Hai Phó thủ tướng Chính phủ có các chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh dự án vành đai 3,4 - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Vành đai 3 dài 89km, vành đai 4 dài 197km là tuyến đường quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dù đã được quy hoạch từ lâu nhưng vành đai 3 hiện mới làm được một đoạn 16,3km tại Bình Dương, còn vành đai 4 chưa làm.
Giao địa phương thực hiện dự án
Về mặt pháp lý, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội ra nghị quyết để các địa phương có cơ chế giải phóng mặt bằng cho dự án. Như vậy, địa phương nào làm chậm thì trách nhiệm của địa phương đó.
Hiện Bộ GTVT đang làm báo cáo tiền khả thi dự án để trong nhiệm kỳ này chúng ta sẽ làm cái gì, dự án nào, kinh phí khoảng bao nhiêu.
Về trách nhiệm đầu tư, theo tinh thần của Chính phủ, dự án trên địa phương nào, địa phương đó được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, địa phương sẽ chủ động giải phóng mặt bằng, mời gọi đầu tư, triển khai thi công.
"Nhiều địa phương thực hiện, dự án sẽ nhanh hơn. Còn bộ có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục, đôn đốc thực hiện. Tùy theo tình hình nếu dự án nào khó khăn, Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Theo ông Thể, vành đai 3 năm 2025 phải xong, vành đai 4 các địa phương phải làm càng sớm càng tốt. Các địa phương phải tiến hành di dời hạ tầng kỹ thuật, tái định cư, phải làm ngay bây giờ, không thể đợi nữa.
Tại cuộc họp, lãnh đạo TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng đã có kiến nghị về cơ chế nguồn vốn và giải phóng mặt bằng nhằm triển khai nhanh 2 dự án nêu trên.
Không thể bao cấp mãi
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM là kết nối giao thông giữa trung tâm TP với các địa phương lân cận, trong đó có dự án đường vành đai 3, 4.
Tại 2 dự án này, việc xác định các địa phương là cơ quan nhà nước thẩm quyền quyết định đầu tư và đảm nhận việc giải phóng mặt bằng vô cùng quan trọng. Hiện nay cần phải có đề án sớm về đường vành đai 3, 4 để trình Quốc hội điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với quá trình thực hiện.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay các quyết định trước đây cũng đã phân cấp để thực hiện 2 tuyến đường trên nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Đối với đường vành đai 3 chỉ mới hoàn thành một đoạn Bình Dương 16,3km.
"Theo phương thức cũ, tư duy bao cấp chờ vốn ngân sách sẽ khó xong vành đai 3, 4. Chúng ta phải thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa bằng hình thức PPP", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu các bộ ngành trung ương cần phải hướng dẫn các địa phương lập phương án nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trong đó, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan và các địa phương để tháo gỡ vướng mắc, cần thiết sẽ kiến nghị sửa luật trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội để triển khai nhanh dự án.
"Chúng ta phải quyết tâm làm nhanh, quyết liệt. Đường vành đai 3 phải xong trước 2025. Vành đai 4 hoàn thành càng sớm càng tốt, đừng để kéo dài đến 2030. Vành đai 2 của TP.HCM phải xong trong năm 2022", Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo.
Tại cuộc họp, thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Thành Thống đề xuất dự án vành đai 3, 4 cần có nhạc trưởng là Bộ GTVT để tập trung một đầu mối thực hiện các phần việc từ triển khai, đầu tư cũng như xử lý các vấn đề phát sinh.
Đồng thời cần có nguồn tiền sẵn, lớn để tập trung chi đền bù giải phóng mặt bằng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận