Giờ học theo mô hình của học sinh Trường THCS Quang Trung, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: M.G.
Theo ông Hiển, Dự án trường học mới VN (VNEN) đã kết thúc vào cuối năm học 2014-2015 nhưng những ưu điểm của VNEN đang được tiếp tục áp dụng và nhân rộng ra ở các trường ngoài dự án.
Nếu ở những trường dừng áp dụng bộ sách giáo khoa (SGK) của dự án (gọi là tài liệu hướng dẫn học) không có nghĩa ở đó đã kết thúc vai trò, tác dụng của dự án, đây chỉ là một trong những nội dung của mô hình.
Thậm chí không dùng SGK của dự án nhưng vẫn có thể vận dụng được những ưu điểm về phương pháp dạy học. Không nên coi đó là sự lãng phí khi dự án kết thúc.
4 điểm mới của VNEN
Theo ông Hiển, VN có 4 thành tố mới sau đây:
- Phương pháp dạy học đề cao và rèn luyện năng lực tự học cho học sinh thông qua phối hợp học cá nhân và học tương tác theo cặp đôi hoặc theo nhóm, lớp. SGK của dự án có thêm nội dung hướng dẫn học. Thư viện lớp học, góc học tập, góc cộng đồng... được xây dựng ở lớp, ở trường cũng là những giải pháp hỗ trợ phương pháp dạy học của VNEN.
- Rèn luyện cho học sinh năng lực tự chủ, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội và kỹ năng làm việc thông qua việc xây dựng và hướng dẫn hoạt động của các tập thể học sinh tự quản, xây dựng các câu lạc bộ, môi trường học tập thân thiện...
- Phát triển năng lực chuyên môn của giáo viên thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Qua đó phát huy năng lực tự chủ, phát huy tính sáng tạo của giáo viên và nhà trường theo hướng coi hoạt động học là trung tâm, gắn nội dung dạy học với thực tiễn cuộc sống của cộng đồng, tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm thực tế.
- Đổi mới đánh giá học sinh theo tinh thần đánh giá vì sự tiến bộ của người học, kết hợp đánh giá thường xuyên trong quá trình giáo dục với đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Thông tư 30, được sửa đổi bổ sung bởi thông tư 22, về đánh giá học sinh tiểu học chính là kết quả của việc thể chế hóa phương pháp đánh giá học sinh của dự án này.
Ngoài ra, được biết Bộ GD-ĐT cũng đang tổ chức nghiên cứu, xây dựng lại điều lệ trường phổ thông, trong đó sẽ vận dụng các thử nghiệm đã thành công của dự án VNEN.
Phát huy thế nào?
Với 4 đặc điểm chính ở trên, điểm nào cũng cần phải và có thể tiếp tục áp dụng. Nói riêng về phương pháp dạy học, một trong những đặc trưng quan trọng nhất của phương pháp dạy học phát triển năng lực học sinh là phối hợp tốt giữa học cá nhân và học tương tác (cặp đôi, theo nhóm hay cả lớp), việc đổi mới chương trình và SGK yêu cầu phải triển khai các phương pháp này, do đó tùy điều kiện mà giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện hoạt động học ở những mức độ, hình thức phù hợp.
Việc "quây học sinh học theo nhóm nhỏ" chỉ là một hình thức cụ thể, nếu không thể "quây" được thì vẫn có nhiều hình thức khác, ví dụ trao đổi với bạn bên cạnh hay với bạn ngồi phía trước - phía sau.
Không nên hiểu máy móc VNEN là một mô hình riêng khi dự án đã kết thúc. Đó chỉ là một cách triển khai cụ thể và đã đem đến những kết quả cụ thể khác nhau ở các trường khác nhau. Vấn đề bây giờ là cần phải biết rút kinh nghiệm từ đó để tiếp tục vận dụng vào từng nhà trường như thế nào.
Nhưng dù thế nào khâu tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ quản lý và giáo viên hiểu rõ và biết làm cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Như đã trao đổi ở trên, không thể nói là "ngừng VNEN" mà chỉ là ngừng tạm thời những nội dung nào đó của VNEN.
Theo tôi, chẳng có nội dung nào phải ngừng mà nên là vận dụng đến mức nào và như thế nào, kể cả "SGK của VNEN" mà hiện nay đã được NXB Giáo Dục hoàn thiện hơn trong năm học này. Nói vậy cũng là nói đến yêu cầu về tính chủ động và sáng tạo của mỗi tập thể nhà trường, mỗi giáo viên và sự sâu sát trong chỉ đạo thực hiện.
Đáp ứng được việc thi chung
Phụ huynh lo lắng về việc học sinh học hai chương trình nhưng thi chung là có thật - ông Hiển thừa nhận. Nhưng thực tế nội dung "SGK của VNEN" không bớt xén so với SGK hiện hành, chỉ có phương pháp dạy học được hướng dẫn tốt hơn theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Mặt khác, mấy năm gần đây, thi tuyển sinh THPT và thi THPT quốc gia cũng đã bước đầu đổi mới theo hướng này.
Tuy nhiên, vẫn có thực tế là sự đổi mới đó chưa thật đồng bộ nên phụ huynh và một số giáo viên còn băn khoăn. Nhưng cũng phải nói thêm rằng mô hình VNEN hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu của các kỳ thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia và học sinh lại được phát triển hơn về các kỹ năng khác như trên đã nêu.
Nói chung, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan gây khó cho quá trình áp dụng các kết quả của dự án như sự hạn chế về tính chủ động và quyết tâm của cán bộ, giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất... cần phải từng bước khắc phục.
Trong đó quan trọng nhất là trách nhiệm của các cấp quản lý, chỉ đạo và sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh của từng trường. Vì vậy, không thể nói là có đủ điều kiện mới triển khai, chỉ là nhiều hay ít và quyết tâm đến mức độ nào.
Nghệ An: chọn lọc thành tố tốt của VNEN
Một tiết học theo chương trình VNEN tại Trường tiểu học Nguyễn Trãi, TP Vinh, Nghệ An trước đây - Ảnh: D.H.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An - cho biết chương trình VNEN ở Nghệ An đã kết thúc. Ngành giáo dục Nghệ An đã không áp dụng hoàn toàn "trọn gói" VNEN một cách máy móc ở các trường mà vận dụng linh hoạt, sáng tạo những hiệu quả mới, chọn lọc ưu điểm của VNEN với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học.
Theo bà Chi, qua đánh giá VNEN có những mặt được như phương pháp dạy học của giáo viên được nâng lên, học sinh nhanh nhẹn, chủ động hơn, nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống của học sinh và có sự chuyển biến thực sự.
"Hiện nay các trường đã và đang thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm. Các trường chưa triển khai VNEN cần chủ động lựa chọn một số thành tố tích cực của VNEN để đổi mới phương thức giáo dục" - bà Chi nói.
DOÃN HÒA
VNEN ở các địa phương khác ra sao?
Lâm Đồng: mô hình chuyển tiếp tốt. Ông Văn Đức Phương - hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, huyện Bảo Lâm - cho biết trường bắt đầu triển khai mô hình VNEN từ năm học 2015-2016. Sau nhiều nỗ lực, việc triển khai mô hình VNEN tại trường đạt được kết quả rất tốt.
Theo ông Phương, học sinh năng động và mạnh dạn hơn trong học tập, biết cách tự học, tự trình bày ý kiến của mình. Giáo viên cũng không còn bỡ ngỡ như trước đây, biết cách dạy, cách quản lý lớp học, biết cách thiết kế bài học sao cho phát huy tính tích cực, năng động sáng tạo của học sinh.
Tuy nhiên, trường dựa vào sách để thiết kế lại cho phù hợp hơn với đặc thù địa phương và học sinh. Việc đánh giá ở mô hình VNEN cũng quá cao so với chương trình hiện hành. Chẳng hạn ở khối 6, học sinh có 3 môn dưới 5 điểm là không hoàn thành trong khi mô hình cũ vẫn được lên lớp. Đây là yếu tố khiến phụ huynh lo lắng" - ông Phương nói thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thái - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đức Trọng - cho biết hầu hết các trường triển khai VNEN trong huyện đều nằm ở vùng sâu, vùng xa và đã khá thành công.
Bà Lê Thị Tuyết - hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Hiệp (huyện Đức Trọng) - cho rằng cá nhân bà nhận thấy mô hình VNEN là một mô hình chuyển tiếp rất tốt cho giáo viên khi chuyển sang chương trình giáo dục phổ thông mới.
(MINH GIẢNG)
Quảng Ngãi: tình hình ổn định.
Ông Đỗ Văn Phu, giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết khi sử dụng phương pháp này, tình hình chung là rất ổn định.
Điều ghi nhận thêm ở chương trình này đối với phạm vi tỉnh là học sinh miền núi được học tăng cường tiếng Việt, song song tiếng đồng bào. Lãnh đạo tỉnh có dự giờ và đánh giá tốt một cách khách quan.
l Quảng Nam: phù hợp với tỉnh. Ông Nguyễn Bá Hảo, trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho biết hệ tiểu học áp dụng VNEN có hiệu quả, là mô hình rất thích hợp với Quảng Nam, phụ huynh đồng tình, học sinh năng động, tích cực hơn.
(TH.THƯƠNG)
Đắk Nông: nhiều nơi 100% đồng ý.
Ông Nguyễn Văn Toàn, giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông, cho biết trong năm học này (2018-2019) sở chỉ giữ lại 8 trường học để triển khai mô hình VNEN. 8 trường này là những nơi có đầy đủ điều kiện để áp dụng mô hình.
"Đặc biệt, những nơi này từ cán bộ quản lý, giáo viên đến phụ huynh và học sinh rất hào hứng với mô hình VNEN nên chúng tôi quyết định tiếp tục cho áp dụng từ năm học này và những năm tiếp theo" - ông Toàn cho biết.
Trước đó, cuối năm 2017, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Đắk Nông yêu cầu Sở GD-ĐT phải có đợt khảo sát để đánh giá hiệu quả việc triển khai mô hình VNEN một cách khách quan. Sở đã tiến hành khảo sát thực tế tại 14 trường và nhiều trường có 100% cán bộ quản lý, giáo viên đồng ý tiếp tục thực hiện mô hình này vì có hiệu quả.
Nhiều giáo viên đề nghị để triển khai hiệu quả hơn, cần nâng cao năng lực, sự nhiệt huyết của giáo viên đối với mô hình... Các trường khác khuyến khích sử dụng SGK hiện hành để soạn bài giảng, dạy học theo mô hình (không quay bàn ghế).
(TR.TÂN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận