Phóng to |
Thầy Nguyễn Thanh Tùng chỉ vào vết nứt tại phòng thí nghiệm |
Chưa bàn giao đã sụt lún!
Trường THCS Song Phụng nằm ven bờ sông Hậu, vào trường phải đi bộ vì con đường đang được thi công bờ kè chống lũ. Mỗi năm nước lũ tràn đồng, Trường Song Phụng cũng không thoát khỏi cảnh ngập úng. Có nghĩa là khi thi công xây dựng, các yếu tố của nền địa chất yếu, vùng thường xuyên ngập úng... là điều tất nhiên phải được tính toán khi bắt đầu khởi công.
Thế nhưng công trình gồm một trệt, một lầu và 10 phòng này đã bị lún nứt trước cả khi bàn giao (8-2003). Toàn bộ hành lang của trường đều bị sụt lún, tường nứt ở một số phòng, trên lầu thì bị rỉ dột. Đáng nói hơn là hệ thống nhà vệ sinh và tường rào mà theo lời các thầy cô là “nghe nói xây hơn tám mươi mấy triệu” mới tệ hại. Do nhà vệ sinh được làm một cách cẩu thả (đóng cừ tràm, bên dưới tấn bao cát) nên một thời gian ngắn sau nó đã hoàn toàn bị rỗng ruột.
Sau khi nghe phản ảnh, đơn vị thi công đã đến sửa chữa công trình Trường THCS Song Phụng. Toàn bộ hành lang được tháo lên làm lại, phòng được sơn chống thấm, các khe nứt cũng được trám lại, nhà vệ sinh được đổ bêtông...
Thế nhưng hiện trạng sau khi sửa chữa vẫn chẳng hứa hẹn gì sáng sủa, như lời thầy Thanh Long: “Nhà trường và phụ huynh đấu tranh dữ lắm mới nâng thời hạn bảo hành từ một năm lên hai năm. Nhưng sau thời hạn bảo hành, nếu như sụt lún tiếp thì không biết lấy kinh phí sửa chữa từ đâu. Hiện nay nhà vệ sinh nam vẫn tiếp tục nứt, trên lầu vẫn còn năm phòng bị rỉ thấm. Mấy anh kỹ thuật nói tường sẽ còn nứt nữa, nền sẽ còn lún nữa...”.
Đưa chúng tôi đi thăm trường, thầy Nguyễn Thanh Tùng, bí thư chi đoàn Trường THCS Đại Ân 1 của huyện mới Cù Lao Dung, cho biết: “Do sụt lún nên mãi đến tháng 12-2002 trường mới được đưa vào sử dụng sau khi đã sửa chữa. Vậy mà một thời gian sau lại phải tiếp tục công tác sửa chữa”.
Trường Đại Ân 1 đã phải hai lần tháo toàn bộ gạch của hành lang và một số phòng học lên để sửa chữa. Thậm chí trường còn phải thuê thợ điện tháo các ổ điện ra để sửa lại vì hệ thống điện trục trặc, đèn không sáng, quạt không quay...! Nhìn những lớp học với nền nhà mấp mô, bấp bênh, những vết nứt chạy dài xuất hiện khắp nơi mới hiểu được có trường mới chưa hẳn đã an tâm và hạnh phúc!
Lún đào - nứt trét!
Phóng to |
sụt lún tại điểm giao nhau giữa cầu thang và nền phòng học ở Trường THCS Đại Ân 1 |
Ở Sóc Trăng, dự án đã đầu tư xây dựng mới 14 trường THCS tại sáu huyện thị (thị xã Sóc Trăng và các huyện Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Thạnh Trị và Cù Lao Dung) với tổng kinh phí gần 20 tỉ đồng. Qua báo cáo công tác kiểm tra chất lượng của Sở Xây dựng tỉnh Sóc Trăng về 14 công trình trường học này, có đến... chín điểm trường có dấu hiệu nứt tường, sụp nền, thấm nước...
Trong đó nặng nhất là Trường THCS Song Phụng, huyện Long Phú (do Công ty xây dựng vật liệu thương mại BMC trúng thầu xây dựng), THCS xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung (Công ty TNHH Thuận Việt, TP.HCM xây dựng) và THCS An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung (Công ty Xây dựng Sóc Trăng xây dựng). Chủ đầu tư là Sở GD-ĐT Sóc Trăng đã buộc các đơn vị thi công tiến hành khắc phục sửa chữa, đồng thời nâng thời gian bảo hành từ một năm lên hai năm. Nhưng đến nay những ngôi trường này vẫn đang có dấu hiệu nứt tường, sụt nền trở lại.
Ông Nguyễn Ngọc Nguyên - cán bộ phòng kế hoạch tài chính Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, người trực tiếp theo dõi các công trình trường học thuộc dự án giáo dục THCS - cho biết: “Do các đơn vị thi công những ngôi trường kém chất lượng (hiện đang thi công 31 trường học theo dự án kiên cố trường học của tỉnh), nên sau thời hạn bảo hành nếu tiếp tục xuống cấp thì Sở GD-ĐT và Sở Xây dựng sẽ kết hợp giám định lại và buộc đơn vị thi công sửa chữa tiếp”.
Lún thì đào lên làm lại, nứt thì trét ximăng vào. Xem ra điệp khúc “lún đào, nứt trét” vẫn còn tái diễn dài dài ở Sóc Trăng. Bởi trên thực tế đến thời điểm này ngoài các trường THCS Song Phụng (H.Long Phú), Đại Ân 1, An Thạnh Ba (huyện Cù Lao Dung), còn rất nhiều ngôi trường tiếp tục bị nứt tường, lún nền trở lại như: THCS xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú), THCS xã Xuân Hòa, THCS thị trấn Kế Sách (thuộc huyện Kế Sách)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận