Đường vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương đã được đầu tư một số đoạn trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Trong ảnh: nút giao giữa xa lộ Hà Nội và đường Mỹ Phước - Tân Vạn (bên phải) - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ngày 22-3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục làm việc với UBND TP.HCM, rà soát hoàn thiện báo cáo tiền khả thi dự án đường vành đai 3 TP.HCM trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ. Đồng thời Thủ tướng cũng ủy quyền cho bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư ký tờ trình gửi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án này.
Bình Dương đã xong quá nửa
UBND tỉnh Bình Dương cũng vừa có kiến nghị Thủ tướng một số cơ chế về vốn, thu hồi đất để hỗ trợ địa phương này có thể phối hợp hoàn thành sớm các đoạn của đường vành đai 3, 4 TP.HCM qua Bình Dương, thay vì phải kéo dài thêm vài năm theo kế hoạch chung.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương dài hơn 26km, trong đó tỉnh này đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng 15,3km. Hiện còn 10,7km chưa đầu tư với nhu cầu vốn khoảng 19.300 tỉ đồng, đã được Thủ tướng đồng ý phân bổ ngân sách trung ương và tỉnh theo tỉ lệ mỗi bên 50%.
Theo kế hoạch thì việc phân bổ vốn nói trên trong giai đoạn 2022 - 2027 nhưng để đẩy nhanh dự án, tỉnh Bình Dương kiến nghị trung ương bố trí vốn trong hai năm 2023 - 2024, phần vốn còn lại tỉnh sẽ quyết tâm bố trí để hoàn thành trong năm 2024.
Đối với đường vành đai 4 TP.HCM, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện đoạn từ cầu Thủ Biên (bắc ngang sông Đồng Nai, nối hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai) đến sông Sài Gòn dài khoảng 48,3km. Hiện nay Bình Dương đã chủ động hoàn thành nhiều đoạn của tuyến đường này với chiều dài 26,6km, còn lại 21,7km chưa đầu tư.
Theo kế hoạch, tới năm 2030 đường vành đai 4 TP.HCM mới hoàn thành nhưng UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị cho tỉnh được đầu tư các đoạn còn lại từ nguồn vốn hỗn hợp để có thể hoàn thành dự án trong năm 2024 (sớm hơn 6 năm). Trong đó tỉnh sẽ giải phóng mặt bằng từ ngân sách tỉnh, còn chi phí xây lắp sẽ từ vốn của các chủ đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị, cảng sông có tuyến đường đi qua.
Đề xuất nhiều cơ chế
UBND TP.HCM mới đây có báo cáo gửi Chính phủ về một số giải pháp, đề xuất từ kết quả hội thảo dự án đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM được tổ chức giữa tháng 3-2022.
Các ý kiến từ hội thảo đề xuất các địa phương trong vùng nghiên cứu cơ chế hình thành một quỹ đầu tư. Các địa phương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đầu tư hạ tầng giao thông, thu hồi vốn từ khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến và thu phí để trả nợ, giảm dần sự phụ thuộc từ vốn ngân sách trung ương.
Các đại biểu đề xuất TP.HCM là cơ quan điều phối chung, hình thành quỹ phát triển hạ tầng giao thông cho cả vùng, tạo thế tự chủ về nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các tuyến đường mang tính chiến lược.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM giai đoạn 1 dài hơn 76,34km, có vốn đầu tư sơ bộ khoảng 75.378 tỉ đồng đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương. Trong đó trung ương bố trí 50% tổng mức đầu tư ở các dự án thành phần tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và 75% tổng vốn đầu tư các dự án thành phần địa bàn tỉnh Long An.
Trong khi đó, dự án đường vành đai 4 TP.HCM có chiều dài khoảng 200km, quy mô 6 - 8 làn xe, điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước, TP.HCM. Đường vành đai 4 TP.HCM hiện đang được các địa phương cùng với các bộ ngành rà soát, đề xuất phương án thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận