05/05/2023 10:56 GMT+7

Dự án vải vụn - Không gian kết nối cha mẹ và con cái

'Dự án vải vụn' - cái tên nghe như chẳng có gì của Diên Vĩ vốn đang làm trong lĩnh vực thiết kế thời trang, không chỉ khởi động cho ý tưởng bảo vệ môi trường mà còn mở ra không gian tương tác, trò chuyện cuối tuần giữa cha mẹ và con cái.

Diên Vĩ - Ảnh: NVCC

Diên Vĩ - Ảnh: NVCC

Tiêu chí bền vững là điều cô gái 9X ấy đặt lên hàng đầu. Đó cũng là lý do của mô hình tuần hoàn mà Vĩ đang làm, bởi các loại vải thừa trong quá trình thiết kế trang phục được tận dụng, hạn chế rác thải ra môi trường, tạo thành sản phẩm mới có thể bán gây quỹ vận hành dự án sáng tạo từ vải vụn này.

Mình không muốn các hoạt động của "Dự án vải vụn" nổi lên rồi chìm xuống như một trào lưu mà mong câu chuyện này chạm đến các cá nhân, tổ chức để hoạt động ngày càng có thêm bạn đồng hành.

DIÊN VĨ

Để cha mẹ lắng nghe con nhiều hơn

Khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2021, Diên Vĩ tham gia nhiều hoạt động trực tuyến dành cho thanh thiếu niên, đặc biệt về giáo dục giới tính.

Chính hành trình này mà Vĩ gọi là "đỉnh điểm" khiến bạn quyết định phải làm điều gì đó cùng cộng đồng, đặc biệt hướng đến các bạn trẻ.

"Dịch bệnh đã phơi bày nhiều vấn đề mà người trẻ gặp phải. Mình tự nhủ nếu không phải bây giờ thì lúc nào mới bắt tay vào làm và không muốn mãi chỉ là những ý tưởng hay dự định trong đầu nữa, mà phải hành động" - Vĩ nói.

"Dự án vải vụn" chính thức được khởi động vào tháng 4-2022. Đó là những workshop làm sản phẩm thủ công từ vải vụn dành cho trẻ em từ 4 - 14 tuổi đi cùng cha mẹ.

Phụ huynh không chỉ đi cùng mà phải làm cùng con là một trong các yêu cầu được Diên Vĩ đặt ra với người đăng ký tham gia từng chương trình.

Quan sát và tìm hiểu trước đó, Vĩ biết nhiều phụ huynh có điều kiện tài chính sẵn sàng gửi con đến học ở các trung tâm dạy kỹ năng vào cuối tuần nhưng bản thân họ quá bận rộn.

Nhiều người chỉ có thể tranh thủ đưa con đến chỗ học xong rồi chạy đi công việc ngay hoặc ngồi bấm điện thoại, trong khi những ngày khác trong tuần họ đều dành cho công việc, lo làm và hầu như không có thời gian trò chuyện, lắng nghe con.

"Thông qua những giờ phút ngồi làm đồ thủ công cùng nhau khi tham gia dự án, cha mẹ và con sẽ có nhiều thời gian để tương tác, gắn kết với nhau hơn. Tụi mình có nguồn vải vụn, còn địa điểm được các phụ huynh chung tay tìm kiếm như quán cà phê hay công viên, chứ đâu có nhiều kinh phí thực hiện" - Vĩ cười.

“Dự án vải vụn” với các buổi làm sản phẩm thủ công để cha mẹ và các con cùng làm với nhau - Ảnh: NVCC

“Dự án vải vụn” với các buổi làm sản phẩm thủ công để cha mẹ và các con cùng làm với nhau - Ảnh: NVCC

4 tháng, 25 chương trình

Dù là dự án cộng đồng, chiến lược của Diên Vĩ khá đặc biệt khi bạn thực hiện mô hình nhượng quyền ý tưởng. Điều này giúp nhân rộng hoạt động trong thời gian ngắn, nên chỉ trong 4 tháng đã có 25 workshop thủ công được tổ chức tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác.

Vĩ cho biết các bạn trao quyền để người tham gia chủ động tổ chức, chọn địa điểm. Dự án chỉ quản lý link đăng ký, chủ đề thực hiện các chương trình. Và mỗi sự kiện đều có tình nguyện viên đã được tập huấn đến cùng tham dự để đảm bảo đúng định hướng của dự án.

Thời gian đầu khi số tình nguyện viên ít, Diên Vĩ cùng các thành viên nòng cốt của dự án phải trực tiếp đến tham gia hỗ trợ tổ chức. Nên có khi hôm nay làm ở TP.HCM, ngày mai nhóm lại chạy ra Vũng Tàu, rồi bay đi Hà Nội ngay sau đó.

Chọn cách diễn đạt gần gũi, thông thường chính là cách cô gái 9X ấy hướng đến khi quyết định hình thành "Dự án vải vụn" với các hoạt động liên quan. Ngoài những workshop, tháng 5 này, Diên Vĩ còn có các lớp chia sẻ kỹ năng về giáo dục giới tính.

Vĩ cùng các bạn trẻ thực hiện dự án muốn mang những lớp học này đến với khu vực miền núi, nơi trẻ em ít có cơ hội tiếp cận với kiến thức, kỹ năng. Đấy sẽ là các kỹ năng, hiểu biết cơ bản nhất như cách vệ sinh thân thể, hiểu về cơ thể mình, nâng cao khả năng tự vệ, phòng chống xâm hại tình dục cho các bạn nhỏ.

Còn tại TP.HCM và Hà Nội, hiện dự án cũng đang thực hiện chiến dịch tái chế jeans. Tức là các bạn trẻ có thể sử dụng vải jeans làm nguyên liệu tạo ra các sản phẩm thời trang để bán đấu giá và gây quỹ.

Nguồn quỹ này sẽ được Vĩ dùng để tổ chức các lớp chia sẻ kỹ năng về giới tính như đã nói ở trên. Cô gái ấy ấp ủ sẽ mang chiến dịch tái chế này đến với bệnh nhi ung thư để các bạn có thể tham gia như một sân chơi, thỏa sức sáng tạo.

Nguồn vải vụn hiện đang có được lấy từ cửa hàng thời trang do Vĩ sáng lập. Nhưng trong tương lai, Vĩ mong có nhiều đơn vị trong ngành thời trang biết đến và đồng hành để tăng thêm nguồn vải cho dự án. Đó là lúc sẽ có nhiều nguồn lực hơn, tạo ra nhiều tác động và giá trị hơn cho cộng đồng.

Thói quen nhìn mọi việc đơn giản

Diên Vĩ kể luôn tập cho mình thói quen nhìn mọi việc đơn giản nên phản ứng với mọi thứ diễn ra cũng nhẹ nhàng hơn. Tuy vậy, quan sát xung quanh, Vĩ thấy nhiều người nhìn nhận những biến cố, sự việc trong cuộc sống khá nặng nề. Và cô tự hỏi vì sao như thế?

Quá trình tự khám phá chính mình và tìm hiểu người khác thông qua các hoạt động liên quan đến tâm lý, Vĩ biết có không ít bạn trẻ lớn lên cùng những tổn thương trong gia đình. Cuộc sống ngày càng bận rộn, cha mẹ càng ít có cơ hội trò chuyện, lắng nghe tâm tư của con.

"Đối mặt cùng nhiều vấn đề thường nhật của bất kỳ gia đình nào, mối dây liên kết cha mẹ - con cái dần mờ nhạt là lý do khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy lạc lõng và không được thấu hiểu ngay khi ở trong chính gia đình mình" - Vĩ chia sẻ.

Bác sĩ "triệu view" thử sức start-up bảo vệ môi trường, khám bệnh từ xaBác sĩ 'triệu view' thử sức start-up bảo vệ môi trường, khám bệnh từ xa

Bác sĩ CKI Phạm Minh Trường hiện tập trung vào start-up PMT Aesthetic để nâng cao hơn nữa hiệu quả khám chữa bệnh từ xa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp