Vietravel Airlines lựa chọn cảng hàng không Phú Bài (Thừa Thiên Huế) làm sân bay căn cứ - Ảnh: THÁI LỘC
Đó là đánh giá của Bộ GT-VT trong văn bản vừa gửi Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xin ý kiến thẩm định dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (dự án Vietravel Airlines) của Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Công ty Vietravel).
Trước đó, ngày 12-7, Sở Kế hoạch và đầu tư Thừa Thiên Huế (nơi tiếp nhận dự án Vietravel Airlines) đã có công văn lấy ý kiến Bộ GT-VT về dự án này.
Bộ GT-VT cho biết ủng hộ chủ trương thành lập các hãng hàng không mới theo đúng quy định của pháp luật và quy hoạch nhằm tăng sự cạnh tranh và đa dạng sản phẩm dịch vụ hàng không khi 5 năm qua thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh với tốc độ 20,5% về hành khách và 3,2% về hàng hóa.
Bộ GT-VT đánh giá dự án Vietravel Airlines không trái với quy hoạch, chính sách phát triển vận tải hàng không theo các quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Mô hình khai thác dự kiến của Vietravel Airlines là cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch cần được khuyến khích vì Việt Nam chưa có hãng nào cung cấp dịch vụ này, trong khi đã có khoảng 30 hãng hàng không trên thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, Bộ GT-VT cũng đánh giá mô hình khai thác trên của Vietravel Airlines tiềm ẩn khó khăn như: khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm vận tải hàng không như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh.
Trong trường hợp khai thác các chuyến bay thuê chuyến không hiệu quả, Vietravel Airlines chuyển sang khai thác thường lệ sẽ phải sử dụng các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đỗ máy bay qua đêm, góp phần gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không…
Theo Bộ GT-VT, quy hoạch đội bay của các hãng hàng không Việt Nam là 255 chiếc vào năm 2020 và 384 chiếc vào năm 2025. Số liệu này được tính toán trên cơ sở dự báo thị trường và thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trung bình là 250.000 khách/máy bay/năm.
Do vậy, quy mô đội máy bay 3 chiếc vào năm 2020 và 8 chiếc vào năm 2024 của Vietravel Airlines nằm trong nhu cầu tăng trưởng đội máy bay của các hàng hàng không, không trái với quy hoạch của Thủ tướng.
Việc Vietravel Airlines lựa chọn sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) làm sân bay căn cứ về cơ bản phù hợp với năng lực của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay.
Dù vậy, để dự án Vietravel Airlines tăng thêm tính khả thi, Bộ GT-VT đề nghị bổ sung: đánh giá cụ thể năng lực sân bay Phú Bài, phương án đảm bảo tính đồng bộ của sân bay căn cứ này về cơ sở lưu trú của tổ bay, dịch vụ xăng dầu, suất ăn, bảo dưỡng máy bay…
Cũng cần có báo cáo và hồ sơ liên quan đến việc đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án, phương án đảm bảo tài chính luôn đáp ứng về điều kiện mức vốn tối thiểu, tỉ lệ vốn góp nước ngoài đầu tư vào dự án theo đúng quy định...
Đồng thời Bộ GT-VT đề nghị Vietravel Airlines giải trình chi tiết về nguồn lao động, tuyển dụng lao động nước ngoải để tăng tính khả thi của dự án, đảm bảo không xảy ra việc lôi kéo, sử dụng phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất của các hãng hàng không đang khai thác và các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không.
"Trên cơ sở hồ sơ dự án của Công ty Vietravel, Bộ GT-VT nhận thấy dự án này đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong hồ sơ theo yêu cầu trên.
Trong trường hợp Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ GT-VT sẽ chi đạo Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm thẩm định các điều kiện về kinh doanh vận tải hàng không được quy định tại Luật Hàng không dân dụng và nghị định liên quan và báo cáo Bộ GT-VT kết quả thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không", Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn nêu rõ trong văn bản gửi Sở Kế hoạch và đầu tư Thừa Thiên Huế.
Bộ GT-VT nhấn mạnh việc thành lập mới các hãng hàng không phải bảo đảm các nguyên tắc: Bảo đảm sự phát triển bền vững, ổn định; hạn chế, loại bỏ hiện tượng phát triển, tăng trưởng quá nhanh nhưng không bền vững; Chủ đầu tư phải có tiềm lực kinh tế mạnh, có năng lực quản trị, vận hành, khai thác hãng hàng không; Việc thành lập mới hãng hàng không phải góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn hệ thống; Phải bảo đảm yêu cầu có sự đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ; Đảm bảo thị trường có sự cạnh tranh lành mạnh.
Đề án thành lập hãng hàng không mới phải có tinh khả thi, các nội dung đã được Thủ tướng phê duyệt phải thực hiện đúng theo nguyên tắc nhất quán, tránh hiện tượng thay đổi nội dung đề án sau khi đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận