25/06/2015 11:16 GMT+7

Dự báo khí tượng sai phải chịu trách nhiệm

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Nhiều đại biểu cho rằng cần quy định trách nhiệm dự báo, cảnh báo KTTV trong trường hợp thông tin dự báo, cảnh báo không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Chiều 24-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật khí tượng thủy văn (KTTV). Nhiều đại biểu cho rằng cần quy định trách nhiệm dự báo, cảnh báo KTTV trong trường hợp thông tin dự báo, cảnh báo không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), các quy định về dự báo, cảnh báo KTTV là nội dung quan trọng, vì thông tin dự báo, cảnh báo KTTV có tác động lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thông tin không chính xác về dự báo, cảnh báo KTTV có thể dẫn đến thiệt hại rất lớn về tài sản và thậm chí là tính mạng của nhân dân.

Trong những năm vừa qua đã có một số lần dự báo, cảnh báo KTTV không chính xác dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. “Cần bổ sung một số quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong trường hợp đưa tin, cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng” - ông Luyến nói.

Đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) bày tỏ sự không đồng tình với cách giải trình của ban soạn thảo khi cho rằng “dự báo thì có thể không chính xác hoàn toàn”. “Đồng ý là không chính xác hoàn toàn nhưng không thể sai lệch nghiêm trọng. Không nên né tránh điều này” - bà Phương nói.

Luật thông qua rồi vẫn có từ ngữ thiếu chính xác?

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đã đặt vấn đề như trên trong phiên làm việc của Quốc hội chiều 24-6. Ông Mạo cho rằng khi xây dựng các đạo luật vừa qua, Quốc hội thường tập trung vào nội dung mà ít chú ý đến từ ngữ, vì thế có một số dự án luật đã được thông qua có một số từ ngữ thiếu chính xác.

Ví dụ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương, dùng từ “chấp nhận” trong trường hợp đại biểu HĐND xin thôi nhiệm vụ, đúng ra phải dùng từ “chấp thuận”. Nghĩa là HĐND chấp thuận cho đại biểu xin thôi nhiệm vụ (vì lý do nào đó) chứ không phải là “chấp nhận”.

Hoặc trong Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) vừa thông qua, tại điều 27 quy định về miễn nhiệm kiểm toán viên nhà nước đã dùng cụm từ “bị miễn nhiệm” trong các trường hợp như khi bị kết tội bằng bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, vi phạm về phẩm chất đạo đức kiểm toán viên nhà nước...

Ông Đồng Hữu Mạo cho rằng trong các trường hợp như vậy mà dùng cụm từ “bị miễn nhiệm” là không đúng. Luật cán bộ công chức đã định nghĩa “miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh”. Lẽ ra trong các trường hợp trên nên dùng từ “bãi nhiệm” (với hàm ý như là hình thức kỷ luật không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh - PV).

Ông Mạo cho rằng dùng từ ngữ thiếu chính xác trong luật sẽ dẫn đến dùng sai trong xã hội và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Do vậy, trong quy trình xây dựng pháp luật phải có bộ phận rà soát từ ngữ trước khi trình Quốc hội thông qua.

V.V.THÀNH

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp