05/09/2022 15:17 GMT+7

Dự án giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong: Sẽ về đích đúng mốc '25-12'

T.D.V - TRƯỜNG TRUNG - KHÁNH QUÂN
T.D.V - TRƯỜNG TRUNG - KHÁNH QUÂN

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Thọ - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), khi nói về dự án giải tỏa công suất nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong.

Dự án giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong: Sẽ về đích đúng mốc 25-12 - Ảnh 1.

Tiến hành kéo dây đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đoạn qua huyện Bác Ái, Ninh Thuận Ảnh: BÙI XUÂN TIẾN

Tổng dự án bao gồm các dự án thành phần: (i) TBA 500kV Vân Phong và đấu nối; (ii) ĐZ 500kV NĐ Vân Phong-NĐ Vĩnh Tân; (iii) ĐZ 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào ĐZ 500kV NĐ Vân Phong-NĐ Vĩnh Tân - một trong số những dự án truyền tải điện trọng điểm quốc gia. Dự án với yêu cầu phải cán mốc trước ngày 25-12 này nhằm kịp thời giải tỏa công suất cho nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong 1 và các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực Nam Trung Bộ và miền Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thọ cho biết thời điểm này đang là giai đoạn thi công căng thẳng nên toàn bộ lực lượng phải bám sát công trường để vướng đâu gỡ đó.

Cam kết đúng tiến độ

* Tầm quan trọng của dự án được Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực ghi rõ trong công điện khẩn số 29, vậy đến thời điểm này tiến độ dự án đã thực hiện tới đâu thưa ông?

- Có thể nói đây là dự án mà chúng tôi đang tập trung cao độ, bám sát công trường, bám sát tiến độ để vướng ở đâu tháo gỡ ngay ở đó vì dự án BOT Vân Phong là dự án quan trọng không chỉ riêng với ngành điện mà còn cho cả nền kinh tế đất nước. Việc giải tỏa kịp công suất của nhà máy sẽ đảm bảo cung cấp một phần nguồn điện trong giai đoạn từ năm 2023 trở về sau. Đặc biệt là khi chúng ta đã cam kết với nhà đầu tư BOT (Nhật Bản) rằng nếu không kịp tiến độ thì phía Việt Nam sẽ phải bỏ tiền đền bù vận hành.

Với tính chất cấp bách đó, nên đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân với 304 vị trí hiện đã hoàn thành 100% móng trụ, dựng cột đạt khối lượng gần 90% và kéo dây hơn 40%. Riêng Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối với 66 vị trí cột thì hiện đã hoàn thành đúc móng hơn 97%, dựng cột hơn 82% và đang kéo dây với hơn 50% khối lượng.

* Công trường đang bước vào giai đoạn cao điểm thi công nhưng lại gặp phải khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, đó có phải là thử thách lớn nhất đối với tiến độ lần này?

- Hiện nay, có ba khó khăn mà chúng tôi phải liên tục tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết. Thứ nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với một số điểm "nóng". Mặc dù đến thời điểm này các địa phương đã hỗ trợ hoàn thành 100% công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại khu vực thi công nền móng, nhưng hành lang tuyến vẫn còn 6% vị trí nghẽn chưa giải tỏa được. Do vậy sắp tới khi thi công, CPMB phải phối hợp các đơn vị để tổ chức phương án bảo vệ thi công.

Thứ hai là việc đảm bảo tiến độ trong điều kiện thời tiết đang vào giai đoạn phức tạp (mưa, bão lũ) nên Ban QLDA đã yêu cầu các đơn vị thi công tập trung cao độ, nhất là tại các khu vực như: Diên Khánh, Cam Lâm (Khánh Hòa), huyện Bác Ái (Ninh Thuận). Việc thi công ở nhiều địa hình phức tạp, chỉ cần một trận mưa là đường vào công trình sạt lở, việc vận chuyển vật tư thiết bị gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị phải hạ tải từ những xe tải trọng lớn xuống các xe nhỏ để trung chuyển dẫn đến nhà thầu phát sinh chi phí. Tuy nhiên với quyết tâm cao các đơn vị, CPMB vẫn kiểm soát tốt tiến độ đề ra.

Ngoài ra, hiện phía Trung Quốc đang thực hiện chính sách "Zero-COVID", trong khi có khá nhiều vật tư thiết bị của các hãng lớn trên thế giới lại sản xuất tại Trung Quốc, đây là điều khó khăn, lo lắng nhất. Theo thống kê hiện một số thiết bị nhập đã cập bến, riêng máy biến áp, chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà thầu và phía họ đã cam kết sẽ bàn giao vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2022.

"Dù dự án có những hạng mục gặp nhiều khó khăn do địa hình lẫn thời tiết, nhưng chúng tôi cố gắng là sẽ về đích không trễ hơn mốc "25-12", đến thời điểm này chúng tôi vẫn đang kiểm soát tiến độ khá tốt"
Ông Nguyễn Đình Thọ (Phó giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung)

Đề xuất phương án cắt điện hợp lý

* Được biết cụm dự án giải tỏa công suất có nhiều đoạn băng qua đường sắt, quốc lộ, đặc biệt là băng qua các trục đường dây thuộc các dự án năng lượng tái tạo do tư nhân đầu tư. Vậy CPMB có giải pháp gì để đảm bảo tiến độ?

- Các khó khăn này đã được đơn vị tính toán trong phương án thi công, theo đó CPMB đã có các đề xuất gửi Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), từ đó EVNNPT sẽ làm việc với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) để lên phương án cắt điện hợp lý nhất.

Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chúng tôi hi vọng các nhà đầu tư tư nhân hiểu được tầm quan trọng của dự án này và hỗ trợ để chúng tôi triển khai thi công. Phương án thi công ít ảnh hưởng nhất trên toàn cụm dự án là thi công vào khoảng thời gian từ 15h00 đến 8h00 sáng hôm sau. Như vậy các dự án năng lượng tái tạo sẽ ít chịu thiệt do phải dừng phát điện để các đơn vị kéo dây băng qua dự án.

34 năm với những công trình băng rừng vượt núi

Hơn 34 năm xây dựng và trưởng thành, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) có nhiệm vụ chính là quản lý dự án, tư vấn giám sát kỹ thuật, bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu thầu xây lắp, đấu thầu vật tư thiết bị, cung cấp, bảo quản, vận chuyển vật tư thiết bị,... cho các công trình lưới điện có cấp điện áp từ 220kV trở lên.

Dấu ấn CPMB đã được khẳng định qua nhiều công trình trọng điểm quốc gia như đường dây 500kV mạch 2, mạch 3 đã tạo nên hệ thống xương sống của lưới điện quốc gia. Các đường dây xuyên quốc gia như mạch 220kV từ biên giới Trung Quốc đến Hà Giang là mạch 220kV Thanh Thủy-Hà Giang-Tuyên Quang, Tuyên Quang-Thái Nguyên và đường dây 110kV kết hợp 220kV Sóc Sơn-Thái Nguyên (đóng điện tháng 4/2007); Đường dây 220kV Tuyên Quang-Bắc Cạn-Thái Nguyên (đóng điện tháng 6/2008) giải quyết kịp việc thiếu điện trong giai đoạn kinh tế đất nước phát triển nhanh. Các công trình cấp điện khẩn cấp cho miền Nam như đường dây 220kV Đắk Nông-Phước Long-Bình Long (đóng điện tháng 12/2012), Tuyến đường dây đấu nối lưới điện 220kV với Lào, các dự án đường dây giải tỏa công suất nguồn điện ở các nhà máy thủy điện Sông Tranh, A Vương, nhà máy điện Vũng Áng 1…

T.D.V - TRƯỜNG TRUNG - KHÁNH QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp