Ông Trần Ngọc Hùng - Ảnh: C.V.Kình |
“Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật là làm dự án bằng vốn nhà nước, hiệu quả nhà nước có thể chưa thấy đâu nhưng hiệu quả của những người từ lập thẩm định, phê duyệt đến thực hiện dự án là khá rõ |
Ông Trần Ngọc Hùng |
Ông Trần Ngọc Hùng, chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về các dự án nghìn tỉ dừng hoạt động do không hiệu quả hoặc đầu tư dở dang rồi “đắp chiếu”, như dự án nhà máy 8.104 tỉ đồng của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Ông Hùng nói: “Dự án của TISCO là dự án lớn, cần làm rõ trách nhiệm thuộc chủ đầu tư, các đơn vị và cơ quan liên quan như TISCO, Bộ Công thương trong vai trò xem xét, thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án”.
* Không chỉ dự án của TISCO mà nhiều dự án “có yếu tố Trung Quốc” đều chậm tiến độ, bị đội vốn và sản phẩm làm ra không đạt thông số ban đầu... Liệu có sự bất thường nào không?
- Ngay từ khâu làm hồ sơ mời thầu và thương thảo hợp đồng, nhiều chủ đầu tư VN đã bị “quả đắng”, bị tăng vốn, chậm tiến độ, nhà máy khó khăn. Phía Trung Quốc có kinh nghiệm hơn và không loại trừ họ có ý đồ ngay từ đầu về các điều khoản hợp đồng để được nhiều quyền lợi.
Điều này cũng dễ hiểu bởi kinh doanh thì lợi nhuận là số một. Ngoài chuyện thiếu kinh nghiệm, nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay chưa coi trọng đúng mức khâu thương thảo hợp đồng với đối tác.
Tuy nhiên, điều đáng nói là khi làm dự án, các cán bộ liên quan rất hay đi nước ngoài tìm hiểu... mô hình, thường do chính một nhà thầu nào đó mời. Không những giới thiệu rất hay, các nhà thầu này thường chiêu đãi vô cùng long trọng từ ăn uống, đi lại, tham quan, quà cáp...
Do đó trong thương thảo hợp đồng nhiều điều khoản bị hớ, nhất là vấn đề điều chỉnh giá cả, tiến độ thực hiện, các điều khoản về phạm vi hợp đồng.
Như vậy vấn đề là vốn của ai, anh có chặt chẽ với đồng tiền của mình hay lại coi đó là “tiền chùa”. Nếu là của tư nhân, chắc khó có những chuyện nhượng bộ nhiều.
* Tại dự án của TISCO, phần nền móng chủ đầu tư ký cho theo đơn giá điều chỉnh, không theo điều kiện của hồ sơ chào thầu?
- Về nguyên tắc, hợp đồng phải theo đúng bài toán chào thầu. Bởi hồ sơ mời thầu dự án có vốn nhà nước hoặc được Nhà nước bảo lãnh tới mấy ngàn tỉ đồng, chắc phải có sự phê duyệt của cơ quan chức năng.
Nếu có điều chỉnh phải được cơ quan cấp trên đồng ý. Nếu không được đồng ý mà tự điều chỉnh, phải truy cứu trách nhiệm cố ý làm trái. Còn nếu được chấp nhận, cơ quan phê duyệt sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình xem nó có tính hợp lý thế nào.
Tôi cho rằng nhiều dự án kiểu như nhà máy 8.104 tỉ đồng, sau vài năm đình trệ nay đang tìm cách khởi động lại gây lãng phí, thất thoát rất lớn... Cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm các bên.
* Hết nhà máy xơ sợi 7.000 tỉ đồng ở Hải Phòng “đắp chiếu”, rồi dự án 8.104 tỉ đồng của TISCO hoang phế cho thấy nhiều dự án ban đầu vẽ ra rất hiệu quả để xin chủ trương, nhưng...?
- Tôi từng nói thất thoát, lãng phí lớn nhất là từ chủ trương đầu tư. Tức là anh chấp nhận đầu tư không đúng gây lãng phí lớn nhất.
Nhà máy đặt vị trí sai, không nguyên liệu, hội chứng xin làm cảng, sân bay, làm chợ không có người họp, nhà không có người ở, trường không có học sinh, cầu không có đường nối, nhà máy sản xuất cầm chừng, hiệu suất thấp...
Rồi ai cũng muốn tỉnh mình có nhiều dự án để xin kinh phí cấp từ trung ương. Tình hình đã được siết lại nhưng chưa phải đã hết.
Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật là làm dự án bằng vốn nhà nước, hiệu quả nhà nước có thể chưa thấy đâu nhưng hiệu quả của những người từ lập thẩm định, phê duyệt đến thực hiện dự án là khá rõ.
Đơn giản nhất là họ sẽ được tham gia các đoàn, đi nước ngoài, chi các khoản chi phí có trong dự án hay có dấu ấn thành tích trong nhiệm kỳ của mình...
Vì vậy trách nhiệm các khâu phải rõ và ai vi phạm phải truy cứu, xử nghiêm. Nhà máy 7.000 - 8.000 tỉ đồng bằng tiền thu ngân sách nhiều tỉnh trong nhiều năm.
Đặc biệt, dồn vốn đúng chỗ cần thì đó là cơ hội phát triển của một ngành, một lĩnh vực và ngược lại thì hậu quả rất lớn, không đo đếm được...
* Biện pháp nào hạn chế tình trạng vẽ dự án đẹp để làm bằng được?
- Cần có quy định chế tài pháp luật chặt chẽ hơn nữa, ràng buộc trách nhiệm và xử lý nghiêm minh. Nhưng có thực tế là số vụ được xử lý không nhiều và không nghiêm... Nên tôi cho rằng bài toán lâu dài là cần hạn chế đầu tư nhà nước.
Nếu cùng là nhà máy với sản phẩm như nhau, nhưng tư nhân hoặc doanh nghiệp FDI đầu tư giá sẽ khác, thường thấp hơn nhiều, tiến độ hoàn thành sớm hơn.
Các doanh nghiệp nhà nước nên cổ phần hóa, nhưng nếu chỉ bán cổ phần với tỉ lệ thấp, cơ bản vẫn là Nhà nước thì chưa thay đổi được gì.
Lãnh đạo vẫn là những người đi tiêu tiền của công. Chỉ khi người ta đầu tư bằng chính tiền của mình, “của đau con xót” mới hết lòng hết sức để giảm chi phí, tăng hiệu quả, từ đó tăng hiệu quả cho đất nước.
Ông Lê Viết Thái (trưởng ban thể chế Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Làm rõ được, mất nếu đầu tư tiếp Việc TISCO đưa lý do hàng ngàn lao động có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu không tiếp tục dự án, theo tôi, chẳng qua cũng chỉ là cái cớ. Tuy nhiên, việc lao động mất việc tạm thời khi tái cơ cấu là bình thường. Thậm chí thay vì ưu đãi cho TISCO đầu tư thêm, số tiền đó thừa sức chi cho cán bộ nhân viên để hỗ trợ họ chuyển đổi nghề. Và nếu tái cơ cấu tốt, doanh nghiệp khác nhảy vào, dự án có hiệu quả, công nhân lại có việc làm. Do đó cần tính toán kỹ việc hỗ trợ để tiếp tục dự án, phải làm rõ việc đầu tư tiếp sẽ đạt hiệu quả đến đâu, còn dừng lại sẽ thiệt hại như thế nào, đảm bảo dự án đáp ứng lợi ích chung của đất nước. Bởi những người muốn tiếp tục có thể vì đó không phải tiền túi của họ. Họ cứ kiến nghị, sau đó “hạ cánh” an toàn là xong. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận