thái để kết hợp dạy học trực tuyến, trực tiếp; có những lớp học "3 trong 1" để tận dụng tối đa thời gian học sinh được trở lại trường; giáo viên thường xuyên dạy nhiều lớp được yêu cầu xét nghiệm 3 ngày/lần, siết chặt việc kiểm soát, phòng dịch cả trong và ngoài nhà trường.
Bắc Giang cũng là địa phương hiếm hoi "đóng cửa hàng quán ăn để mở cửa trường học", quyết tâm không để dịch lây lan trong cộng đồng để học sinh được đến trường.
Mở cửa trường là ưu tiên hàng đầu ở các nước
Thông tin tại hội thảo, ông Phạm Quang Hưng, cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT), cho biết theo khuyến cáo của UNICEF và UNESCO, trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng là trường học.
Theo khuyến nghị này, nhiều quốc gia đã có quy định về tiêm vắc xin, chiến lược xét nghiệm cho học sinh, đưa ra biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch, tăng cường nhận thức của phụ huynh và học sinh trong giai đoạn đầu mở cửa trường học.
Ví dụ, Thái Lan cho phép các trường học có giáo viên/nhân viên tiêm từ 85% trở lên được mở cửa trở lại. Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia... tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi. Hàn Quốc và Singapore đã hoàn thành tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 - 18 tuổi.
Các nước cũng hối thúc trẻ chưa tiêm vắc xin đi học. Với đối tượng này, Singapore và Nhật Bản quản lý chặt hơn (kiểm tra các triệu chứng), Canada và Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm.
Tuy nhiên, việc áp dụng quy định không được cứng nhắc mà phải giao quyền tự chủ cho các địa phương. Ví dụ, Pháp giao từng địa phương quyết định căn cứ tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh, các trường từ tiểu học đến THPT sẽ học trực tiếp nếu là vùng xanh và vàng, còn vùng cam và đỏ sẽ kết hợp học trực tuyến và trực tiếp. Nhật Bản và Thái Lan cho phép hiệu trưởng được quyền quyết định đóng cửa các trường học khi xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong trường học, thời gian đóng cửa tối đa 7 ngày...
TP.HCM: trẻ mầm non làm quen "bình thường mới" trong 5 ngày
Chị Nguyễn Khắc Thu Hoài (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) là nhân viên kế toán phải làm việc tại nhà để chăm con nhỏ khi các trường mầm non, nhà trẻ chưa được hoạt động - Ảnh: NHẬT THỊNH
Ngày 19-1, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức giao ban triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác trọng tâm năm học 2021 - 2022 của ngành giáo dục mầm non TP. Ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng các cơ sở giáo dục mầm non cần chuẩn bị kỹ hơn, chặt chẽ hơn so với bậc tiểu học, như thêm chủ đề là chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng sống thích ứng với mùa dịch; tuyên truyền rõ ràng cho phụ huynh, học sinh; cần nghiêm túc thực hiện 5K với các nhóm trẻ tư thục... khi đón trẻ trở lại sau Tết.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng phòng giáo dục mầm non, thông tin trong 5 ngày đầu tiên đi học trở lại, TP chia ra nhiệm vụ cụ thể của từng ngày học. Theo đó:
- Ngày đầu tiên: Giáo viên sẽ làm quen với trẻ, hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân, lưu ý không cho trẻ dùng chung đồ dùng với bạn. Dạy trẻ kỹ năng và quy tắc để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
- Ngày thứ hai: Các trường giáo dục trẻ ý thức giữ gìn bản thân, nhận biết các biểu hiện bệnh như: sốt, ho và mệt, đau nhức chân tay, đau đầu, khó thở... và xử trí kịp thời. Tổ chức các trò chơi theo nhóm nhỏ tăng cường vận động, kết nối trẻ với trẻ, cô với trẻ.
- Ngày thứ ba: Tiếp tục củng cố các thói quen vệ sinh cá nhân, thực hiện 5K; tăng cường các hoạt động, trò chơi theo nhóm nhỏ để củng cố kiến thức, kỹ năng đã được hỗ trợ qua clip.
- Ngày thứ tư: Mở rộng các hoạt động giáo dục, vận động phát triển thể chất.
- Ngày thứ năm: Dạy trẻ nhận biết các thực phẩm dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, kỹ năng sống thích ứng trong mùa dịch bệnh như: tính tự lập, bình tĩnh... Chú ý hoạt động cốt lõi trong bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi nhằm chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào lớp 1, hình thành kỹ năng học tập.
TH.THƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận