Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 (ấp Láng Cháo, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, Trà Vinh) đã hòa vào lưới điện quốc gia - Ảnh: Báo Đầu Tư
Kết luận báo cáo kiểm toán dự án nhà máy vừa được Kiểm toán Nhà nước phát hành cho thấy vài điểm "nổi bật" như thay đổi công nghệ chạy than nội sang nhập khẩu khiến chi phí đội thêm 145,7 tỉ đồng, rồi chậm mua than chạy thử làm tăng thêm hơn 31 tỉ đồng...
Quá nhiều sai sót
Kiểm toán Nhà nước đã phân tích cho thấy có quá nhiều hạn chế, tồn tại của dự án từ công tác lập thẩm định phê duyệt dự án đến nghiệm thu thanh toán, quyết toán, lựa chọn nhà thầu, tiến độ thực hiện, quản lý chi phí đầu tư...
Về công tác lập thẩm định phê duyệt dự án, Tập đoàn Điện lực VN () phê duyệt trong khi nguồn vốn của dự án chưa được tổ chức vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ theo đúng quy định.
Vì vậy, khi thương thảo vay vốn, EVN đã không lường hết được các chi phí như chi phí lãi vay (35,4 tỉ đồng); phí bảo lãnh (111,8 tỉ đồng); phí luật sư (2,1 tỉ đồng)... khiến chi phí đội thêm 149 tỉ đồng vào tổng mức đầu tư.
Mặt khác, EVN còn phê duyệt đầu tư dự án trước khi Bộ TN-MT có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đến tháng 4-2018, dự án chưa được cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước.
Về tổng mức đầu tư dự án được lập, thẩm định và phê duyệt đối với các công tác cọc móng nhà tuôcbin, lò hơi chưa phù hợp thiết kế cơ sở, tính sai số học, sai diện tích theo suất đầu tư, sai khối lượng một số công việc tại nhà tuôcbin móng máy phát, lò hơi... so với quy định là 450 tỉ đồng.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh tổng mức đầu tư được điều chỉnh vào cuối năm 2015 lên 37.260 tỉ đồng, tăng 8.789 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt lần đầu do thay đổi tỉ giá đồng USD tăng 2.792 tỉ đồng; chi phí lãi vay tăng 749 tỉ đồng; giá chi phí nhiên liệu cho công tác chạy thử tăng 1.146 tỉ đồng...
"Vốn đội thêm hơn 8.799 tỉ đồng, khoảng 30% so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là mức quá cao. Song điều đáng nói nguyên nhân chính khiến tổng mức đầu tư tăng thêm là do chủ quan của EVN và các đơn vị liên quan" - ông Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính nói.
Trách nhiệm thuộc về EVN
Kết luận kiểm toán nêu rõ công tác lựa chọn nhà thầu cũng có nhiều tồn tại. Đơn cử cán bộ tư vấn giám sát thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, thẩm tra và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công không có chứng chỉ hành nghề thiết kế, giám sát.
Hoặc trong công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn, Tổng công ty Phát điện 1 vay hơn 527 tỉ đồng từ Công ty CP thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đam Mi không có trong phương án tài chính và cơ cấu tổng mức đầu tư được duyệt.
Chủ đầu tư không rút hết giá trị khoản vay cam kết của các hợp đồng vay vốn nước ngoài làm lãng phí phí bảo hiểm tín dụng cho khoản vay 1 tỉ USD với Ngân hàng Bank of China số tiền 2,9 triệu USD.
Đến tháng 4-2018, tức thời điểm kiểm toán, EVN chưa làm việc với đơn vị bảo hiểm Sinosure thu hồi số tiền 2,9 triệu USD tương ứng với số tiền không giải ngân 37,8 triệu USD trong hợp đồng tín dụng để tiết kiệm chi phí đầu tư của dự án. Kiểm toán Nhà nước khẳng định trách nhiệm này thuộc về EVN.
Trong kết luận, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo EVN kiểm điểm nghiêm túc tập thể, cá nhân trong việc báo cáo Thủ tướng sử dụng than nội thay cho than nhập khẩu.
Các bên phải xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc thanh toán một số chi phí đầu tư, các khoản chi phí gồm lãi vay, phí luật sư, phí bảo lãnh không nằm trong tổng mức đầu tư được EVN phê duyệt 149 tỉ đồng; việc chậm đàm phán ký hợp đồng mua 900.000 tấn than chạy thử của tổ máy số 1 làm tăng chi phí đầu tư hơn 31 tỉ đồng...
Vốn vay, tổng thầu của Trung Quốc EVN là chủ đầu tư từ cuối năm 2010 đến cuối tháng 4-2013, sau đó bàn giao cho Tổng công ty Phát điện 1. Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt lần đầu vào năm 2010 là hơn 28.460 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 37.260 tỉ đồng vào cuối năm 2015. Nguồn vốn đầu tư gồm 85% vốn vay của Ngân hàng Bank of China (Trung Quốc) và 15% vốn đối ứng của EVN. Nhà thầu chính thực hiện gói thầu EPC liên danh là các nhà thầu Trung Quốc gồm China Chengda Engineering Co.Ltd - Dongfang Electric Corporation - Southwest Electric Power Design Institute... được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu. |
Dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 (nằm trong Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Trà Vinh) là nhà máy nhiệt điện than có quy mô công suất 1.245 MW, gồm 2 tổ máy và các hạng mục phụ trợ theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến 2025. Việc đầu tư, xây dựng và vận hành nhà máy nhằm đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm lượng điện truyền tải từ miền Bắc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận