Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình thực hiện nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình đường bộ, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn là trường hợp gặp vướng khi thực hiện nghị quyết.
Dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc đườngg bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, được nghị quyết 106 cho áp dụng chính sách sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Chính phủ giao bộ là cơ quan chủ quản đối với dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn.
Ngày 16-5-2024, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe đầy đủ, tổng mức đầu tư 1.875 tỉ đồng, và giao Sở Giao thông vận tải Ninh Bình là chủ đầu tư dự án. Hiện nay, chủ đầu tư đang triển khai công tác thiết kế kỹ thuật để tổ chức đấu thầu, dự kiến khởi công dự án vào cuối năm 2024.
Theo quyết định của Thủ tướng, dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn được bố trí 1.200 tỉ đồng trong trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trong đó năm 2024 dự án được bố trí 6,5 tỉ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; hiện nay đang tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí thêm 343,5 tỉ đồng nguồn vốn kế hoạch năm 2024 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án.
Trên cơ sở quyết định giao vốn năm 2024 cho dự án, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính phân khai chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn làm cơ sở giải ngân nguồn vốn được bố trí cho dự án.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính có ý kiến về sự chưa phù hợp trong việc các bộ chuyên ngành giao các sở giao thông vận tải làm chủ đầu tư các dự án, nên chưa phê duyệt dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2024 được bố trí.
Bộ Giao thông vận tải nhận định việc này làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân dự án. Do vậy, bộ đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc nêu trên để sớm thực hiện việc phê duyệt dự toán cho dự án, để thực hiện giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 và các năm tiếp theo.
Về chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Bộ Giao thông vận tải cho biết đang có vướng mắc khi các mỏ vật liệu thông thường theo quy định Luật Đất đai không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, nên nhà thầu phải thỏa thuận với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ.
Tuy nhiên, một số chủ sở hữu yêu cầu giá cao hơn nhiều so với mức giá Nhà nước bồi thường khi thu hồi, gây khó khăn cho việc khai thác các mỏ vật liệu. Việc này dẫn đến thực tế một số mỏ không thể thỏa thuận được với người dân và phải xem xét khảo sát đánh giá điều chỉnh sang các mỏ khác, gây mất thời gian để thực hiện.
Vì vậy Bộ Giao thông vận tải đề xuất cần có quy định của Nhà nước về giải phóng mặt bằng khu vực mỏ, không để nhà thầu tự thỏa thuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận