Đây là dự án cải tạo chung cư cũ nằm ở vị trí đất vàng đắc địa tại TP Huế. Dự án này nhằm cải tạo, xây dựng lại mới khu chung cư Đống Đa đang xuống cấp nghiêm trọng, có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào.
Dự án nghìn tỉ cải tạo chung cư cũ nằm trên giấy
Chung cư Đống Đa (còn gọi là khu tập thể Đống Đa, phường Phú Nhuận, TP Huế) gồm 5 dãy nhà (A, B, C, D, E) được xây dựng từ năm 1979, có tổng diện tích là 3.307m2.
Khu chung cư này được Nhà nước xây dựng để làm chỗ ở cho những cán bộ, công chức, đội ngũ trí thức làm việc tại Huế sau những ngày đất nước thống nhất. Hầu hết các hộ dân ở đây đều được Nhà nước hóa giá, cấp sổ hồng.
Sau thời gian dài tồn tại, trải qua sự khắc nghiệt của thời tiết xứ Huế khiến khu chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt trong quá trình sử dụng, rất nhiều hộ dân ở chung cư đã lấn chiếm, cơi nới sai phép, mở rộng căn nhà ở của mình thêm hàng chục m2.
Qua đánh giá của Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế, khu chung cư Đống Đa được xác định là công trình cấp III, độ bền vững bậc III, có niên hạn sử dụng từ 20 năm đến dưới 50 năm.
Khu chung cư này đang rơi vào tình trạng có thể đổ sập bất cứ lúc nào do đã đạt đến niên hạn sử dụng (50 năm) và không đảm bảo các quy định phòng cháy chữa cháy hiện hành.
Đến năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận, cho phép Công ty CP phát triển và đầu tư Đống Đa đầu tư dự án cải tạo chung cư Đống Đa với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng. Thời gian thi công trong 36 tháng kể từ ngày chính quyền bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án, chính quyền lẫn nhà đầu tư đã vấp phải sự phản ứng của những người dân đang sống hiện hữu ở khu chung cư cũ này.
Phần lớn các hộ dân phản đối là vì chưa đồng thuận phương án tái định cư tại chỗ, bù thêm tiền để nhận căn hộ mới của phía chủ đầu tư cũng như chính quyền.
Do vậy, đã 3 năm kể từ khi được chấp thuận đầu tư, dự án cải tạo chung cư Đống Đa hiện vẫn đang… nằm trên giấy.
Chưa thỏa mãn phương án đền bù, hỗ trợ
Bà Bùi Thị Nhuần, một hộ dân sống tại tầng 2 khu A chung cư Đống Đa, cho biết theo phương án của chủ đầu tư đưa ra, gia đình bà sẽ được tái định cư tại chỗ.
Theo đó sau khi chung cư mới được xây xong, gia đình bà Nhuần sẽ nhận lại được căn hộ mới với diện tích gần 80m2 ở tầng 4.
Để nhận căn hộ mới, bà Nhuần phải trả số tiền khoảng 380 triệu đồng đề bù vào số diện tích dư dôi ở căn hộ mới so với căn hộ cũ bà đang ở.
Ngoài ra khi chuyển đồ dời đi, bàn giao nhà cho chủ đầu tư, bà Nhuần còn được hỗ trợ số tiền 4 triệu đồng mỗi tháng là tiền thuê nhà trong 36 tháng.
"Cái chúng tôi cần ở đây là chính quyền tỉnh phải đứng ra đảm bảo cho chúng tôi cụ thể có ngày dời đi và có ngày trở về lại chung cư này. Chứ không ai cam kết, lỡ chủ đầu tư giữa chừng bỏ đi thì chúng tôi biết tìm ai để đòi lại nhà đây", bà Nhuần nói.
Cũng theo bà Nhuần, lý do nhiều hộ dân ở chung cư chưa chịu dời đi, bàn giao mặt bằng cho chính quyền để cải tạo chung cư là bởi chưa thống nhất được phương án đền bù, hỗ trợ.
"Nhiều hộ dân ở đây không chịu dời đi vì nếu muốn nhận nhà mới thì họ phải bỏ ra vài trăm triệu đồng. Đang yên đang lành bỗng dưng phải bỏ cả trăm triệu đồng - số tiền vượt quá mức tài chính của nhiều gia đình mới có nhà mới để ở nên người dân không chịu", bà Nhuần nói.
Để giải quyết vấn đề này, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản trả lời các kiến nghị, phản ánh của những hộ dân cư đang sống tại chung cư Đống Đa.
Văn bản này do ông Hoàng Hải Minh, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký, ban hành.
Theo đó, tỉnh cam kết sẽ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ dự án (36 tháng) kể từ khi người dân bàn giao nhà, kể cả khi dự án chậm do nguyên nhân bất khả kháng.
Nếu để dự án chậm tiến độ, ngoài bị phạt tiền theo quy định, chủ đầu tư phải trả cho các hộ dân ở đây số tiền 10 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà khi bị chậm bàn giao căn hộ.
Với những hộ dân được bố trí tái định cư tại chỗ không đủ tiền nộp tiền chênh lệch diện tích thì được tạo điều kiện để vay vốn tại ngân hàng.
Với những gia đình có 3 thế hệ cùng sinh sống trong một căn nhà bị giải tỏa, nếu có 3 hộ trở lên thì sẽ được bố trí thêm 1 căn hộ theo giá sàn xây dựng nhân với hệ số 1,2.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, thành phố sẽ tổ chức vận động, đối thoại lần cuối cùng với các hộ dân còn lại, chưa di dời khỏi chung cư Đống Đa vào cuối năm 2024. Sau buổi đối thoại này, nếu các hộ dân vẫn chưa chịu di dời, đơn vị sẽ lập phương án cưỡng chế nhằm sớm bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận