20/03/2022 11:14 GMT+7

Đủ chiêu lừa đảo qua điện thoại

M.HÒA - X.MAI - D.TRỌNG - Đ.CƯỜNG
M.HÒA - X.MAI - D.TRỌNG - Đ.CƯỜNG

TTO - Khi hầu hết các hoạt động giải trí, trao đổi thông tin, công việc, tài chính… đều được đông đảo người dân thực hiện qua điện thoại di động, nó trở thành đích nhắm của rất nhiều chiêu trò lừa đảo.

Đủ chiêu lừa đảo qua điện thoại - Ảnh 1.

Nóng nhất trong số các chiêu trò này là lợi dụng cả dịch bệnh COVID-19 để lừa đảo, bên cạnh những kiểu lừa đảo xuất hiện trong thời gian gần đây như lừa... bị truy nã, lừa bị vi phạm luật giao thông...

Dịch bệnh cũng không chừa

Dịch COVID-19 đã trải qua hơn 2 năm, đã có nhiều cảnh báo từ các đơn vị, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình dịch lừa đảo người dân với nhiều chiêu trò khác nhau, đặc biệt trong thời điểm đỉnh dịch từ giữa năm đến cuối năm 2021.

Điển hình cảnh báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khi trung tâm này từng tiếp nhận phản ảnh của người dân về việc nhận tin nhắn từ một đầu số lạ, thông báo "tình trạng bệnh" sau đó có đề nghị gọi thêm số điện thoại theo hướng dẫn, cung cấp CMND và tất nhiên sau đó đã có cả một kế hoạch... lừa.

Một ngân hàng lớn cũng cảnh báo trong bối cảnh dịch COVID-19 đã xuất hiện thủ đoạn mạo danh ngân hàng gửi email thông báo cung cấp gói hỗ trợ và yêu cầu khách hàng truy cập đường link để nhận gói hỗ trợ này.

Các bệnh viện cũng bị kẻ xấu lợi dụng trên danh nghĩa bệnh viện, kêu gọi tài trợ trên mạng xã hội hay tự xưng là "bác sĩ" của bệnh viện để tư vấn sức khỏe, yêu cầu người bệnh mua thuốc… 

Thậm chí, kẻ xấu đã mạo danh số điện thoại Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP với đầu số "hao hao" so với số gốc (số chính xác là 18001119 và số giả mạo là 10881119), yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng… 

Dù dịch tại TP.HCM đã "giảm nhiệt" nhưng HCDC tiếp tục khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các trường hợp giả mạo nhân viên y tế lừa đảo nhằm mục đích xấu.

Đến khi Bảo hiểm xã hội hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì nhiều đầu số như 052, +84563…; +84528…; +84582… nhảy vào với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, rồi từ từ đưa nạn nhân vào bẫy lừa.

Lừa bị truy nã, liên quan các vụ án

Thời gian vừa qua, nhiều người dân cho biết họ bỗng dưng nhận được tin nhắn "Lệnh truy nã", nêu rõ thời gian ra quyết định và hành vi bị truy nã, đồng thời yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác trình diện. 

Đại tá Trần Ngọc Cường - trưởng Phòng truy nã, truy tìm, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - khẳng định công an không gửi quyết định truy nã bằng tin nhắn điện thoại.

"Các tin nhắn với nội dung "lệnh truy nã" là của kẻ xấu giả mạo để "dọa" người dân nhằm mục đích lừa đảo. Vì vậy, người dân khi nhận được những tin nhắn này không nên hoang mang, lo sợ. Bên cạnh đó người dân cần cảnh giác, tỉnh táo, không làm theo hướng dẫn để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo", đại tá Cường nhấn mạnh.

Ngoài giả danh công an thông báo "lệnh truy nã", thời gian qua lực lượng chức năng đã có nhiều khuyến cáo về việc kẻ xấu mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát… gọi điện hù dọa liên quan đến vi phạm giao thông, án ma túy, rửa tiền… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Điển hình của chiêu trò này là vụ một người sau khi bị yêu cầu xác minh tài sản, chứng minh thu nhập, nguồn gốc tài sản đang có rồi đăng nhập vào một đường link với nội dung TCB HUI SMART OTP gửi đến số 80... 

Sau khi thực hiện các thao tác theo yêu cầu, tài khoản ngân hàng của nạn nhân đã bị trừ đến 800 triệu đồng. Số tiền được chuyển sang tài khoản 0000474… mang tên người khác.

Đủ chiêu lừa đảo qua điện thoại - Ảnh 2.

Cục CSGT khẳng định CSGT không gọi điện thoại mà gửi văn bản đến người bị "phạt nguội" để đến trụ sở giải quyết. Trong ảnh: xử lý công việc tại Phòng CSGT Công an Đà Nẵng - Ảnh: Đ.C.

Lừa vi phạm luật giao thông, bị phạt nguội

Bên cạnh đó, nhiều người dân còn nhận được cuộc gọi từ số lạ, tự xưng là công an đang điều tra về một vụ án liên quan đến người nhận cuộc gọi và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cho người xưng là công an để xác minh vụ việc.

Ngoài ra, kẻ xấu còn giả danh cán bộ của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) gọi điện thoại thông báo cho người đã bị "phạt nguội", yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân và làm theo các bước hướng dẫn để đóng phạt… 

Hôm 18-3, anh S. (ngụ TP Thủ Đức) bất ngờ nhận được điện thoại từ số máy lạ 1655... gọi đến xưng là người của Cục CSGT (Bộ Công an). 

Người này thông báo anh S. bị xử lý "phạt nguội" lỗi vi phạm giao thông ở Đà Nẵng và yêu cầu anh S. cung cấp tên, tuổi, số CMND/CCCD để kiểm tra trên hệ thống của Cục CSGT là lỗi gì, số tiền phạt, biện pháp xử lý. Chỉ đến khi anh S. khẳng định mình không ở Đà Nẵng và không cho ai mượn xe vào thời điểm đó thì kẻ xấu mới cúp máy.

Điểm chú ý là có khá nhiều cuộc thông báo phạt nguội được những kẻ lừa đảo "phát đi từ Đà Nẵng" dù "con mồi" ở khắp nơi. 

Mới nhất, N.Đ.P. (trú TP Mỹ Tho, Tiền Giang) đã phản ảnh đến cơ quan chức năng tại Đà Nẵng về việc có người xưng là cán bộ Sở GTVT Đà Nẵng gọi điện hỏi ông có phải là người thuê xe BKS 43B… gây tai nạn tại ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng) rồi bỏ chạy không và hồ sơ vụ việc có số là 038185... Rất may ông P. đã cảnh giác hỏi lại các cơ quan chức năng nên không bị sập bẫy.

Đại diện Cục CSGT khẳng định theo quy định, tất cả trường hợp vi phạm giao thông thuộc diện phạt nguội đều được CSGT gửi thông báo bằng văn bản tới chủ xe hoặc công an xã, phường, thị trấn mời tới trụ sở để tiếp nhận thông báo của CSGT, hoặc khi đi đăng kiểm sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới CSGT xử lý. Các đơn vị CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm giao thông và không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. 

Để tra cứu xe vi phạm qua hình ảnh trên toàn quốc, người dân có thể truy cập: http://www.csgt.vn/m/tra-cuu-phuong-tien-vi-pham.html.

Đủ chiêu lừa đảo qua điện thoại - Ảnh 3.

Số điện thoại +1666.8336.6632 lừa đảo báo vi phạm giao thông, mặc dù xe khổ chủ hết bình nằm nhà cả năm trời - Ảnh: T.T.D.

Giả danh cả điện lực để lừa

Một số khách hàng sử dụng điện ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên còn bị các cuộc gọi từ số di động lạ đòi nộp tiền điện với số tiền lớn cùng lời hù dọa cắt điện. Thậm chí các đối tượng lừa đảo còn lập 4 đầu số giả tổng đài ngành điện miền Trung để lấy cước phí của khách hàng với giá đến 8.000 đồng/phút.

Tổng công ty Điện lực miền Trung đã yêu cầu các công ty điện lực thành viên thông báo rộng rãi để khách hàng cảnh giác.

Khuyến cáo khách hàng tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống của điện lực như SMS, email, website, tổng đài 19001909 và không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc chuyển tiền vào tài khoản khi chưa xác minh thông tin.

Lừa đảo qua điện thoại ở nước ngoài cũng tương tự

Cơ quan Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) cho biết xuất hiện nhiều trường hợp lừa đảo tự nhận là nhân viên của cơ quan này và nhiều người dân đã nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +65 6812 555, rất giống số đường dây nóng là 6812 5555.

"Họ cáo buộc người phía bên kia đầu dây phát tán tin giả liên quan đến COVID-19 hay vi phạm quy định phòng chống dịch, đồng thời cho biết những người này sẽ sớm bị xử lý hoặc cần trả một khoản tiền phạt", nhà chức trách cho biết.

"Những kẻ lừa đảo có thể sử dụng công nghệ giả mạo ID người gọi để che giấu số điện thoại thật và hiển thị một số khác. Các cuộc gọi thoạt nhìn như số điện thoại từ trong Singapore nhưng thực chất có thể từ nước ngoài", ICA cho biết thêm.

Trong khi đó, cảnh sát Singapore cho biết hiện đang điều tra gần 200 trường hợp lừa đảo giả dạng là cảnh sát.

Những kẻ này đã sử dụng hình ảnh cảnh sát lấy trên mạng để gửi thông tin qua các phần mềm nhắn tin và sau đó, việc "liên quan đến các vụ án, sao kê, chuyển tiền" tương tự như các chiêu lừa ở Việt Nam.

Để tránh trường hợp tương tự tại Scotland, đại diện cảnh sát nước này cho biết đã triển khai thẻ định danh mới cho lực lượng cảnh sát, bao gồm ảnh chân dung và các thông tin liên quan khiến thẻ này khó có thể làm giả.

LAN HƯƠNG

Vì sao nhà mạng không ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo?

dt luad

Tin nhắn giả mạo "Lệnh truy nã" gửi đến người dân nhằm mục đích lừa

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một nhà mạng cho biết theo luật, nhà mạng không được phép nghe nội dung cuộc gọi hay xem nội dung tin nhắn vì đó là quyền riêng tư giữa những người dùng với nhau.

Trong khi đó, hầu hết các cuộc gọi hay tin nhắn lừa đảo hiện nay đều xuất phát từ các đầu số liên lạc cá nhân, hệ thống kỹ thuật đương nhiên sẽ không thể biết được nội dung trao đổi giữa người gọi và người nghe là gì.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hệ thống kỹ thuật nhận diện, phát hiện và ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác của các nhà mạng hiện nay đều chủ yếu căn cứ vào các thông số như tần suất thực hiện cuộc gọi, nhắn tin đến hàng loạt số liên lạc lạ trong cùng thời điểm hoặc liên tiếp nhau.

Bên cạnh đó là sự kết hợp với phản ảnh của người dùng trong việc xác nhận số điện thoại có phải là nguồn thực hiện cuộc gọi rác hay phát tán tin nhắn rác.

Do đó, việc phát hiện và ngăn chặn các cuộc gọi, tin nhắn có nội dung lừa đảo, quấy rối, hù dọa… không hề dễ dàng.

Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông (đề nghị không nêu tên) cho rằng chừng nào vẫn còn tình trạng SIM rác, SIM có thông tin không chính chủ thì cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn hoành hành và chúng ta khó lòng phát hiện, xử lý các hành vi lừa đảo, quấy rối, hù dọa.

Theo báo cáo công bố cuối tháng 2 vừa qua của Hãng bảo mật Kaspersky, 63,5 triệu mối đe dọa mạng tại Việt Nam đã bị phát hiện trong năm 2021.

Ông Vitaly Kamluk, trưởng Nhóm nghiên cứu và phân tích toàn cầu Kaspersky châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng xu hướng lừa đảo được thúc đẩy bởi sự tự động hóa ở một số dịch vụ như cuộc gọi, tin nhắn tự động cần hành động tiếp theo của người dùng (như click vào đường link, trả lời thông tin…).

"Chúng tôi tin rằng xu hướng này sẽ càng gia tăng trong tương lai, bao gồm phát triển những thông tin liên quan đến người dùng như hình ảnh, video, giọng nói.

Có thể sẽ có sự chuyển đổi từ lừa đảo có sự trợ giúp của máy tính sang lừa đảo từ tài sản số (tài khoản người dùng, smartphone, máy tính cá nhân) và chúng ta sẽ sớm thấy loại hình lừa đảo này trong năm 2022" - ông Vitaly Kamluk nói.

Đ.THIỆN

Làm gì khi nhận tin nhắn, cuộc gọi hù dọa, lừa đảo?

Theo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), khi người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn đe dọa đòi nợ, hù dọa, quấy rối:

- Trước tiên nên liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng hoặc cơ quan tín dụng để khiếu nại, yêu cầu hỗ trợ. Trong trường hợp vẫn bị đe dọa, nên khai báo với cơ quan công an địa phương.

Ngoài ra có thể liên hệ với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước để đề nghị xem xét xử lý những dấu hiệu vi phạm liên quan đến công tác đôn đốc, thu hồi nợ…

- Đối với các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo nên xác minh trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng và công ty viễn thông trước khi thực hiện các dịch vụ được giới thiệu.

Đồng thời thông báo kịp thời tới ngân hàng, nhà mạng và cơ quan công an để tìm phương án xử lý kịp thời trong trường hợp bị mất quyền sử dụng SIM, nghi ngờ bị lộ thông tin cá nhân tại ngân hàng.

Với các ứng dụng ngân hàng, nhiều ngân hàng khuyến nghị người dùng nên ưu tiên chọn sử dụng Smart OTP thông qua ứng dụng do ngân hàng phát hành với chế độ bảo mật 2 bước, thay vì sử dụng phương thức nhận OTP qua tin nhắn SMS.

Bên cạnh đó, người dùng không nên cung cấp thông tin bảo mật như giấy tờ tùy thân, mã OTP (từ ngân hàng, ví điện tử, nhà mạng di động...), thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng và mã CVV, mã PIN... cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào; không bấm vào đường link lạ hoặc thực hiện các yêu cầu thao tác soạn tin nhắn theo cú pháp lạ.

Đ.THIỆN

Phát hiện vụ lắp đặt 3 trạm BTS trái phép để phát tán tin nhắn rác

Ngày 19-3, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết thanh tra bộ đã phát hiện 3 người gồm Bế Văn Trường (29 tuổi, trú tại Quảng Ninh), Trương Đức Dương (33 tuổi, trú tại Hà Nam), Hoàng Quốc Anh (23 tuổi, trú tại Quảng Ninh) có hành vi lắp đặt, sử dụng trái phép trạm BTS (trạm thu phát sóng di động) tại một số địa điểm ở TP.HCM. Thanh tra bộ đã chuyển hồ sơ vụ việc đến công an để xử lý hình sự.

Sau khi phát hiện dấu hiệu xâm nhập trái phép mạng viễn thông, ngày 11 và 12-2, thanh tra bộ đã phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an thanh tra đột xuất việc lắp đặt, sử dụng trạm BTS ở TP.HCM và phát hiện 3 người trên thiết lập 3 trạm BTS giả tại 3 địa điểm ở quận Tân Bình và quận 12 để phát tán tin nhắn rác.

Theo khai nhận của Trường, Dương, Anh, cả 3 được người Trung Quốc giao các trạm BTS (không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tên thiết bị, không có thông tin nhà sản xuất) và thuê phát tán tin nhắn rác tại khu vực có nhiều người qua lại.

3 người đã phát tán nhiều tin nhắn rác đến điện thoại người sử dụng gồm tin quảng cáo dịch vụ, giới thiệu các trang web cờ bạc…

DANH TRỌNG

Mất hơn 200 triệu đồng vì dính lừa đảo qua Internet và điện thoại Mất hơn 200 triệu đồng vì dính lừa đảo qua Internet và điện thoại

TTO – Chỉ trong vòng 5 ngày trong tháng 3-2020, hai người dân ở Vĩnh Long dính chiêu lừa đảo qua mạng, mất trắng 220 triệu đồng và 1.000 USD.

M.HÒA - X.MAI - D.TRỌNG - Đ.CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp